![]() |
Bà Nguyễn Thị Nguyệt đang dùng cây sào cố xua xác cá và túi nilon đựng rác thải ra từ nhà máy tấp vào nhà mình. Ảnh: Tuổi Trẻ |
Năm năm qua, người dân tại phường Mỹ Quý (thành phố Long Xuyên, An Giang) đã gửi 40 lá đơn kêu cứu tập thể đến nhiều nơi vì không thể chịu đựng nổi ô nhiễm do nhà máy gây ra. Thế nhưng nhà máy vẫn mặc nhiên, phớt lờ và tiếp tục gây ô nhiễm nặng hơn.
Cả xóm Lò Rèn, phường Mỹ Quý xộc lên mùi hôi tanh nồng khó chịu. Càng gần các nhà máy chế biến thủy sản mùi hôi càng nặng, càng ngột ngạt. Người dân chỉ mớ quần áo đang phơi, nói: “Mùi hôi len vào cả quần áo! Phơi xong đem xếp lại ngửi vẫn còn nghe cái mùi hăng hăng”.
Bên dãy nhà bên trái, mấy ông bà già, trẻ nhỏ ngồi chống ngược tay trước quạt máy. ông Nguyễn Ngọc Thọ miệng thều thào: “Phải mở quạt máy mới... thở nổi!”. Dưới sàn nhà ông, trong buồng, sau bếp đều ngập nước đen ngòm, bốc mùi nồng nặc.
Nhìn ra phía sau, nhiều vũng nước đen vây quanh. Nước thải trong nhà máy đổ ra đây, rồi chảy ra sông. Bà con xúm lại, bức xúc bảo: “Mấy tháng trước đường ống của nhà máy bị vỡ tràn ra nào máu, nào mỡ cá và... đầy giòi bọ. Mùi hôi dậy khắp cả xóm”. Vào những ngày mưa, nước mưa hòa chung thứ nước thải đó tràn vào nhà, dâng ngập lênh láng. “Thiệt khổ hết biết!” - nhiều người dân lắc đầu thở dài.
Ngoài sông, những váng mỡ lẫn máu cá lều bều trên mặt nước. Những váng mỡ máu này theo con sóng, theo con nước ròng tấp vào bờ và tấp vào sàn nhà dân rồi đọng lại quanh nhà, vấy lên vách, lên chân cầu thang từng lớp nhầy nhụa. Lâu ngày chúng bị sẫm màu, bốc mùi hôi tanh. Lẫn trong váng mỡ máu lều bều ấy còn có nhiều bao tải, túi ni lông trôi lềnh bềnh. Bà con bảo đấy là những bao, túi đựng xác cá và các thứ phế phẩm trong chế biến cá tra, ba sa của nhà máy. Bà cụ Nguyễn Thị Nguyệt dùng cây sào cố xua lớp xác cá sình ra xa bờ, bà than: “Nếu không xua nó cứ tấp vào càng nhiều, càng hôi thối không chịu nổi”. Bà cố đùa ra, sóng cứ đánh dạt vào...
Gần khu vực Công ty Nam Việt (Navico), cạnh bến lên cá tấp nập ghe tàu có những miệng ống to đùng tuôn thứ nước thải sẫm màu thẳng ra sông và mỡ, máu cá dập dềnh cả một quãng sông. Bà con cho biết thêm: “Thỉnh thoảng những miệng ống này còn tuôn đổ ra thứ nước đen kịn, mùi hôi bốc dậy lên tới vàm Gòi Lớn”.
Trở lại xóm lúc chập choạng tối, trời lặng gió khiến mùi hôi như quánh lại. Nhiều người bảo cả xóm hầu như ai cũng bị viêm mũi cứ... khịt khịt hoài và ai cũng xức dầu riết thành quen.
Tiếp tục phớt lờ tiếng dân than
Bắt đầu từ năm 2001 các nhà máy chế biến đông lạnh thủy sản lần lượt “định vị” tại đây, chen giữa bốn bề dân cư và lấn ra tận ngoài sông, “ăn” mất trọn một đoạn của con đường Thoại Ngọc Hầu. Ban đầu các nhà máy chưa xây dựng hệ thống xử lý chất thải nên chất thải, nước thải cứ tuôn thẳng ra sông, đổ ra khu dân cư.
Bà con kể: “Hằng ngày chúng tôi phải bơi xuồng ra giữa sông tắm giặt, lấy nước về dùng trong ăn uống, sinh hoạt”. Dần dà một số nhà máy hoàn thiện hệ thống này, tuy nhiên trong việc xử lý chất thải, nước thải một vài đơn vị thực hiện chưa được nghiêm túc. Tại kỳ họp hội đồng nhân dân tỉnh An Giang mới đây, ông Trương Hàn Sĩ - Phó giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường (TN-MT) - thừa nhận: “Khi đến kiểm tra thì thấy hệ thống xử lý chất thải hoạt động nhưng sau đó vì để giảm chi phí, vì lợi nhuận doanh nghiệp cho ngưng hoạt động”.
Riêng với Công ty Nam Việt (hoạt động từ năm 2001) do quy mô sản xuất ngày một mở rộng trong khi hệ thống xử lý không xây dựng hoàn chỉnh nên tình trạng gây ô nhiễm ngày càng trầm trọng. Người dân bức xúc: “Chúng tôi gửi hơn 40 lá đơn tập thể đến nhiều nơi, và đài truyền hình An Giang từng phản ánh mấy lần nhưng rồi đâu vẫn vào đấy, ô nhiễm vẫn cứ ô nhiễm! Mùi hôi thối không chịu nỗi, nhiều đêm không thể nào ngủ được”.
Bà con còn cho biết thêm, ngoài mùi hôi do phơi chứa phụ phẩm, nấu mỡ cá thì đôi khi trong nhà máy còn lan tỏa ra cái mùi hăng hắc khó chịu. Và đã có rất nhiều người dân trong vùng mang bệnh vì mùi hôi này.
Giữa năm 2005, Sở Tài nguyên - Môi trường An Giang kiểm tra xử phạt và lập biên bản buộc Công ty Nam Việt phải hoàn tất hệ thống xử lý chất thải nhưng tới nay công ty vẫn chưa thực hiện. Một cán bộ có trách nhiệm ở Sở Tài nguyên - Môi trường cho biết hiện công suất chế biến của đơn vị này đã lên tới hơn 400 tấn cá/ngày, hằng ngày thải ra lượng nước thải hơn 3.000 m3, trong khi khả năng chỉ xử lý được 400 m3. Vậy là chất thải, nước thải tiếp tuôn ra sông Hậu, đổ ra xóm dân cư...
(Theo Tuổi Trẻ)
▪ Mỹ thuật đầu năm, bàn về thương hiệu (04/01/2006)
▪ Tây Ninh phát triển du lịch văn hóa và lễ hội (04/01/2006)
▪ Vai trò của Quốc hội trong việc quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước (04/01/2006)
▪ Thành đạt với nghiệp xích lô (04/01/2006)
▪ Bốn câu hỏi cho dự án đường Hồ Chí Minh (04/01/2006)
▪ Hiến pháp 1946, công cụ màu nhiệm để đoàn kết toàn dân (04/01/2006)
▪ Đổi mới mạnh mẽ nội dung và phương thức (04/01/2006)
▪ Kỷ niệm 60 năm Quốc hội Việt Nam (05/01/2006)
▪ Cần lắng nghe đại diện người lao động! (04/01/2006)
▪ Có cả lỗi của thầy (05/01/2006)