Đói, tiền hết! Đó là lúc một số SV rút máu để bán. Có khi một tháng phải đi bán máu từ 2 đến 3 lần, trong khi khoảng cách quy định giữa 2 lần lấy máu liên tiếp tối thiểu là 3 tháng. |
10h trưa 12/12, tại Văn phòng khoa Huyết học - truyền máu BV Việt Đức, người đến bán máu ngồi chật kín. Chỉ có một số ít là người nhà bệnh nhân đến cho máu. Còn lại, đa số đều là những thanh niên mặt mũi trẻ măng, vai còn đeo cặp sách.
Sau khi lấy phiếu hiến máu, bác sĩ gọi đến ai, người đó lên lấy máu để xét nghiệm. “Sao phiếu này màu xanh, phiếu kia lại màu đỏ?” – “Phiếu đỏ là người nhà bệnh nhân đấy, cho không máu mà. Còn bọn mình, “hiến” xong, có tiền “bồi dưỡng”, nên lấy giấy xanh để phân biệt”, cậu SV năm 2 ĐH Phương Đông nói. Nhìn liếc qua, thấy trên giấy ghi tên tuổi, địa chỉ nhà trọ để BV báo kết quả xét nghiệm. “Sao không ghi tên lớp, tên trường cho dễ tìm?” – “Mình cần gì kết quả xét nghiệm nữa. Mình biết hết các thông số khi đi bán máu lần trước rồi. Viết thế cho trệch địa chỉ đi, viết chính xác thì họ gửi về trường, về tận lớp; bạn bè lại thắc mắc sao đi hiến máu ở BV nhiều thế, thì phức tạp lắm”, cậu giải thích. Giá bán máu mức tối thiểu là 150.000 đồng/250cc; 210.000 đồng/ 350cc. Mức tối đa 400cc có giá 240.000 đồng. Các mức giá này đều bị trừ đi 10.000 đồng tiền ăn bồi dưỡng tại chỗ. Ngoài hành lang, chị phục vụ đồ ăn tại chỗ tỏ ra thông thạo sau 10 năm làm việc tại đây: “Cuối tuần, sinh viên được nghỉ nhiều, mùa này là mùa thi nữa nên đông hơn hẳn ngày thường”. Đến trung tâm truyền máu khu vực I (Viện Huyết học - truyền máu Trung ương), cảnh tượng các bạn SV đi bán máu diễn ra tương tự. Thắng, SV trường Trung cấp Thương mại Du lịch đang chờ đến lượt lấy máu xét nghiệm, kể: “Mình bán máu thành … thói quen rồi. Lâu lâu không rút máu ra là thấy trong người có cảm giác lạ”. “Thế cậu hiến máu có bồi dưỡng hay nhân đạo?” – “Làm gì có ai đã đến đây rồi mà còn hiến nhân đạo? Nếu muốn làm nghĩa cử cao đẹp đó thì hiến luôn ở trường, trường nào cũng có phong trào này mà!”, Thắng trả lời.
Viện huyết học truyền máu Trung ương (cơ sở cũ) có ghi rõ 2 chế độ: có nhận tiền bồi dưỡng (ghi giấy đăng kí hiến máu màu xanh) và không nhận tiền bồi dưỡng (hiến nhân đạo, ghi giấy màu đỏ). Ngồi một lúc khoảng 30 phút, thấy chị y tá chạy qua chạy lại, trên tay toàn giấy màu xanh, Thắng bảo: “SV, thanh niên hầu như là nhận chế độ bồi dưỡng cả”. Một tháng, bí quá, Thắng bán máu 2 lần, ở 2 nơi khác nhau nên không bị phát hiện. Ngoài Trung tâm huyết học và Truyền máu khu vực I, nơi Thắng hay lui tới mỗi khi bị “viêm màng túi” là BV Việt Đức, BV Nhi Trung ương. “Ở đó, thủ tục nhanh hơn và các bác sĩ cũng “dễ” hơn”, Thắng kể. Kể từ ngày đầu được bạn mách đi bán máu cách đây 3 năm, Thắng đã đi bán nhiều nơi và đã chứng kiến nhiều cảnh bán máu “cười ra nước mắt”. Ai đi bán máu cũng biết quy định đối với nam là chỉ được rút máu khi đạt cân nặng tối thiểu 50kg, còn với nữ thì phải đạt 42kg trở lên. Nhưng có cậu gầy quá, trước khi đi phải mặc nhiều áo, ăn thật no, uống nhiều nước rồi đến đây nhảy lên bàn cân cho "chắc ăn". Lại có trường hợp thiếu 500.000 đồng đóng học phí, mà ngay ngày hôm sau là hết hạn. Hiến 1 chỗ thì không thể đủ tiền, hiến 2 chỗ thì chịu không nổi (vì phải bán đến 800cc máu mới được 460 ngàn). Cuối cùng, mới nghĩ ra cách “nhờ” bạn đi bán hộ 1 lần, coi như cứu nguy trong lúc khốn khó nhất! Tại những nơi mua máu, có thể gặp những SV đến bán máu rất “chuyên nghiệp”. BV Nhi Trung ương sáng 12/12, khi trong phòng lấy máu đã đủ người, bên ngoài, những người bán máu đến tự giác xếp hàng theo thứ tự.
