![]() |
4 thuyền viên gắn với tàu Cần Giờ tại Tanzania đến khi về nước. |
10 giờ sáng 26/11, tàu Cần Giờ đã về neo đậu tại Cảng dầu thực vật Nhà Bè, TP HCM chờ ngày mai vào đốc Shipping Marine sửa chữa. Đón tàu là những đóa hoa tươi thắm, cả giọt nước mắt mừng vui và bước chân ngập ngừng trên đất mẹ sau 16 tháng xa quê hương của 4 thuyền viên đã "gắn" với tên Tanzania.
4 người đã "sống chết" để giữ tàu từ những ngày đầu bị giam giữ tại Tanzania là Nguyễn Quang Hưng (thủy thủ), Phạm Gia Thành (thủy thủ), Nguyễn Trọng Dũng (thủy thủ) và Bùi Vĩnh Phúc Toàn (máy trưởng).
Ngày 13/4, nhờ sự can thiệp của Chính phủ Việt Nam, 7 trong số 11 thuyền viên có mặt trên tàu Cần Giờ khi bị chính quyền Tanzania bắt giữ làm con tin đã được Sea Saigon thu xếp về nước. Trên tàu từ lúc này chỉ còn lại 4 thủy thủ với nhiệm vụ giữ tàu, đồng thời tự bảo vệ mình trong tình huống tàu không có thuyền trưởng, thuyền phó (đã về nước). |
- Với chỉ 4 người, bằng 1/3 quân số cần thiết, làm cách nào các anh có thể giữ tàu an toàn nơi đất khách quê người, trong khi lại "dính líu" vào vụ bắt giữ của Tanzania?
- Nguyễn Quang Hưng: Tiễn các đồng nghiệp về nước với tâm trạng buồn chán đến rớm nước mắt, chúng tôi quay về nhắc nhau là cố gắng giữ vững tàu, mặc dù trong thâm tâm cũng không chắc là có giữ được hay không. Nhưng chúng tôi nghĩ nếu giữ được tàu thì khi quay về mới có thể còn phương tiện để tiếp tục "kiếm cơm", mới có công ăn việc làm. 4 người phân công nhau: máy trưởng Toàn chạy về với máy để trông coi vì mặc dù tàu nằm một chỗ nhưng máy lúc nào cũng phải cho chạy, 3 người còn lại sẽ thay nhau người thì dọn vệ sinh, người lo nấu ăn hoặc phải theo dõi trên rada các tàu bè khác. Nhờ vậy mà hơn 1 năm qua tàu mặc dù có nhiều hư hỏng do không hoạt động thường xuyên nhưng vẫn sạch sẽ, tươm tất.
- Lúc mới bị Tanzania bắt giữ tàu, tâm trạng anh ra sao?
- Nguyễn Quang Hưng: Không chỉ riêng tôi mà cả thủy thủ đoàn đều cứ nghĩ đây là chuyện đùa, vì vụ bắt giữ hết sức vô lý. Chúng tôi nghĩ nhiều lắm thì chỉ 1-2 tháng là sự việc kết thúc. Không ngờ Tanzania lại làm thật. Tất cả đều hoang mang, lo lắng và cảm giác tương lai phía trước tối tăm.
- Phạm Gia Thành: Đây là lần đầu tiên tôi đi biển với 1 con tàu sau khi tốt nghiệp Đại học hàng hải Hải Phòng, nhưng cũng học tập được nhiều sau chuyến đi mà sách vở nhà trường không thể dạy. Bài học lớn nhất là có những luật quốc gia mà luật quốc tế không thể nào giải quyết, giống như luật của Tanzania. Trong những giờ rảnh rỗi, tôi nghiên cứu luật Tanzania, người bản xứ hỏi tôi rằng họ có làm sai gì luật của họ không. Tôi lắc đầu.
