Làng cau xứ Đài và các cô dâu Việt
Các Website khác - 19/01/2009
 Shuangsi (Song Khê) là một xã vùng sâu của huyện Đài Bắc. Chỉ cách TP Đài Bắc 40 phút tàu chạy nhưng nơi đây thật yên tĩnh với những làng nghề thủ công, trong đó có nghề làm trầu cau. Tháng 11, trời trở lạnh, nhiệt độ thay đổi nhanh trong ngày kèm theo gió núi và những cơn mưa bất chợt. Mùa lạnh cũng là mùa của trầu cau, những xưởng làm trầu cau nhộn nhịp từ 7g sáng đến 5g chiều, tập trung rất nhiều cô dâu Việt

Duyên trầu – cau

 Đi trên những con đường nhỏ bao quanh sườn núi, có thể thấy những vườn cau nối tiếp nhau trùng điệp, xen lẫn với những mảng xanh của cây rừng tạo nên một bức tranh nhiều màu sắc. Song Khê, tên gọi hai con suối sóng đôi chảy vắt ngang qua phố huyện ngày đêm rì rầm, minh chứng cho những câu chuyện của các chàng trai xứ Đài và cô gái Việt, bắt đầu từ những miếng trầu cay. Song Khê không có những đồi cau bạt ngàn nhưng gia đình nào cũng có vài trăm gốc cau làm kinh tế phụ. Thanh niên trong vùng biết ăn trầu từ tuổi 15.

Các chủ xưởng thường là những cặp vợ chồng trẻ, ngoài việc thu mua cau của những hộ dân địa phương, họ còn mua bao nhà vườn từ các làng chuyên trồng cau thuộc Đài Nam, Đài Trung, mỗi ngày cung cấp hàng tấn cau cho bạn hàng khắp tỉnh. Ngay cạnh ga Shuangsi, cũng đã tập trung đến bốn xưởng làm cau, tiếng máy  lựa hạt lách cách như muốn phá tan không khí trầm lặng của vùng quê hẻo lánh này. Thợ làm cau nói cười rộn ràng, trẻ em tuổi mẫu giáo theo bố mẹ đến xưởng nô đùa rối rít. Ông chủ trẻ Lai Xui Xan mới ngoài 30 tuổi, đã là chủ một trong những xưởng cau ở gần đây. Miệng nhai trầu điệu nghệ, một tay quấn lá trầu, một tay anh Lai vẽ hình giới thiệu với khách: “Lá trầu cắt cuống, chẻ đôi hoặc ba tùy loại, lau khô lá, quết vôi, cuộn bẻ thật khéo rồi cuốn vừa đủ trái cau, sau đó xoáy chặt. Cau phân làm bốn loại: đặc biệt, nhất , nhì, ba, một bao từ 12 – 20 trái, giá 50 Đài tệ/bao”.

Anh Lai khoe, nhà anh có vườn cau trên 100 gốc, mỗi mùa mua thêm của người khác bốn vườn, trên 4.000 cây, tự gói, tự bán, mỗi tuần xuất xưởng hơn 10.000 trái. Cuộc hôn nhân chóng vánh của anh với cô gái Cần Thơ “may nhờ rủi chịu” đã bén duyên trầu cau được hai con, đang tuổi mẫu giáo. Nhờ nghề làm trầu, anh dạy vợ và “dụ” được cả mẹ vợ sang Đài Loan làm trầu phụ. Mỗi lần về VN, anh Lai còn “tăng điểm” được với nhà vợ vì tay gói trầu khéo léo, miệng nhai trầu dẻo lôi cuốn cả họ nhà vợ.

Dâu Việt

Người Việt có câu: “Miếng trầu làm đầu câu chuyện”, trầu không chỉ được dùng hàng ngày mà hiện diện trong các nghi lễ quan  trọng của đời sống cộng đồng như cưới hỏi, cúng lễ. Đài Loan cũng được mệnh danh là xứ sở của những vườn cau nổi tiếng. Phần lớn người Đài Loan, nhất là người lao động, ăn trầu như một món “khai vị” mỗi ngày.

