Đừng dồn tăng giá vào điện sinh hoạt
Các Website khác - 17/02/2009

Giá điện tăng nhưng mức tăng bao nhiêu, tác động đến từng bộ phận người dân, doanh nghiệp như thế nào vẫn còn phải đợi biểu giá điện chi tiết của Tập đoàn điện lực VN (EVN).

Những hộ nghèo, dùng dưới 50 kWh/tháng sẽ được bù giá điện, rẻ hơn 35-40% giá điện bình quân năm 2009. Trong ảnh: cả gia đình anh Đặng Thanh Tâm (ấp Tân Bình, thị trấn Tân Trụ, Long An) chỉ thắp một bóng đèn (ảnh chụp tối 16-2) - Ảnh: Duy Bằng

Các chuyên gia cho rằng việc xây dựng biểu giá điện phải bám sát quyết định của Thủ tướng, không nên dồn tăng giá vào điện sinh hoạt.

Giá điện “mới” ở chỗ nào?

Phải “bám” quyết định của Thủ tướng

TS Trần Đình Thiên phân tích: dù có mức khống chế là 8,92% nhưng việc cụ thể hóa, cân đối xem tăng giá điện ở tiêu dùng nhiều hay ở sản xuất nhiều  thuộc quyền của EVN và Bộ Công thương. Ông Thiên đề nghị biểu giá mới phải sát chỉ đạo của Chính phủ nhưng cũng phải phù hợp với tình hình kinh tế khó khăn và cuộc sống người dân hiện tại. Theo ông Thiên, không nên dồn tăng giá về phía điện sinh hoạt để tránh biến động tâm lý tiêu cực.

Theo ông Trần Viết Ngãi - chủ tịch Hiệp hội Năng lượng VN, quyết định 21 của Thủ tướng về giá điện có thể hiểu một cách đơn giản là bãi bỏ cách tính giá điện theo bậc thang 100kWh đầu, thay vào đó sau khi dùng hết 50kWh bắt đầu bước sang một nấc giá mới. Đó là điểm mấu chốt đầu tiên. Điểm thứ hai, theo ông Ngãi, mức giá và mức hỗ trợ cũng rất rõ ràng.

Với bậc thang đầu tiên cho điện sinh hoạt, nếu người tiêu dùng chỉ dùng hết từ 1-50 kWh/tháng thì sẽ được bù và giá điện ở bậc thang này sẽ rẻ hơn 35-40% giá bán điện bình quân năm 2009. Nếu tiêu dùng trong khoảng 51-100 kWh, theo quyết định của Thủ tướng, giá được tính bằng giá thành bình quân không có lợi nhuận. Nghĩa là mức giá này EVN sẽ quy định dựa trên chi phí sản xuất ra, đưa đến tay người tiêu dùng.

Theo ông Trần Viết Ngãi, năm 2008 giá bán bình quân là 860đ/kWh, EVN phải lấy giá điện sản xuất bù lỗ giá điện sinh hoạt. Vì vậy, mức bán không có lợi nhuận theo quy định của Chính phủ có thể vẫn phải tăng 8-9% so với năm 2008, khoảng 960đ/kWh.

Ông Vũ Đình Ánh, viện phó Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, cho rằng mức tăng giá điện chung là 8,92% nhưng với chủ trương giảm bù chéo, rất có thể giá điện sinh hoạt sẽ tăng cao hơn 8,92% và giá điện sản xuất tăng thấp hơn. Ông Trần Viết Ngãi khẳng định thực chất với việc hạ nấc thang đầu tiên từ 100kWh xuống 50kWh, mức hỗ trợ người tiêu dùng đã giảm. Nếu như trước đây dùng trên 100kWh mới phải chịu giá cao thì nay trên 50kWh đã phải chịu. Mức giá từ 101kWh trở lên năm 2009 so với 2008 vì vậy sẽ tăng trên 10%.

EVN sẽ lãi nhiều hơn?