Khi vào gặp bác sĩ, SV tuần tự thực hiện các thủ tục: khai thông tin cá nhân, lấy máu xét nghiệm rồi ngồi đợi bên ngoài, vào rút máu, ra nhận tiền bồi dưỡng, bánh mì ăn tại chỗ. Các bác sĩ lấy máu cũng theo một phản xạ: Không giải thích, trình bày nhiều. Tại Trung tâm truyền máu khu vực I của Viện huyết học có vài bạn SV bước vào cửa là đi thẳng đến bàn đăng kí hiến máu, chủ động nói với y tá: “Cho em giấy màu xanh”. Có những SV đến bán máu là “khách quen” nên khi nhìn thấy, các ý tá nhoẻn miệng cười rồi với tay lấy tờ giấy màu xanh. Chuyện bán máu không còn là “của độc” của các bạn nam SV, khi mà trong phòng bán máu của các bệnh viện lác đác những gương mặt nữ sinh, đi bán máu cũng vì lí do: “Hết tiền, để máu trong cơ thể lâu không thay không tốt”. “Cò” bán máu... Đối với SV, “cò” chỉ làm ăn được khi gặp những SV đi bán máu lần đầu. “Em ơi, ở BV này giá máu rẻ hơn chỗ khác, em nên đến chỗ X,Y,Z... mà bán”. Nếu SV tin, đồng ý, thì “cò” sẽ gọi xe ôm dẫn đường đi, nói là đưa đến tận nơi, gặp đúng người. Số tiền chỉ đường được chia làm đôi, “cò” một nửa, xe ôm một nửa. Một thứ có thể coi là “của độc” ở nơi bán máu BV Nhi Trung ương: Xuất hiện “cò” cho vay tiền nặng lãi khi đến bán máu. Những người này chỉ nhắm đến đối tượng SV, thanh niên, vì một khi phải đến viện bán máu tức là đã quá cần tiền. Nhân cơ hội, các “cò” này sẽ mồi chài để SV đồng ý vay nặng lãi. Thủ tục rất đơn giản: Đưa chứng minh thư (CMT), thẻ SV, số điện thoại, rồi SV sẽ được “cò” đưa tiền cho. Lãi suất là 20%/ngày/100 ngàn. Người phụ nữ to béo ngồi cả buổi sáng ở phòng bán máu cười hề hề: “Bọn này kiểu gì nó cũng sẽ quay lại, vì còn CMT ở đây. Mà thế nào rồi chúng nó cũng bán máu tiếp. Nếu không có CMT, đố chúng nó làm được thủ tục bán máu!”. Thảo nào, ngay sau khi rời phòng lấy máu, nhận tiền và đồ ăn, cậu SV liền đi ngay ra chỗ người phụ nữ này, ngoan ngoãn “xì” ra 40 ngàn đồng, đưa lại CMT cho bà rồi đi thẳng. “Sao nó không giữ lại CMT?” – “Nó đã trả mình tiền gốc đâu mà được cầm CMT? Lần sau đến bán máu, nó phải lấy lại cái CMT này, bán xong ra trả tiền lãi, rồi đưa lại CMT cho tôi. Khi nào trả được gốc thì thôi”, bà nói.
|
▪ Cà phê “rock bụi” sinh viên (13/12/2008)
▪ Hành trình của các hài nhi xấu số (12/12/2008)
▪ Tổng công ty Vinaconex: Những "bí mật" lộ sáng (12/12/2008)
▪ “Đau mắt” vì kiểu phô cảnh “nóng” của teen (12/12/2008)
▪ Giá vé xe đò chưa giảm tương ứng theo giá dầu (12/12/2008)
▪ Lớp cai nghiện game online hút khách (12/12/2008)
▪ Lớp cai nghiện game online hút khách (12/12/2008)
▪ Tang thương bao trùm đất mỏ sau nổ khí mê tan (12/12/2008)
▪ Cận cảnh cái đói Nam Trà My... (11/12/2008)
▪ Chuyện nàng Bạch Tuyết và 57 chú lùn (11/12/2008)