VnExpress đã liên hệ qua điện thoại với bà Nguyễn Thị Trinh, mẹ của thủy thủ Nguyễn Trọng Dũng đang sống tại xã Thạch Tiến, Thạch Hà, Hà Tĩnh. Bà cho biết: "Lần này Dũng về sẽ tổ chức cho đi xem mặt "mấy đám" mà tôi đã chọn trong thời gian Dũng vắng nhà. Tôi sẽ bắt nó lấy vợ trước Tết cho ấm nhà ấm cửa mỗi khi nó đi xa". |
- Áp lực lớn nhất của các anh lúc đó là gì?
- Nguyễn Quang Hưng: Tâm lý chúng tôi bị dồn ép rất nặng, đặc biệt là áp lực thời gian được thả. Chúng tôi rất hồi hộp mong chờ phán quyết của tòa sau mỗi đợt tòa xử để biết rằng có về nhà hay không, thế nhưng cứ sau mỗi phán quyết là mỗi thất vọng. Áp lực của gia đình cũng làm tôi căng thẳng mỗi khi lên mạng trò chuyện với vợ con. Tôi cứ khất lần thời gian về với gia đình, thấm thoắt đến hơn 1 năm rưỡi chưa gặp mặt vợ con, đến nỗi vợ tôi cứ khóc mỗi lần vào webcam.
- Phạm Gia Thành: Đến khi có phán quyết của tòa thả tàu Cần Giờ, chúng tôi lại nhận được tin của đại sứ quán cho biết nguyên đơn Mohamed Enterprise có 5 ngày để kháng nghị, nếu tàu không rời Tanzania trước thời điểm này sẽ có nguy cơ bị bắt trở lại. Tàu muốn ra khơi phải đổ đầy dầu và nước ngọt. Thế nhưng phía Tanzania đã thông báo đến khắp nơi trên nước này và cả các nước trong khu vực giao thương lân cận đề nghị không bán dầu cho tàu Cần Giờ, chúng tôi chỉ chuẩn bị được 20 tấn nước ngọt. Nhiều Việt kiều tại Tanzania đã phải giúp đỡ chúng tôi mua dầu và khi kiểm lại hầm chứa, chúng tôi thấy đủ dầu để ra đi đến Kenya trong vòng 12 giờ đồng hồ, tính cả hành trình cùng thời gian đổ dầu. Tàu đã phải chạy thật nhanh để thoát khỏi lãnh hải Tanzania.
![]() |
Trên boong tàu Cần Giờ đang neo tại cảng Sài Gòn. |
- Điều gì đáng nhớ nhất của các anh trong hải trình về nhà?
- Phạm Gia Thành: 3 ngày sau khi tàu rời cảng Dar Er Sallam của Tanzania, lúc 20 giờ khi tôi cùng với thuyền trưởng Phan đang điều khiển tàu trên buồng lái thì phát hiện có một cánh tay đen thui giơ lên cánh cửa buồng lái và một người da đen chui lên. Chúng tôi khá hoảng và khi làm việc với người này mới biết đấy là một "stowaway" (người trốn theo tàu). Người này đã thừa lúc thủy thủ đoàn đang vội vã, bối rối chuẩn bị cho chuyến về nhà trong điều kiện thời gian rất ngắn đã trốn lên tàu và nấp vào hầm máy. Sau 3 ngày phải nhịn đói, không chịu nổi nữa nên anh ta mới bò ra kêu cứu. Cho người này ăn uống, tắm rửa, thay quần áo xong, chúng tôi lại phát hiện thêm một stowaway nữa.
Chúng tôi đối xử với họ hết sức đàng hoàng, tử tế, đến nỗi ban đầu họ khai muốn được chở đến Châu Âu nhưng sau đó thay đổi ý định và đề nghị được theo tàu về Việt Nam (cười). Theo đúng thông lệ quốc tế, thuyền trưởng chúng tôi đã phải thông báo với nước sở tại và nhờ Người đồng bảo hiểm P&J thu xếp với các nước tàu cập cảng để trả lại 2 stowaway. Chúng tôi liên hệ với tàu Ấn Độ ở cảng Toutoucourin (Ấn Độ) nhưng tàu này từ chối nhận họ, chạy sang Maldive cũng không cập được vì nước này không cho phép stowaway nhập cảnh. Cuối cùng chúng tôi cũng thu xếp cho họ được lên bờ ở cảng Colombo thuộc Srilanka.
