Nhiều khu chung cư khác cũng vậy. Lý do chỉ đơn giản vì ở các khu này không có hoặc chưa có chợ, siêu thị.
Ngay cả những khu chung cư cao chọc trời, tới 20 tầng cũng không thấy bóng dáng chợ. Các nhà quy hoạch dường như đã "quên" cái nhu cầu rất thiết yếu này khi bắt tay vào quy hoạch, tạo lập các khu đô thị mới.
Bà Nguyễn Thị L., phòng 509, B3B-Nam Trung Yên cho biết: Gia đình bà chuyển về đây đã được hơn hai tháng nhưng chuyện chợ búa luôn là vấn đề phức tạp. Nhà ở tầng 5, mỗi lần muốn mua thức ăn lại phải xuống tầng 1 lấy xe máy phóng ra tận chợ Trung Hoà cách đó quãng ba cây số. Bất tiện vô cùng. Ban đầu, bà thường mua thức ăn luôn về bỏ tủ lạnh cho vài ba ngày ăn. Các nhà khác cũng trong tình cảnh như vậy. Nhưng kể từ khi có hàng xóm bán, bà chỉ việc ra cửa bấm thang máy chạy vù lên tầng trên là xong. Có đắt hơn 1-2 nghìn đồng nhưng tiện mà vẫn mua được hàng tươi. Và vì tiện nên hàng xóm ai cũng ủng hộ việc bán buôn của các hộ này.
Lại nhớ, khi mới chuyển về đây, nhiều người lo ngại về chuyện hàng nghìn người dân đến tái định cư ở đây nhưng lại không hề có chợ thì một cán bộ dự án trả lời rất... vô tư: “Có cung ắt có cầu”. Điều này đương nhiên đúng bởi chỉ sau một thời gian ngắn, lời nói của anh cán bộ đã thành hiện thực khi trong khu xuất hiện các hộ buôn bán nói trên.
Nam Trung Yên chỉ là khu chung cư mới đang trong quá trình xây dựng (mới chỉ có bốn trong tổng số hàng chục lô đã được hoàn thành để đưa dân vào ở). Thế nhưng ngay cả những khu đô thị mới vẫn được xem là đồng bộ, hiện đại như Trung Hoà-Nhân Chính, M3-M4 Nguyễn Chí Thanh... cao tới 15-20 tầng cũng chẳng có chợ. Có chăng chỉ là vài gian siêu thị nhỏ với chút hàng hoá lèo tèo mà lại chủ yếu là các sản phẩm điện tử, gia dụng...
Chị Trần Thu H., nhà 17T2-khu đô thị mới Trung Hoà-Nhân Chính, cho biết, siêu thị nơi gia đình chị cư trú giỏi lắm cũng chỉ có khoảng 10% hàng tươi sống. Thực phẩm lại không đa dạng nên rất khó đổi món. Thành thử trên đường đi làm về chị toàn phải rẽ ngang rẽ dọc vào các chợ khác để mua thức ăn.
Kể ra những chuyện như trên hoàn toàn không phải nhằm mục đích đồng tình và ủng hộ việc buôn bán tự phát của các hộ sống trong các chung cư bởi thực tế cho thấy, sẽ rất khó chấp nhận được cảnh nhếch nhác như vậy khi mà bên cạnh thang máy, giữa các căn hộ hoành tráng, hiện đại là những mẹt thịt, phản rau... Đã nhiều lần, câu hỏi bao giờ có chợ, có trường được bà con các nơi này đặt ra cho Ban quản lý dự án nhưng đều chỉ nhận được những lời hẹn sẽ có nhưng với thời gian chưa được xác định cụ thể. Tức là bà con cứ chờ và các hộ buôn bán tự phát vẫn được tự do hoạt động, trở thành những công dân có ích nhất cho toàn khu chung cư. Lỗi này thuộc về các nhà làm quy hoạch và các đơn vị chủ đầu tư dự án. Dường như khi bắt đầu triển khai dự án, họ chỉ quan tâm và tập trung vào xây dựng nhà ở, vốn là các phần sinh lợi nhanh nhất và cao nhất mà “quên” đi cái nhu cầu thiết yếu đối với mỗi người dân là phải có chợ để cung cấp các nhu yếu phẩm đảm bảo cho cuộc sống hàng ngày. Ở các khu đô thị mới đang mọc đầy rẫy ở Hà Nội, trên cả chục héc-ta rộng mênh mông là nơi cư trú của hàng vạn cư dân đô thị, có nhà cao tầng, thang máy, có vườn hoa, bể bơi, sân quần vợt... Các nhà quản lý xin hãy quan tâm dành một khoảng đất để làm những chợ nhỏ bám lấy cư dân với kết cấu đơn giản từ 1-2 tầng để người dân trong khu mỗi sáng, mỗi chiều có thể “ra chợ cái vù, mua cái vèo” rồi trở về khoác lên mình bộ cánh mới, ung dung hoà vào dòng người tới cơ quan, công sở... Nếu không, tại các khu này sẽ nhanh chóng hình thành các chợ tạm, chợ cóc. Vừa nhếch nhác, mất vệ sinh lại khó giải toả sau này.
|