Câu chuyện của vị tướng...
Sau nhiều lần hẹn, tôi gặp ông trong ngôi nhà ở khu tập thể quân đội. Một giáo sư ở tuổi 90 vẫn ngày ngày làm việc, viết sách. Trò chuyện lần đầu, khó nhận ra nhà khoa học này là một Trung tướng. Cuộc đời ông là câu chuyện thú vị từ cậu học sinh gốc Hà Nội, tốt nghiệp bác sĩ y khoa của Trường Y-Dược Ðông Dương năm 1943 (cùng khóa bác sĩ Vũ Văn Cẩn sau là Bộ trưởng Y tế). Cách mạng Tháng Tám thành công, từ một trợ giảng của Ðại học Y khoa Hà Nội, ông nhập ngũ tham gia kháng chiến. Chàng bác sĩ trẻ vào quân đội, từ chiến sĩ quân y, ông trở thành Viện trưởng Viện Quân y 108, nay là Bệnh viện T.Ư Quân đội 108. Trong buổi sáng thu này, Trung tướng, giáo sư Nguyễn Thế Khánh, người Viện trưởng năm xưa, kể về một sự kiện, như ông tâm sự, suốt cuộc đời ghi lòng, tạc dạ.
... Ðầu năm 1969, tôi được báo lên gặp đồng chí Nguyễn Lương Bằng. Sau khi hỏi thăm tình hình công tác, đồng chí giao nhiệm vụ cho tôi cùng bác sĩ Nhữ Thế Bảo, lúc đó là Cục trưởng Bảo vệ sức khỏe của Bộ Y tế, chăm sóc sức khỏe của Bác. Thời gian đó, sức khỏe của Bác đã xuống. Hằng tuần, chúng tôi đều khám và hội chẩn. Bác luôn bận nhiều công việc nên việc chăm sóc sức khỏe, hội chẩn cho Bác chỉ có thể tiến hành cuối buổi chiều. Vào tháng tám, Bác bị cảm, sức khỏe Bác thêm xấu đi. Nhiều đồng chí lãnh đạo của Ðảng và Nhà nước, cùng các y sĩ, bác sĩ Quân y Viện 108 được giao nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe Người, theo dõi tình hình sức khỏe của Bác hằng ngày.
Ðến cuối tháng tám, qua theo dõi, hội chẩn, Quân y Viện 108 chúng tôi gấp rút tăng cường đội ngũ và trang thiết bị. Cùng các y, bác sĩ của Việt Nam, lúc đó còn có các thầy thuốc người nước ngoài. Những ngày đó, trong tình trạng cơ thể suy yếu Bác vẫn bình tĩnh lạ thường. Mỗi lần thấy Viện trưởng Quân y 108, Bác thường vẫy lại gần hỏi thăm tình hình thương, bệnh binh đang điều trị.
Là người được giao nhiệm vụ đứng đầu cơ quan và bảo vệ và chăm sóc sức khỏe của các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Ðảng, Nhà nước, gần 30 năm liên tục, Trung tướng, giáo sư lục tìm lại cuốn sổ ghi chép rồi kể tiếp: Từ đêm 1-9, tôi yêu cầu tổ y tế chăm sóc sức khỏe Bác ngủ luôn tại nhà Bác để theo dõi. Ngày 2-9, trái với thường lệ, là một ngày mưa rất lớn từ sáng sớm...
... Chuyện của những cựu chiến sĩ quân y
Theo giới thiệu của người Viện trưởng năm xưa và Thượng tá, bác sĩ Nguyễn Văn Hùng, Phó Chủ nhiệm Chính trị, đương nhiệm của Viện, chúng tôi tìm gặp được các y tá Nguyễn Thị Thanh, Trần Thị Quý, Nguyễn Thị Láng, Ngô Thị Oanh những chiến sĩ quân y từng chăm sóc, cấp cứu Bác vào những giờ phút trước lúc Người lâm chung. Năm đó họ đều ở tuổi hai mươi, là y tá Viện Quân y 108. Các chị kể: Vào một ngày cuối tháng 8-1969, Chính ủy Viện, Lê Ðình Lý, gọi bác sĩ Chủ nhiệm khoa Nguyễn Xuân Bích, các y tá Ngô Thị Oanh, Trần Thị Quý, chuẩn bị đi làm nhiệm vụ đặc biệt. Khoảng hơn 18 giờ, cả đoàn lên một chiếc xe. Vào đến Phủ Chủ tịch, mọi người mới biết được vào chăm sóc sức khỏe Bác. Sáng hôm sau, đồng chí Vũ Kỳ đưa đoàn vào gặp Bác. Bác mệt, nằm trên giường, đồng chí Vũ Kỳ vẫy chúng tôi đến bên giường, giới thiệu với Bác: Ðây là hai y tá của Viện Quân đội 108 vào chăm sóc sức khỏe Bác. Bác xua tay nói: Chú đừng làm phiền đến các cháu, để các cháu còn phục vụ thương, bệnh binh. Sức khỏe Bác chưa đến nỗi... Dẫu vậy, theo yêu cầu của cấp trên chúng tôi vẫn ở lại chăm sóc Bác. Hai ngày sau, Viện bổ sung thêm y tá Nguyễn Thị Thanh và Nguyễn Thị Láng. Lúc đó, dù ốm mệt Bác vẫn ân cần hỏi quê quán, hoàn cảnh gia đình từng người. Biết chị Thanh có bố đang ở chiến trường Bác hỏi thăm nhiều hơn và động viên, an ủi.
