Ngày 12/2, Bộ LĐTB&XH đã báo cáo Chính phủ kết quả khảo sát tình hình lây nhiễm HIV, tệ nạn ma tuý, mại dâm trong công nhân viên chức và người lao động. Theo đó, Hà Nội là nơi có nhiều cán bộ mắc nghiện nhất với 634 người, kế đó là Quảng Ninh (270), Sơn La (191), Bà Rịa - Vũng Tàu (47), Lào Cai (46).
Trong tổng số 1,9 triệu cán bộ công nhân viên chức và người lao động của 39 tỉnh thành được khảo sát (từ tháng 8/2002 đến tháng 1/2003) thì có 1.927 người nghiện, hầu hết là nam giới và sử dụng hình thức tiêm chích. Họ đều bày tỏ nguyện vọng được cai nghiện, nhưng chủ yếu (77%) muốn được cai tại gia đình và cộng đồng thay vì đi cai tập trung tại các cơ sở chữa bệnh.
Cũng theo báo cáo, địa phương phát hiện số công chức và người lao động nghiện ma tuý ít nhất là Quảng Trị (1), Tiền Giang (2), Bạc Liêu (3). Nhiều tỉnh thành qua khảo sát không hề có người lao động mắc nghiện như Thừa Thiên - Huế, Khánh Hoà, Phú Yên, Ninh Thuận, Đồng Tháp. Tuy nhiên, theo đánh giá của một số cán bộ Cục phòng chống tệ nạn xã hội, những con số trên chưa phản ánh đúng tình hình bởi có hiện tượng một số cơ quan khi phát hiện nhân viên nghiện ma tuý đã vội vã buộc thôi việc.
Về tình hình mại dâm, 39 tỉnh thành qua khảo sát đã phát hiện 47 công chức và người lao động mua dâm và bán dâm. Trong đó, 12 người đã bị cơ quan nhắc nhở, 13 người bị cảnh cáo ghi vào lý lịch, 8 người được đưa đi giáo dục, chữa trị bắt buộc và 4 người bị truy tố trước pháp luật. Địa phương phát hiện nhiều người công chức liên quan đến mại dâm nhất là Bà Rịa - Vũng Tàu (10), Bình Định (7), Quảng Trị (5).
Về tình hình lây nhiễm HIV/AIDS, có 146 cán bộ công nhân viên và người lao động bị nhiễm, số đã chuyển sang AIDS là 38. Bà Rịa - Vũng Tàu là thành phố có nhiều công chức nhiễm bị HIV nhất với 43 người, kế đó là Cần Thơ (42), Sơn La (35), Đồng Tháp (20).
Qua đợt khảo sát này, Bộ LĐTB&XH kiến nghị nhà nước cần đưa nhiệm vụ phòng chống lây nhiễm HIV/AIDS, phòng chống tệ nạn xã hội vào Luật Doanh nghiệp và Luật Lao động để nâng cao trách nhiệm của chủ doanh nghiệp và người lao động. Bộ Tài chính cần có cơ chế tài chính cho công tác này, cần ghi vào mục lục ngân sách kinh phí để cơ quan, doanh nghiệp có cơ sở pháp lý thanh quyết toán. Vì thực tế nhiều năm qua, một số doanh nghiệp đầu tư kinh phí cho phòng chống HIV, mại dâm, ma tuý, nhưng khi thanh quyết toán hằng năm không được cơ quan tài chính chấp nhận.
▪ Bom nổ chậm của Châu Á (13/10/2002)
▪ Những đứa trẻ trong vòng vây tội lỗi (18/01/2003)
▪ Báo động lây nhiễm HIV/AIDS (13/01/2003)
▪ AIDS - mối đe dọa lớn cho sự ổn định toàn cầu (28/11/2002)
▪ Thành lập Trung tâm Chăm sóc bệnh nhân AIDS (25/11/2002)
▪ Nỗi xấu hổ của Châu Á (06/10/2002)
▪ Phát hiện cơ chế kháng virus HIV của các bệnh nhân không bị AIDS (03/10/2002)
▪ HIV "treo" đầu làng (25/09/2002)
▪ Giới trẻ Nhật thích "quan hệ bừa bãi" (22/09/2002)
▪ Nguy hiểm như khủng bố (09/07/2002)