- Bùi Vĩnh Phúc Toàn: Do hành trình quá dài, những đường ống nước làm mát hệ thống tàu bị rò rỉ, có nhiều đoạn bị mục, anh em phải cắt ra, hàn hoặc dùng dây cao su bó lại để chạy tiếp. Ngoài ra những con hà còn bám vào ngăn cản đường ống làm mát và bầu lọc nước biển rồi dính trong đó.
- Còn bây giờ, cảm giác của các anh như thế nào khi được trở về nhà?
- Nguyễn Quang Hưng: Sướng vô cùng. Những ngày tháng ở Tanzania cũng như trên hành trình về nhà, lúc nào cũng phải nghe đài nước ngoài. Ngay khi tàu đi vào vùng biển còn cách Cà Mau khoảng 1 ngày đường là chúng tôi bắt ngay được tín hiệu của Đài truyền hình Việt Nam. Không thể diễn tả được niềm vui được đi trên đất quê hương, sắp gặp lại gia đình, bạn bè.
- Phạm Gia Thành: Mừng lắm, cám ơn Chính phủ đã can thiệp giúp đỡ cho chúng tôi về nhà, cũng cám ơn Sea Saigon đã đảm bảo đầy đủ tiền lương, công ăn việc làm cho chúng tôi trong thời gian hơn 1 năm qua kẹt tại Tanzania.
- Các anh có những dự tính nào trong thời gian sắp tới hay không?
- Nguyễn Trọng Dũng, Bùi Vĩnh Phúc Toàn: Tôi sẽ xin nghỉ phép 3 tháng trước khi trở lại tàu để tiếp tục đi biển.
- Nguyễn Quang Hưng: Cũng còn tùy thuộc vào công ty, nhưng có lẽ tôi sẽ xin nghỉ phép vài tháng để về với gia đình. Có những công việc gia đình cần bàn tay của người đàn ông nhưng đã phải gác lại hơn 1 năm nay.
- Phạm Gia Thành: Thông thường sau 1 chuyến đi biển, thủy thủ được nghỉ 2-3 tháng để cân bằng tinh thần và giải tỏa tâm lý cùng với gia đình. Tôi dự tính nếu không có gì trở ngại, sau khi nghỉ phép xong sẽ đăng ký một khóa học dành cho sỹ quan hàng hải trong vòng 6 tháng. Thời gian "neo" tại Tanzania tôi có điều kiện rèn luyện vốn tiếng Anh của mình rất nhiều. Sau khi hoàn thành khóa học, tôi sẽ đi tàu trở lại, lúc này với cương vị mới phù hợp với bằng cấp, có thể là phó tàu.
Phó tổng giám đốc Sea Saigon Phạm Hồng Sơn cho biết, trong thời gian tàu vào đốc sửa chữa, các thủy thủ có thể được nghỉ phép. Nếu thủy thủ muốn tham gia chuyến đi tiếp theo của tàu Cần Giờ thì được nghỉ phép trong vòng 10 ngày. Trường hợp chưa muốn đi biển tiếp, có thể nghỉ phép 3-4 tháng, khi trả phép công ty sẽ bố trí để tham gia thủy thủ đoàn trên một con tàu khác. |
Phan Anh - Việt Hùng
▪ Festival cà-phê Buôn Ma Thuật 2005 (26/11/2005)
▪ Làm bạn với con dễ hay khó? (26/11/2005)
▪ Mỹ đã ngụy tạo tin tức tình báo về "Sự kiện vịnh Bắc Bộ" (26/11/2005)
▪ Sửa lỗi lầm của quá khứ (27/11/2005)
▪ NGƯỜI & VIỆC (27/11/2005)
▪ Hà thành 'bia đạo' (26/11/2005)
▪ Trên 1 tấn chim cút làm sẵn hư thối (26/11/2005)
▪ Dân chơi Hà thành và những chiếc xe bạc tỷ (26/11/2005)
▪ Bạo lực đang hoành hành trong gia đình (26/11/2005)
▪ 'Đại biểu Quốc hội hãy đeo bám vấn đề đã chất vấn' (26/11/2005)