Cảng Cái Lân: Lãng phí vì bến trước luồng sau
Các Website khác - 24/08/2005
Cảng Cái Lân: Lãng phí vì bến trước luồng sau
Bích Liên

Hệ thống quản lý container hiện đại
mới chỉ khai thác được 60%.
Theo thiết kế, bến số 1 cảng Cái Lân (Quảng Ninh) có thể tiếp nhận tàu 4 vạn tấn đầy tải vào thẳng cảng. Nhưng trên thực tế, cảng chỉ có thể đón tàu 1,5 vạn tấn. Trở ngại đang nằm ở đoạn luồng từ Hòn Một đến Cửa Lục dài 7,56km mới đạt tới độ sâu 8,1m. Thế là nghịch lý xây cảng trước luồng sau đã xảy ra, khiến việc đầu tư cảng đang bị lãng phí nghiêm trọng.


Thêm 15USD/tấn hàng
Ông Vũ Khắc Từ - Giám đốc Cảng Quảng Ninh, hiện đang quản lý và khai thác cảng Cái Lân - xót xa: "Với hệ thống cầu bến, thiết bị làm hàng và quản lý bốc xếp hiện nay của cảng Cái Lân có thể nói là hiện đại số 1 Việt Nam, bởi được đầu tư mới với tổng trị giá hơn 1.700 tỉ đồng. Hệ thống quản lý container của cảng Cái Lân khá gần trình độ của các nước tiên tiến, khi đạt con số 1,8 lần nhấc lấy được 1 container (trong khi thế giới là 1,5 lần). Vậy mà hiện cảng mới chỉ khai thác được 60% công suất, cũng bởi tại luồng vào cảng chưa được khai thông".

Tiếng là bến cảng nước sâu cho tàu 4 vạn tấn, nhưng trên đoạn luồng dài 37km từ phao số không vào Cửa Lục lại bị một đoạn thắt nghẽn dài 7,56km từ Hòn Một đến Cửa Lục chỉ sâu 8,1m. Điều này đồng nghĩa với việc chỉ có tàu 1,5 vạn tấn đầy tải mới vào được, còn các tàu lớn hơn đều phải chuyển tải.

Theo tính toán, mỗi tấn hàng vào cảng Cái Lân bằng tàu 1,5 vạn tấn như hiện nay "cõng" thêm 15USD so với đi bằng tàu 4 vạn tấn. Như vậy, với lượng hàng cảng Cái Lân tiếp nhận từ 1.7.2004 đến nay là khoảng 2 triệu tấn, đã lãng phí khoảng 3 triệu USD. Chưa kể chính vì luồng không đủ độ sâu nên tàu lớn không vào được, làm giảm hiệu suất khai thác cảng.

Tình trạng này kéo dài thêm ngày nào, nguồn vốn đầu tư vào cảng Cái Lân lãng phí thêm ngày ấy. Chưa kể quy hoạch phát triển cảng biển VN cho thấy, cảng Cái Lân được coi là cảng nước sâu có vị trí quan trọng ở phía bắc nhằm mục đích thu hút tàu lớn, giảm chi phí vận tải sẽ có nguy cơ không thành hiện thực.

Nghịch lý đầu tư
Ngay từ khi thiết kế cảng Cái Lân, luồng cảng cũng đã được đưa vào danh mục đầu tư. Nhưng JBIC đã không chấp thuận đầu tư luồng mà chỉ đầu tư bến cảng, nên vốn để nạo vét 7,56km luồng vào cảng bị cạn, được Thủ tướng Chính phủ quyết định cho dùng nguồn vốn ngân sách.

Ông Vương Đình Lam - Cục trưởng Cục Hàng hải VN - cho biết, đã thuê TEDI thiết kế đoạn dự án nạo vét đoạn luồng nói trên. Theo đó, tuyến luồng mới từ Hòn Một đến Cửa Lục sẽ được nạo vét đạt độ sâu 10m, rộng 130m với khối lượng nạo vét khoảng 3 triệu mét khối, kinh phí dự kiến 300 tỉ đồng. Ông Lam còn cho biết thêm, theo quy hoạch, cảng Cái Lân sẽ tiếp tục được xây dựng tiếp 3 bến cảng nữa bằng nguồn vốn JBIC trị giá 60 triệu USD, để đến năm 2010 cảng đạt năng lực tiếp nhận 17 triệu tấn hàng/năm.

Đáng lẽ Bộ GTVT cần phải ưu tiên ghi vốn nạo vét luồng sớm để dự án này được thực hiện song song với xây dựng cầu bến cảng, thì nghịch lý xây cảng trước luồng, gây lãng phí đầu tư đã không xảy ra. Do không làm vậy nên hiện cảng Cái Lân tuy đã được đưa vào khai thác hơn một năm nay, nhưng thực sự chưa phát huy được hiệu quả của một cảng nước sâu.