![]() |
Sửa chữa điện. Ảnh: Anh Tuấn |
Trước đề nghị khẩn thiết về việc xả nước hồ Hòa Bình để chống hạn cho miền Bắc, Tổng công ty Điện lực VN đáp ứng một cách rất dè dặt vì lo thiếu điện. Sáng 20/1, mực nước sông Hồng tại Hà Nội mới đạt 2,05 m, thấp hơn mức đề nghị 25 cm.
Giám đốc Trung tâm điều độ lưới điện quốc gia, ông Đặng Huy Cường, khẳng định: "Đề nghị xả nước chống hạn của ngành thủy lợi đang đặt ngành điện trước nguy cơ thiếu 150.000-200.000 kwh, tương đương hoặc có thể còn trầm trọng hơn mùa hè 2005". Hiện để duy trì mực nước trên sông Hồng tại Hà Nội là 2,3 m theo yêu cầu thì hồ Hòa Bình sẽ mất khoảng 7-10 m nước.
So với cùng kỳ năm 2005, mực nước hồ Hòa Bình cao hơn 7 m (sáng 19/1 là 116,53 m). Nhưng hiện nay nguồn nước sông Thao, Lô đang cạn, lưu lượng nước về thấp. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng điện của năm 2006 tiếp tục tăng ở mức cao, xấp xỉ 15,2%. Ông Cường cho biết, nếu không phải đổ ải thì ngành điện chỉ mất 2-3 m nước, khi đó sẽ không lo thiếu điện vào đầu mùa hè (tháng 5-6).
Trong khi đó, Cục Thủy lợi tiếp tục đề nghị ngành điện điều chỉnh lưu lượng xả để nâng mực nước trên sông Hồng tại Hà Nội đạt 2,3 m, đáp ứng nhu cầu gieo sạ 644.00 ha lúa. 2 ngày qua, dù đã xả, song công suất không ổn định. Mực nước sông Hồng tại Hà Nội vẫn dưới 2 m, nhiều trạm bơm không hoạt động được, hoặc chỉ cầm chừng, như trạm Phù Sa, Văn Giang, Văn Lâm, La Khê. Các cống tự chảy như Liên Mạc, Xuân Quan, các cống vùng triều ở Nam Định, Thái Bình do nguồn thiếu nên cũng không tự lấy được nước.
Trước đề nghị khẩn thiết của ngành thủy lợi, tại cuộc họp bàn giải pháp chống hạn do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức sáng 20/1, Giám đốc Trung tâm điều độ lưới điện quốc gia vẫn kiên quyết: "Tôi đề nghị phải báo cáo Chính phủ, nếu chấp nhận xả nước hồ Hòa Bình thì chắc chắn thiếu điện. Vì từ nay đến năm 2009 rất ít nguồn điện bổ sung cho miền Bắc, trong khi phụ tải tăng liên tục". Tuy nhiên, ngành điện vẫn đồng ý tăng cường xả nước vào chiều tối và đêm. Trong tháng 2, sẽ tăng mức xả vào thời điểm có 2 đợt triều cường (khoảng 8-15/2 và 23/2-1/3).
Chủ trì hội nghị, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát khẳng định, về lâu dài nông nghiệp không thể trông chờ vào nước hồ Hòa Bình. "Chúng ta phải thay đổi cơ cấu cây trồng, giảm diện tích trồng lúa, tăng diện tích cây chịu hạn. Cơ cấu mùa vụ cũng phải tính toán lại, nhằm tiết kiệm tối đa nguồn nước", ông nói. Trước mắt, ông Phát đề nghị ngành điện cân đối nhu cầu nước cho phát điện, cố gắng đảm bảo nước cho nông nghiệp.
Như Trang
Theo dòng sự kiện: |
▪ Chủ tịch Nước Trần Đức Lương thăm ngành đường sắt (20/01/2006)
▪ Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh thăm và làm việc tại EVN (20/01/2006)
▪ Khen thưởng 56 kiều bào ở Pháp (20/01/2006)
▪ Chủ tịch nước chủ trì và chỉ đạo phiên họp 13 Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp (20/01/2006)
▪ Hai loại "nóng"! (20/01/2006)
▪ TIN VĂN HOÁ (20/01/2006)
▪ Khen thưởng kiều bào tại Pháp (20/01/2006)
▪ 4 cơ sở dùng lợn bệnh để chế biến thịt quay (20/01/2006)
▪ 5.000 công nhân đình công ở Bình Dương (20/01/2006)
▪ Miền Bắc rét đậm (20/01/2006)