Còn nhớ có ngày, khi cái nắng oi bức của những ngày hè còn rớt lại, khiến không khí trong nhà ngột ngạt. Trong phòng Bác có chiếc quạt điện treo tường, Bác không thích dùng. Hiểu ý, chị Quý dùng chiếc quạt giấy quạt cho Bác. Người quay ra ân cần bảo, cháu đang còn trẻ đang sức ăn sức ngủ, việc này mặc Bác. Nói rồi, Bác dùng chiếc quạt mo cau tự quạt cho mình.
Bác yếu, nằm trên giường, chỉ ăn được rất ít xúp khoai và rau. Hằng ngày, các y tá chăm sóc Người cùng anh Cần công vụ chuẩn bị để Bác ăn thành nhiều bữa.
Những ngày Bác nằm trên giường bệnh, nhiều đồng chí lãnh đạo Ðảng, Nhà nước cùng gia đình các đồng chí vào thăm Bác. Dù yếu mệt, Bác vẫn nói chuyện. Ngày nào Bác cũng nghe báo cáo về tình hình trong nước, quốc tế. Bác hỏi nhiều về tình hình miền nam. Tôi nhớ, chị Oanh kể, sáng 2-9, Ðại tướng Võ Nguyên Giáp vào thăm Bác, Bác còn hỏi: Sáng nay các chú tổ chức mít-tinh thế nào?
Sâu nặng khúc dân ca...
Những ngày cuối cùng bên giường bệnh của Người là câu chuyện mà mỗi lần nghe là mỗi lần cảm xúc dâng trào. Thời khắc cảm động ấy là nguồn cảm hứng để nhạc sĩ Trần Hoàn viết nên những ca từ và giai điệu da diết trong ca khúc "Lời Bác dặn trước lúc đi xa". Trong ca khúc đó, có nhân vật em gái nhỏ đã hát khúc dân ca trong một hoàn cảnh thật đặc biệt. Cô y tá nhỏ hát cho Người buổi ấy tên là Ngô Thị Oanh - Thiếu tá quân y của Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 nay đã về hưu.
Tháng tám này, trong ngôi nhà, gần Bệnh viện T.Ư Quân đội 108, chị Ngô Thị Oanh bồi hồi kể: Sáng hôm ấy, một buổi sáng tĩnh lặng, đồng chí Vũ Kỳ nói với chúng tôi: Bác rất muốn nghe các cháu hát vài làn điệu dân ca. Tôi và Quý nhìn nhau, Quý nhường tôi hát. May sao tôi từng tham gia phong trào văn nghệ quần chúng của Viện. Bài đầu tiên tôi hát là bài "Quân y làm theo lời Bác" của nhạc sĩ Ðỗ Niệm. Ngừng một lát, tôi hát tiếp khúc dân ca quan họ "Người ơi, người ở đừng về". Trong tâm trạng bùi ngùi, lo lắng trước sức khỏe của Người, tôi chẳng thể hát trọn khúc dân ca!
Tôi hát xong, Bác vỗ tay. Lúc ấy, trên đầu giường của Bác có lọ hoa cắm bảy bông hồng trắng. Bác rút một bông tặng tôi (bông hồng này được ép khô, cùng một số kỷ vật khác của chị em y tá trong những ngày cuối cùng bên Bác, sau này được đưa về Phòng truyền thống của Viện. Khi Viện bị trúng bom B 52, những hiện vật đó cùng nhiều hiện vật khác bị vùi lấp trong đống đổ nát).
Vị Viện trưởng ngày ấy đã là Trung tướng - giáo sư, tên tuổi ông, những công trình của ông được giới y học khâm phục. Những y tá chăm sóc Bác trước lúc Người đi xa đều trọn đời gắn bó với Viện Quân y 108, cả cuộc đời họ luôn xứng đáng là những tấm gương y đức, hết lòng vì người bệnh. Nay các chị đều đã về hưu. Kíp cán bộ, chiến sĩ quân y của Quân y Viện 108 chăm sóc Bác ngày nào, cùng chung phẩm chất nhân hậu, tận tụy. Giờ đây, với họ mỗi lần những thanh âm tha thiết "Chuyện kể rằng..." vang lên, thời gian, không gian như trở lại 36 năm về trước...
|