(VietNamNet) - Hà Nội đang loanh quanh với bài toán xử lý nước thải, với những nhà máy xử lý nước được xây để cho ra... nước còn thối, đổ nước đã lọc ra sông bẩn hoặc để ''đắp chiếu'' chờ... nước thải. Kết cục là sạch chỉ 5% lượng nước bẩn được lọc sạch.
Chỉ 5% lượng nước thải được xử lý...
Qua khảo sát của Công ty Thoát nước Hà Nội, trung bình hệ thống thoát nước của thành phố lưu thông khoảng 450.000m3 nước thải/ngày, trong đó chủ yếu là nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp. Tuy nhiên, chỉ có 5% lượng nước thải được xử lý, còn lại xả trực tiếp vào hệ thống thoát nước của thành phố.
![]() |
Nước thải được đổ thẳng ra sông gây ô nhiễm nghiêm trọng. Ảnh: TV |
Công ty thoát nước Hà Nội cho biết, qua số liệu quan trắc, các loại nước thải chưa qua xử lý có hàm lượng các chất bẩn cao, các chất hữu cơ, kim loại nặng tích tụ gây ô nhiễm nặng. Cụ thể như hàm lượng amoni tại các sông cao gấp 12-59 lần tiêu chuẩn cho phép, hàm lượng BOD5 dao động từ 35-220mgl và hàm lượng COD thường xuyên từ 52-306mg/l, cao gấp 1,5-1,9 lần tiêu chuẩn cho phép. Đặc biệt, vào mùa khô, nước tại các con mương, sông thoát nước thường có màu nâu hoặc đen, nghèo oxygen gây hôi thối.
Trao đổi với VieNamNet, ông Nguyễn Xuân Huynh - Phó Giám đốc Công ty môi trường đô thị Hà Nội cho rằng, hiện này Hà Nội vẫn tồn tại tình trạng nước thải từ các bệnh viện (nước thải từ bông, băng, bệnh phẩm) xả trực tiếp ra cống thoát nước của thành phố. Đây thực sự là nguồn gây bệnh khổng lồ.
Xây nhà máy xử lý nước thải để... "phủ bụi"!
Sở GTCC Hà Nội cho biết, hiện thành phố đã triển khai xây dựng 1 nhà máy và 2 trạm xử lý nước thải tập trung là trạm Trúc Bạch công suất 2.300m3/ngày đêm với 9.500 người dân được hưởng lợi, Kim Liên công suất 3.700m3/ngày đêm với 15.700 người dân được hưởng lợi và nhà máy xử lý nước thải Bắc Thăng Long - Vân Trì công suất 42.000m3/ngày đêm. Ngoài ra, còn có 25 cơ sở dịch vụ lớn, 40 cơ sở công nghiệp và 10 bệnh viện lớn như Bạch Mai, Viện Quân y 108, Bệnh viện Nhi TW... là có hệ thống xử lý nước thải cục bộ.
![]() |
Chỉ 5% lượng nước thải tại Hà Nội được xử lý. Ảnh: TV |
Mục tiêu của dự án là như vậy nhưng thực tế hoàn toàn trái lại. Cụ thể, nhà máy xử lý nước thải Bắc Thăng Long - Vân Trì được thành phố đầu tư xây dựng với tổng kinh phí lên tới gần 300 tỷ đồng (công suất xử lý 42.000m3/ngày đêm) và hoàn thành từ tháng 5/2005 nhưng đến nay đang phải ''đắp chiếu'' vì chưa có nước thải đưa vào để xử lý. Nguyên nhân của tình trạng này là khu đô thị Bắc Thăng Long- Vân Trì chưa xây dựng.
Tiếp đến, nhiều chuyên gia về môi trường cho rằng, trong số 1 nhà máy và 2 trạm xử lý nước thải mới được đưa vào sử dụng chỉ duy nhất có 1 trạm xử lý nước thải Trúc Bạch là phát huy được hiệu quả. Bởi lẽ, trạm này với công suất 2.300m3/ngày đêm, lọc nước trực tiếp cho hồ Trúc Bạch.
Còn trạm Kim Liên với công suất lớn hơn (3.700m3/ngày đêm) xử lý nước thải cho toàn bộ các hộ dân ở khu Kim Liên với kinh phí đầu tư là 5,2 triệu USD nhưng vẫn gây hôi thối cho các hộ dân xung quanh khi vận hành. Và một điều qua trọng, để các trạm này hoạt động, mỗi năm nhà nước phải chi phí trên dưới 1 tỷ đồng.
Theo khẳng định của các chuyên gia môi trường Nhật Bản, nước thải của cả 2 trạm sau khi được xử lý có thể uống được. Tuy nhiên, điều đáng nói, việc lọc sạch nước rồi lại đổ xuống dòng sông Lừ đang quá ô nhiễm thì cũng chưa giải quyết tận gốc tình trạng ô nhiễm.
Với những bất cập trên, mục tiêu của Hà Nội đến năm 2010 lượng nước thải sinh hoạt được xử lý trước khi đổ ra hệ thống thoát nước đạt từ 20 - 25%, nước thải bệnh viện, công nghiệp độc hại là 50 - 60% sẽ rất khó thực hiện!
Thụy Du
▪ Mái dầm và tấm huy chương... (13/09/2005)
▪ MDG phù hợp với mục tiêu phát triển của Việt Nam (12/09/2005)
▪ An toàn vệ sinh cho thức ăn đường phố (13/09/2005)
▪ Thêm nhiều tour mới (13/09/2005)
▪ Một thành tựu đáng tự hào của nước ta về phát triển con người (13/09/2005)
▪ Quyết vượt lên số phận (13/09/2005)
▪ Năm 2010, Hà Nội mới chấm dứt tình trạng lấn chiếm sông Hồng (13/09/2005)
▪ Người bạn của các em nhỏ thiệt thòi (13/09/2005)
▪ "Hối lộ" ở giảng đường (13/09/2005)
▪ Thân phận những đứa trẻ Việt nhập cư lậu vào Anh (13/09/2005)