"Hội đồng chiến tranh” chống AIDS
Các Website khác - 07/08/2008
 
Thuốc điều trị HIV/AIDS cho các nước nghèo hiện vẫn là một “vấn nạn” toàn cầu trong cuộc chiến chống HIV/AIDS

(CATP) Báo News24 của Nam Phi (3-8) đã gọi Hội nghị bệnh AIDS quốc tế từ ngày 3 đến 8-8-2008 tại Mexico City (Mexico) là “hội đồng chiến tranh” chống AIDS. Đây là một hội nghị được tổ chức hai năm một lần và năm nay lần đầu tiên diễn ra ở châu Mỹ Latinh, nơi có 1,7 triệu người đang mang virus HIV/AIDS và đang có tốc độ lây nhiễm nhanh.

Với chủ đề “Hãy hành động toàn cầu ngay bây giờ” (Universal Action NOW), hội nghị kêu gọi các nhà lãnh đạo chính trị thế giới duy trì một động lực đã được bắt đầu xây dựng cách đây vài năm và đã tạo thêm được nhiều cơ hội cho người bệnh AIDS ở các nước nghèo được tiếp cận với thuốc điều trị.

Trước đây, các cuộc hội nghị quốc tế về AIDS kiên trì vận động toàn cầu không phân biệt đối xử với người mang virus HIV/AIDS và tạo cơ hội cho họ hội nhập cuộc sống xã hội. Trong những năm gần đây, tiêu điểm được chuyển sang những giải pháp ngăn chặn sự lây lan quá nhanh và rộng của virus HIV/AIDS và cung cấp thuốc điều trị cho những người bệnh AIDS.

Trái với mong đợi của toàn nhân loại, những nỗ lực chế vaccine phòng chống HIV cho tới nay vẫn chưa đạt được kết quả. Vì thế, cuộc chiến chống HIV/AIDS sẽ còn kéo dài, và trước mắt là phải ngăn chặn được mức độ lây lan của HIV/AIDS.
Năm 2007, có thêm 2,7 triệu người trên thế giới bị nhiễm HIV, đưa tổng số người đang mang virus HIV/AIDS trên toàn cầu lên 33 triệu. Kể từ khi được phát hiện hồi năm 1981 đến nay, HIV/AIDS đã giết chết hơn 25 triệu người.

Trong những năm gần đây, nhờ các quỹ đóng góp gia tăng và giá các loại thuốc điều trị HIV/AIDS thế hệ thứ nhất được cắt giảm, gần 3 triệu người mang virus HIV/AIDS ở các nước đang phát triển đã được cấp phát thuốc điều trị. Nhưng theo Jean-Francois Delfraissy, Giám đốc Viện Nghiên cứu AIDS Quốc gia Pháp, “vẫn còn 9 triệu người khác có nhu cầu mà vẫn chưa có thuốc”. Cơ quan UNAids của Liên hiệp quốc cho biết hiện còn thiếu 8,1 tỷ USD nữa mới đáp ứng được nhu cầu cần thiết.

Ngay từ bây giờ, những hành động toàn cầu chống lại thảm họa HIV/AIDS là rất bức thiết. Nhưng tất cả sẽ vô ích nếu như không có sự hưởng ứng một cách có trách nhiệm của từng thành viên trong cộng đồng xã hội. Cụ thể là tự mỗi người phải luôn có ý thức bảo vệ bản thân mình trước nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS. 

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC