Luật mà chưa phải luật
Các Website khác - 16/11/2005
QH thảo luận về dự án Luật Công nghệ thông tin và luật hàng không:
Luật mà chưa phải luật

Qui định về việc ngăn ngừa trẻ em
chưa thành niên truy cập thông tin
độc hại trên mạng trong dự án Luật
CNTT còn chưa khả thi.

Ngày 15.11, ĐB Quốc hội thảo luận về dự án Luật Công nghệ Thông tin và Luật Hàng không dân dụng VN. Riêng dự án Luật Công nghệ Thông tin, qua thảo luận, các ĐB đã chỉ ra quá nhiều điểm còn bất cập, thậm chí dự luật có thể phải viết lại vì "luật mà chưa phải luật".

Nhiều "khoá" trong luật
ĐB Trần Đắc Sửu (Hải Phòng) đã tỏ ra đáng tiếc cho dự luật: "Tôi thấy là dự thảo luật nghe tưởng là rộng cửa phát triển nhưng còn quá nhiều "khoá" - có tới 25 cụm từ trong dự thảo luật là "theo quy định của pháp luật", "theo quy định của Chính phủ", "Chính phủ quy định cụ thể", "theo quy định của luật này và pháp luật liên quan". Đa số ĐB cho rằng những cụm từ này quá nhiều nên làm mất tính khả thi của luật, cản trở đưa luật vào cuộc sống.

Thậm chí, Điều 85 - điều cuối cùng - điều chốt của dự thảo luật còn nêu tiếp "Chính phủ quy định và hướng dẫn chi tiết luật này". Thêm vào đó cụm từ "cơ quan nhà nước có thẩm quyền", cần phải nói đích danh là ai? Ơ bộ nào hay nhiều cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

ĐB Trần Đắc Sửu bức xúc cho rằng, trong dự thảo luật có 19 lần dùng cụm từ "cơ quan nhà nước có thẩm quyền", ông đề nghị muốn đưa Luật Công nghệ Thông tin vào cuộc sống, thực hiện đúng tinh thần Chỉ thị 58 Bộ Chính trị, nên "tháo" những cụm từ này.

Bề bộn những bất khả thi
Điều 23 trong dự thảo luật có nêu "tổ chức, cá nhân có quyền thiết lập website và phải đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền". Theo ĐB Mai Anh (Khánh Hoà), nội dung này là không khả thi, vì có nhiều tổ chức quốc tế cho phép lập website miễn phí và được lưu trữ trên hệ thống máy chủ của họ. Trong khi đó, Điều 10 - các hành vi bị nghiêm cấm lại nêu chưa đầy đủ, cần được bổ sung thêm các hành vi bị nghiêm cấm như phát tán virus trên mạng, thư rác, v.v...

Về khoản 1, Điều 23 (quy định về việc thiết lập website: Tổ chức, cá nhân có quyền thiết lập website và phải đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền), ĐB Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) cho rằng, rất khó có tính khả thi, vì nhiều trường hợp việc thiết lập website có thể đặt trên máy chủ tại nước ngoài thì không thể xin phép cơ quan nhà nước có thẩm quyền được.

Tiếp theo ý kiến của ĐB Minh, nhiều ĐB khác cũng chỉ ra rất nhiều những bất khả thi trong dự luật. Ví dụ như Điều 24, nói về đối tượng ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước. Nội dung này hầu như chỉ phản ánh khái niệm về ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước, chứ chưa phải đối tượng, cần sửa lại điều này.

Điều 32 nói về đối tượng công nghệ thông tin trong thương mại, cũng nên xem xét lại vì đây chỉ là khái niệm ứng dụng công nghệ thông tin trong thương mại, chứ không phải là đối tượng. Khoản 2, Điều 78 nói về bảo vệ trẻ em chưa thành niên: "Cơ quan có thẩm quyền tiến hành các biện pháp sau để ngăn ngừa trẻ em chưa thành niên truy cập đến thông tin độc hại trên môi trường mạng". Quy định như vậy là chưa khả thi, vì điểm (a) của điều này quy định: "Tổ chức xây dựng và phổ biến sử dụng phần mềm, phần mềm lọc nội dung" và điểm b là: "Tổ chức xây dựng và phổ biến công cụ ngăn chặn trẻ em chưa thành niên truy cập tới thông tin độc hại", quy định như thế là chưa khả thi.

Luật mà chưa phải luật
ĐB Dương Kim Anh (Trà Vinh) đồng quan điểm với nhiều ĐB khác khi phân tích: "Đọc các điều khoản trong chương IV của dự án luật, tôi thấy nhiều chỗ còn quy định chung chung, có những cụm từ thể hiện tính định hướng hơn là thể hiện tính chất luật - là luật nhưng lại chưa phải là luật. Chẳng hạn như cụm từ "ưu tiên", "tạo điều kiện"; "bảo đảm" v.v... Những cụm từ như vậy hợp với nội dung văn bản của chỉ thị, nghị quyết hơn là dùng trong các nội dung của luật.

"Chương này là chương quy định các biện pháp thực hiện, tôi nghĩ đã là biện pháp thì phải thể hiện tính pháp lý cao, đủ mạnh thì mới gọi là biện pháp, phải mang tính chất quy phạm thì mới là luật" - đại biểu Kim Anh nói.

Cuối buổi thảo luận, đa số ý kiến ĐB cho rằng trong dự luật tổng cộng có 85 điều, tuy nhiên có rất nhiều điều, khoản giao trách nhiệm cho Chính phủ hướng dẫn thi hành. Như vậy, khi luật này ra đời sẽ phải có bao nhiêu văn bản hướng dẫn nữa và luật phải chờ các văn bản hướng dẫn đến bao giờ mới được thi hành? Rõ ràng luật mà lại không phải là luật! Lê Đỗ

Dự án Luật Hàng không sửa đổi:
Cần phá thế độc quyền

Thảo luận về dự án này, nhiều ý kiến ĐBQH tranh luận những hoạt động của ngành hàng không nên do Nhà nước quản lý hay doanh nghiệp quản lý? Không ít ý kiến lo ngại về chất lượng an toàn, an ninh của chuyến bay trong bối cảnh trên thế giới đã xảy ra nhiều vụ tai nạn, khủng bố. Luật hiện hành có điều luật thành lập hãng hàng không tư nhân, nhưng suốt 14 năm qua không thực hiện được.

Nhiều ĐBQH đặt vấn đề ngành hàng không cần hạch toán để có lãi, sân bay, cảng, máy bay đều đầu tư bằng tiền Nhà nước, nhưng lương cán bộ ngành hàng không lại rất cao.

Nhiều ý kiến đề nghị ngành hàng không cần phải phá vỡ thế độc quyền thì mới có thái độ tinh thần và trách nhiệm trong việc kinh doanh, phục vụ hành khách. Hiện nay, hành khách phản ứng về thái độ của ngành hàng không thường xuyên chậm chuyến, huỷ chuyến... nhưng vì "độc quyền" nên hành khách không được ứng xử một cách tôn trọng. L.H