Báo cáo của LHQ về tình hình điều trị AIDS
Các Website khác - 29/05/2006

Thái độ phủ nhận bệnh dịch, tình trạng thiếu lương thực và việc lãng phí các nguồn lực chính là những vấn đề khiến cho hàng nghìn bệnh nhân AIDS không được điều trị ở những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch AIDS. Đây là những thông tin được trình bày trong báo cáo của các nhà hoạt động về lĩnh vực điều trị bệnh dịch trình lên LHQ.

Những phát hiện trên do Hiệp hội thường trực điều trị quốc tế công bố hôm thứ tư tuần này. Cũng nhóm này hồi tháng 11 năm ngoái đã báo cáo về các lý do khiến nhiều quốc gia không hoàn thành được mục tiêu của LHQ nhằm điều trị 3 triệu người nhiễm HIV/AIDS cho tới cuối năm 2005. Theo đó, mới chỉ có 1,3 triệu người được điều trị.

Trong báo cáo cập nhật này, hiệp hội cũng trình bày về một số tiến bộ đạt được trong sáu tháng qua. Nhưng nhóm này cũng cảnh báo về những “rào cản nặng nề” vẫn gây nhũng nhiễu cho việc phân phối điều trị. Những rào cản đó chính là các nỗ lực trong chỉ đạo còn thiếu nhiệt tâm, công tác quản lý yếu, lĩnh vực hậu cần nghèo nàn, thái độ kỳ thị đối xử và nguồn quỹ thiếu thốn.

Nhóm gồm 700 nhà hoạt động trong lĩnh vực điều trị của hơn 100 nước đã đưa ra bản báo cáo trên ngay trước phiên họp đặc biệt của Đại hội đồng liên hợp quốc về vấn đề HIV/AIDS. Người ta hy vọng các bộ trưởng chính phủ của hơn 100 quốc gia sẽ tái khẳng định cam kết thực hiện mục tiêu phổ cập hoá toàn cầu thuốc điều trị AIDS cho tới năm 2010.

Bản báo cáo tập trung vào 6 nước chịu ảnh hưởng của đại dịch nặng nề nhất, đó là Cộng hoà Dominica, Ấn Độ, Kenya, Nigeria, Nga và Nam Phi.

Ông Fatima Hassan, tác giả phần nội dung viết về Nam Phi đồng thời là một thành viên của Dự án luật về AIDS trong nước nhận định: “Ngày nay, phổ cập hoá công tác điều trị chỉ còn là một khẩu hiệu. Thật khó để làm được điều đó nếu chúng ta không có một chiến lược đoàn kết cộng với nguồn quỹ tương xứng và công tác quản lý phù hợp”.

Một liên minh các nhà hoạt động AIDS quốc tế đã kêu gọi xác lập mục tiêu điều trị mới là “10 by 10” – điều đó có nghĩa là cho tới năm 2010 điều trị được 10 triệu người nhiễm HIV/AIDS.

Nhưng cộng đồng quốc tế dường như đã xa rời các mục tiêu điều trị toàn cầu cụ thể mà chỉ tập trung vào những kết quả đặc biệt.

Cũng theo nhận định của liên minh này thì mặc dù có thể nhận thấy rất nhiều công tác nghiêm khắc và quan tâm thấu đáo song việc thay đổi tính đến nay còn quá chậm chạp.

Ở nước Cộng hoà Dominica, tính tới tháng 4 năm nay đã có 3,200 người được điều trị thuốc kháng virus miễn phí, tăng thêm 500 người trong vòng 5 tháng và đây quả là một sự thay đổi hoàn toàn so với tình hình của hai năm trước đây.

Tuy nhiên, vẫn còn khoảng 8,000 đến 25,000 người dân có nhu cầu điều trị ở quốc gia thuộc vùng Caribe này. Vẫn chưa có những cải thiện đáng kể nào trong lĩnh vực điều trị ở những khu vực nghèo khó. Những nguồn lực vốn đã khan hiếm lại bị chi dùng lãng phí, chính phủ và các tổ chức từ thiện chưa phối hợp với nhau hiệu quả.

Kenya, các dịch vụ điều trị AIDS đã bị thâm thụt do tình trạng thiếu thốn lương thực, thiếu thốn nhân viên y tế, mạng lưới cung cấp thuốc yếu kém và không có được thông tin đầy đủ. Trong số khoảng 220,000 người có nhu cầu điều trị, chỉ có 70,000 người được điều trị thuốc kháng virus.

Nigeria đã mở thêm rất nhiều trung tâm điều trị nhưng việc xoá bỏ hai nguồn tài trợ của Quỹ toàn cầu chống AIDS, lao và sốt rét chính là nguy cơ khiến quốc gia này không thể đạt được mục tiêu điều trị cho 250,000 người cho tới cuối năm nay.

Ấn Độ đã từng đặt ra mục tiêu là phải điều trị được 355,000 người bệnh bằng thuốc kháng virus cho tới cuối năm 2005. Tuy nhiên, tính đến cuối tháng hai năm nay, mới chỉ có 35,700 người được điều trị. Liên minh nói trên kêu gọi việc xem xét lại toàn bộ những hướng dẫn điều trị trong nước và cần làm thêm nhiều việc nữa để quan tâm hơn tới trẻ em.

Cho tới tháng 5 năm nay, chỉ có hơn 5,000 trong số 50,000 người Nga cần điều trị được dùng thuốc kháng virus. Song liên minh cũng rất hy vọng tình hình ảo não này sẽ sớm chuyển biến nhờ chiến dịch tăng hỗ trợ tài chính cả từ phía các tổ chức nhân đạo lẫn chính phủ.

Ở Nam Phi, khoảng 200,000 đến 220,000 người đang được điều trị thuốc kháng virus. Nhưng do năng lực lãnh đạo của chính phủ không hiệu quả và thái độ phớt lờ đại dịch tương đối phổ biến lại là hai trong số những trở lực hàng đầu khiến đất nước này khó điều trị thêm được nhiều người bệnh, nhất là bệnh nhân trẻ em và nam giới.

Đỗ Dương theo http://news.yahoo.com