Giám đốc Công ty TNHH cơ khí Đông Tây Nguyễn Xuân Thêm cho rằng điều doanh nghiệp đang rất cần hiện nay là Bộ Công thương hoặc EVN sớm cụ thể hóa xem giá điện bán cho sản xuất là bao nhiêu, điện sinh hoạt bao nhiêu, theo nấc thang như thế nào, giờ cao điểm tính ra sao, thấp điểm ra sao… Theo ông Thêm, để ngày 1-3 áp dụng mức giá mới thì ngay từ bây giờ EVN cần phải khẩn trương hoàn thiện biểu giá chi tiết vì người dân cần sự rõ ràng, doanh nghiệp cần chuẩn bị phương án sản xuất, tài chính. Mặt khác, có biểu giá cụ thể cũng giúp EVN chủ động trong việc điều hành giá.

Năm trước, theo số liệu công bố, EVN lãi hơn 3.000 tỉ đồng. Có thể khẳng định lợi nhuận 2009 của EVN sẽ cao hơn năm 2008 - ông Trần Viết Ngãi nói. Lý do: năm 2009, EVN có thể đưa thêm được chín dự án phát điện, với tổng khối lượng điện thành phẩm tăng thêm gần 3.000MW lên lưới quốc gia, chủ yếu là thủy điện. Theo ông Ngãi, giá thành thủy điện hiện thấp hơn, nhiều nơi chỉ bằng một nửa giá nhiệt điện. Cụ thể, giá thành thủy điện các nhà máy mới chỉ khoảng 3,5 cent/kWh, tức hơn 500đ/kWh. Giá dầu năm 2009 đã giảm nhiều, nếu huy động được nhiều thủy điện nữa thì chắc chắn giá thành, chi phí của EVN sẽ thấp hơn năm 2008 nhiều, trong khi giá bán lại cao hơn.

Phải thêm hỗ trợ người nghèo

Theo các chuyên gia, khi có thêm tiền từ tăng giá điện cần phải quan tâm hơn đến việc hỗ trợ người nghèo bên cạnh kế hoạch tái đầu tư cho nguồn điện. Từng là phó tổng giám đốc EVN, ông Trần Viết Ngãi khẳng định EVN có nhiều quỹ nên hoàn toàn có thể hỗ trợ người nghèo, thậm chí giảm tối đa cho những người thuộc diện quá khó khăn.

Bên cạnh đó, theo ông Trần Đình Thiên - quyền viện trưởng Viện Kinh tế VN, EVN nên đẩy mạnh việc xóa côngtơ tổng ở nông thôn vì qua cai đầu dài, giá điện nông thôn vừa cao, chất lượng lại thấp. Quy định của Thủ tướng nói nơi chưa thực hiện được bán điện trực tiếp đến người dân thì sẽ thu không quá 700đ/kWh nhưng “nếu để cai đầu dài, giá điện khó lòng giữ được ở mức 700đ/kWh. Ngay hiện tại, khi giá điện chưa tăng, điện ở nông thôn nhiều nơi đã gần 2.000đ/kWh rồi. Người dân không đáng phải chịu khó khăn đơn thuần do bộ máy đó” - ông Thiên nói.

Ông Trần Viết Ngãi đề nghị EVN cần chú trọng đầu tư cải tạo, hiện đại hóa đường dây và trạm để giảm tổn thất điện năng. Theo ông Ngãi, điều này rất quan trọng vì chỉ cần tiết kiệm được 1% tổn thất điện năng, số tiền dôi ra có thể lên tới hàng trăm tỉ đồng.

Mỗi hộ trả thêm bao nhiêu?

Với một hộ gia đình đang dùng dưới 50kWh/tháng, theo mức tăng giá mới, họ sẽ phải chịu mức tăng chung là 8,92% nhưng lại được hỗ trợ 35-40%. Như vậy, giá điện của những hộ này có thể giảm hơn năm 2008.

Với hộ dùng khoảng 90kWh (dưới nấc thang 100kWh), họ sẽ trả theo giá mà EVN không lãi. Tùy tính toán của EVN nhưng cứ tính cao nhất là 960đ/kWh, số tiền họ phải nộp một tháng là trên 86.000đ.

Tương tự, chi phí tiền điện của hộ gia đình dùng từ 100-150 kWh phải trả sẽ phụ thuộc vào EVN tăng giá ở mức này lên bao nhiêu phần trăm. Nếu mức tăng khoảng 10%, mỗi tháng hộ gia đình sẽ phải chi thêm 20.000-30.000đ.

Theo Tuoi Tre Online