Cô Lưu Thục Huệ, 35 tuổi, là chủ một xưởng làm cau trị giá hàng chục triệu Đài tệ, 30 công nhân của xưởng chủ yếu là các cô dâu Việt. Hàng nhiều, xưởng hoạt động sáu, bảy buổi/tuần. Ít hàng, công nhân chia ca, ngày làm, ngày nghỉ. Trung bình xưởng cung cấp 400 tấn cau/ ngày. Cau ở đây được các nhà vườn  từ Đài Nam, Đài Trung, Cao Hùng bỏ mối từng xe tải. Những trái cau nhỏ như ngón tay, mình tròn, đầu trắng lăn đều vào máy, với hệ thống phân loại cau bằng điện tử, có thể chia cau làm tám loại lớn nhỏ khác nhau.

Ở xưởng, thợ làm cau đa phần là người quen, hàng xóm nên các cô dâu Việt vẫn mang theo con đến xưởng, vừa làm vừa cho con bú, ăn lương theo sản phẩm hoặc theo ngày. Giá công khoảng 0,5 Đài tệ/trái (tương đương 250đ VN/trái), mỗi người có thể làm từ 1.000 – 3.000 trái cau/ngày, thu nhập từ 5- 16 ngàn Đài tệ/tháng/người (2,5 -8 triệu đồng/người).

Ngọc Mỹ  (25 tuổi), huyện Trà Ôn, Vĩnh Long, làm dâu xứ Đài hơn bốn năm, có hai con, mới một tuổi và hai tuổi, chồng làm nghề điện, kể: “Sáng sáng, chồng em đưa ba mẹ con đến xưởng, chiều đón về. Khi nhiều hàng, chồng em đến xưởng vừa chăm con vừa làm phụ. Thu nhập của em phụ chồng được 7 - 8 ngàn Đài tệ/tháng”.

Kể về gia đình, chị Lê Thị Mỹ Dung(27 tuổi), ấp Vĩnh Quy, xã Vĩnh Trinh, huyện Thốt Lốt, Cần Thơ có vẻ lặng lẽ hơn: “Ở VN, gia đình có năm người, mình là thứ tư. Ba mình làm thợ hồ, cực lắm. Nhà tranh vách đất, đứa em út 15 tuổi còn đang đi học. Qua đây, đêm nào mình cũng khóc vì nhớ nhà. Ban đầu mình đi làm nhà máy, lương 22- 23 ngàn/tháng nhưng không có bạn bè người Việt. Đi làm trầu cau có nhiều bạn đồng hương, thấy đỡ tủi thân, được nói tiếng Việt”.

Hứa Bích Vân (27 tuổi), huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng có một con 4,5 tuổi, qua Đài Loan 5 năm nay, kể: “Chồng em làm thợ sơn, đủ chi dùng nhưng má chồng 65 tuổi vẫn còn đi làm, chẳng lẽ mình ngồi nhà, buồn lắm”.

Cô Tạ Thuần (Ban Văn hóa xã hội xã Shuangsi), người chuyên phỏng vấn các cô dâu ngoại, nhận xét: “Toàn xã có 12 ấp, 3.800 hộ dân, 9.776 người, trong đó có trên 200 người nước ngoài, chủ yếu là các cô dâu Việt. So với phụ nữ Thái, Indonesia, các cô dâu Việt ở đây rất tốt, cầu tiến, ham học hỏi, tính tự lập, không dựa dẫm vào gia đình. Khó khăn lớn nhất của các cô là vấn đề kiếm việc làm. Hiện 30% cô dâu Việt có công việc ổn định. Vì thế, những nghề thủ công, sản xuất trầu cau phần nào giải quyết chuyện tài chính của các gia đình, giúp họ gắn bó, hòa nhập cộng đồng và chăm sóc cho con cái tốt hơn”.

Theo Phununet