Cơ hội thoát nghèo cho dân vùng cát
Các Website khác - 24/08/2005
Nuôi bò trên cát ở Quảng Ngãi:
Cơ hội thoát nghèo cho dân vùng cát
Trần Đăng

Ông Phạm Lựu với vườn cỏ voi.
Đã có những dự án nuôi tôm trên cát mang lại hiệu quả kinh tế cao ở vùng ven biển tỉnh Quảng Ngãi, giờ đến lượt nuôi bò trên cát, cũng mang lại nhiều lợi ích cho người dân. Có thể xem đây là cơ hội thoát nghèo cho hàng vạn gia đình đang sinh sống ven biển, nhưng không đánh cá mà là làm ruộng.


"Cò" trên cát
Tỉnh Quảng Ngãi hiện có 130km bờ biển. Dọc theo chiều dài trên 100 cây số này là hàng vạn gia đình sinh sống. Trừ một số rất nhỏ những gia đình sinh sống ven các cửa sông và cửa biển chuyên nghề đánh cá, đa số còn lại sống ở các bãi ngang đều làm nông.

Quỹ đất rất lớn, nhưng đa phần là cát, hệ thống thuỷ lợi không vươn tới được những vùng này, nên cuộc sống của người dân ven biển gặp rất nhiều khó khăn. Để có cái ăn, họ phải "bò" trên cát nóng trồng khoai lang, quanh năm thiếu nước hoặc trồng lúa ở những thửa ruộng chỉ biết ngửa cổ trông trời.

Tỉ lệ nghèo đói trong tỉnh Quảng Ngãi tập trung ở miền núi và ở những bãi ngang ven biển này. Cách đây 5 năm, một dự án lớn, đánh thức vùng cát ven biển huyện Mộ Đức được thực hiện bằng những hồ tôm được nuôi trên cát.

Dự án này bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao, song để thực hiện được cần phải có một khoản tiền khổng lồ với số vốn hàng chục tỉ đồng. Rốt cuộc, người giàu thì giàu thêm, người nghèo thì vẫn "bò" trên cát mà làm thuê cho những ông chủ nuôi tôm. Dù vậy, không phải tất cả những người nông dân ven biển đều được làm thuê ở các hồ tôm.

"Voi" nuôi bò
Song song với việc triển khai dự án nuôi tôm trên cát, tỉnh Quảng Ngãi cũng triển khai dự án nuôi bò trên cát. Địa phương đầu tiên được chọn là xã Phổ An, huyện Đức Phổ. Ông Lê Văn Kiếm - Chủ tịch Hội Nông dân Phổ An - nhớ lại: "Nuôi bò cỏ thì Phổ An đã từng nuôi, nhưng nuôi bò lai sind thì chưa bao giờ. Người dân vẫn còn "sợ" trước những con bò to lừng lững này, nên chỉ dám nhận... hai con. Nhưng qua vài năm, thấy hiệu quả, dân lao vào nuôi. Có người còn bán cả đồ đạc trong nhà để mua bò lai sind trị giá 1,2 cây vàng".

Nông dân Phổ An có kinh nghiệm nuôi bò từ lâu, song chỉ nuôi bò cỏ, giờ nuôi bò lai, quả là thử thách. Kỹ thuật nuôi thì có khuyến nông hướng dẫn, song nguồn cỏ cho bò thì rất khó. Diện tích thì rộng song toàn cát, lại thiếu nguồn nước nên những người nuôi bò phải lên tận vùng giáp ranh huyện Ba Tơ, xa hàng chục kilômét để cắt cỏ.

Rồi cây cỏ voi xuất hiện, kèm theo đó là nguồn điện được đưa về tận các thôn. Người dân đã tận dụng số diện tích đất ít ỏi trong vườn để trồng cỏ voi và đóng hàng trăm giếng nước bơm bằng điện để tưới cho cỏ. Số đất pha cát được họ cải tạo bằng nguồn phân chuồng từ đàn bò nên cũng được sử dụng vào việc trồng cỏ. Thế là bài toán về nguồn lương thực cho bò cơ bản được giải quyết.

Có đất, có nước, có loại cỏ voi nên hàng trăm gia đình lao vào nuôi bò. Chỉ vài năm, những gia đình nghèo đã có thể thoát được cảnh túng thiếu quanh năm. Ông Phạm Lựu - ở thôn Hội An Bắc - nói: "Tôi xây được ngôi nhà, sắm được chiếc xe máy là cũng nhờ nuôi bò".

Theo ông Lựu, năm 2004, giá bò lai lên cao, có lúc ông bán một con bò cái giống được 30 triệu đồng. Chuồng bò ông Lựu đến 6 con như thế. Số gia đình ở Phổ An nuôi từ 2 đến 8 con bò lai chiếm tỉ lệ lớn trong xã. Giá mỗi con bò lai lên đến hàng chục triệu, nhưng người dân vẫn mua được bò nhờ vào nguồn vốn vay lãi suất thấp của Nhà nước. Chính sự hỗ trợ toàn diện này mà cả xã Phổ An hiện có 2.200 con bò.

"Đây là số vốn chưa từng có từ trước đến nay đối với người dân vùng cát này" - ông Lê Văn Kiếm - Chủ tịch Hội Nông dân xã đã nói như thế.