Chống lãng phí từ cấp cao
Các Website khác - 17/05/2006
SỰ KIỆN & BÌNH LUẬN
Chống lãng phí từ cấp cao


Tô Phán
Ngày 10.5, Bộ Chính trị đã có công văn số 03-CV/TW gửi các tỉnh uỷ, thành uỷ, các ban Đảng, ban cán sự Đảng, Đảng đoàn, Đảng uỷ trực thuộc Trung ương, các đồng chí uỷ viên BCHTƯ về việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Nội dung công văn như sau: "Để thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về thực hành tiết kiệm và chống lãng phí, Bộ Chính trị yêu cầu các tỉnh uỷ, thành uỷ, các ban Đảng, ban cán sự Đảng, Đảng đoàn, Đảng uỷ trực thuộc Trung ương, các đồng chí uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương (chính thức và dự khuyết) chỉ đạo và gương mẫu thực hiện việc tiếp tục sử dụng xe ôtô, phương tiện, nơi làm việc, nhà ở công vụ hiện đang sử dụng, không thay đổi, mua sắm mới (trừ trường hợp thật cần thiết). Các tỉnh uỷ, thành uỷ, Đảng uỷ trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cấp uỷ cấp dưới gương mẫu và nghiêm túc thực hiện chủ trương này. Giao Uỷ ban Kiểm tra Trung ương giám sát và kiểm tra việc thực hiện chủ trương trên đây của Bộ Chính trị".

Đây là văn bản chỉ đạo của Bộ Chính trị, thể hiện thái độ chống lãng phí một cách kiên quyết, không có chỗ cho đặc quyền đặc lợi mà lâu nay ở cơ sở cũng như ở cơ quan cấp cao của Đảng và Nhà nước vẫn đang tồn tại. Dường như đã trở thành tiền lệ, khi cán bộ nhận chức vụ mới thì thay xe ôtô, thay phòng làm việc và trang bị mới thiết bị..., gây tốn kém cho ngân sách. Có người biện luận rằng "y phục xứng kỳ đức" - hiểu theo nghĩa thông thường là những cái đó phục vụ cho công tác, xứng với chức vụ của mình, và coi như quyền mình phải được hưởng. Thực ra đó chỉ là nguỵ biện. Hiểu đúng thì "y phục" ở đây không đơn giản là quần áo (hình thức thuần tuý), mà là hình thức bên ngoài phản ánh bản chất (phản ánh cái đức của con người đó - là mối quan hệ biện chứng giữa nội dung và hình thức). "Xứng" ở đây là sự tương ứng, là sự hài hoà giữa nội dung và hình thức con người. Cái đức con người ở vị trí cao không phải thể hiện ở quần áo, xe cộ, phòng làm việc mà thể hiện ở sự gương mẫu trong lối sống, hiệu quả trong công việc, phong thái đàng hoàng trong hành xử với xung quanh... Như vậy thì không có nghĩa là khi anh nhận chức vụ cao hơn thì ngân sách phải chi tiền ra mua xe ôtô mới, trang bị phòng làm việc mới, nhà ở mới cho anh. Đây chính là một cách làm lãng phí rất lớn cho ngân sách nhà nước. Nếu sau mỗi Đại hội Đảng mà tất cả những cán bộ nhận nhiệm vụ mới từ trung ương đến địa phương đều được trang bị mới như vậy, thì con số tiền ngân sách bị lãng phí sẽ là khổng lồ.

Bộ Chính trị đã có văn bản thể hiện thái độ rõ ràng về việc chống lãng phí. Thông thường, đi theo lãng phí là tham nhũng. Vì vậy, chống lãng phí suy cho cùng cũng là để chống tham nhũng. Hôm qua (16.5), khi phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 9 Quốc hội khoá XI, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh cũng đã khẳng định rất rõ: Phải đẩy mạnh đồng bộ cuộc đấu tranh phòng và chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi và bài trừ các tệ nạn này. Theo Tổng Bí thư, cuộc đấu tranh này không chỉ đòi hỏi mọi tổ chức, mọi cán bộ, đảng viên phải có ý chí mạnh mẽ, quyết liệt, mà còn phải được tiến hành một cách đồng bộ, kiên trì, liên tục, thực hiện ở mọi lĩnh vực, mọi cấp, mọi ngành, mọi nơi. Chống lãng phí ngay từ các uỷ viên BCHTƯ trong việc sử dụng xe ôtô, phòng làm việc, nhà ở chính là việc làm chứng minh thái độ kiên quyết của Đảng trước nạn lãng phí, tham nhũng.

Việc cần phải làm sau Đại hội Đảng là bàn giao chức vụ cho những người được bầu vào BCHTƯ Đảng, hoặc được phân công bố trí công tác mới. Cuộc bàn giao thế hệ lãnh đạo đã và đang diễn ra phù hợp với quy luật phát triển cũng như đòi hỏi của tình hình mới. Chống lãng phí, tham nhũng từ cấp cao ngay từ việc trang bị phương tiện làm việc cũng là việc cần làm, hợp với quy luật của một xã hội văn minh.