Những ngôi trường cần được quan tâm
Các Website khác - 24/11/2005
Năm học mới đã khai giảng được hơn hai tháng, nhưng ở một số nơi trường lớp vẫn xập xệ, nhếch nhác, ảnh hưởng việc dạy và học.
Bạn đọc Nguyễn Quốc Ân (Hà Tây): Xã Cam Thượng (Ba Vì) thuộc vùng trung du bán sơn địa, nhân dân sống chủ yếu bằng nghề nông, đời sống kinh tế, văn hóa còn nhiều khó khăn. Ngôi trường cấp bốn THCS Cam Thượng được xây dựng từ năm 1974-1975 từ nguồn kinh phí huy động sự đóng góp của nhân dân. Trường có bảy phòng học và một phòng làm việc của giáo viên. Trường đang quản lý 400 học sinh là con em trong xã từ lớp 6 đến lớp 9. Do được xây dựng từ nhiều năm lại là nhà cấp bốn cho nên gần đây các phòng học hư hỏng nặng. Các vì kèo, dui mè mục nát do mối mọt và mưa nắng, ngói bị xô vỡ, các phòng học đều dột, phòng làm việc của giáo viên nước mưa làm ướt tài liệu, dụng cụ dạy học. Những ngày mưa to trường phải cho học sinh sơ tán. Ðể bảo đảm an toàn cho giáo viên và học sinh, chính quyền xã đã hỗ trợ bằng cách dùng cây chống cho mái trường khỏi sập. Nhiều tháng nay, UBND xã Cam Thượng đã có tờ trình gửi UBND, Sở GD và ÐT tỉnh Hà Tây xin kinh phí xây trường nhưng chưa được hồi âm.

Bạn đọc Ðinh Quang Huy (Quảng Ninh): Chúng tôi là những bậc phụ huynh có con em đang học tại Trường tiểu học Trần Phú, phường Vàng Danh (Uông Bí, Quảng Ninh) băn khoăn khi vừa được nghe dư luận là năm học 2004-2005 vừa qua, mặc dù trường có nhiều cố gắng vẫn không được cấp trên xét khen thưởng xứng đáng công lao của thầy và trò, chỉ vì cơ ngơi trường chưa được nâng cấp. Trường tiểu học Trần Phú hằng năm có trên, dưới 1.000 con em thợ mỏ học tập. Lực lượng học sinh lớn này đang học tại các phòng học của ba dãy nhà cấp bốn được xây dựng từ những năm 1973-1975, đang xuống cấp nghiêm trọng. Cơ sở hạ tầng của trường mỗi năm một xuống cấp không ít lớp học bị xiêu vẹo, dột nát. Trường đã nhiều lần đề nghị được nâng cấp nhưng không hiểu vì lý do gì cho đến năm học này đề nghị đó vẫn chưa được cơ quan chức năng quan tâm.

Bạn đọc Phạm Ngọc Ðoan (Ðà Nẵng): Hiện nay trên địa bàn thành phố Ðà Nẵng, cảnh quan sư phạm của một số ngôi trường còn nhếch nhác ảnh hưởng mỹ quan và môi trường sư phạm. Trường THCS Lê Ðộ thuộc quận Sơn Trà tuy cơ ngơi khang trang, cảnh quan bên trong sân trường khá hấp dẫn nhưng phía trước cổng trường bị người dân chiếm dụng, đổ vật liệu xây dựng, chất chồng những tấm tôn, gỗ, đất thải bừa bãi. Trường Trung học chuyên nghiệp Kinh tế kỹ thuật Phương Ðông nằm trên đường Phan Ðăng Lưu, quận Hải Châu có tấm bảng tên trường bị hỏng từ lâu, không thấy nhà trường sửa chữa. Cách đấy không xa, Trường Cao đẳng công nghệ ở phố Cao Thắng cũng quận này bị những chủ quán cơm bình dân chiếm dụng hết phần vỉa hè căng lều bạt, vừa nấu nướng, vừa bán hàng làm khói bay mù mịt phả vào trong trường, gây ảnh hưởng không nhỏ môi trường, cảnh quan sư phạm.

-------------------------

Làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm người ra quyết định đầu tư sai

Trong các kỳ họp Quốc hội và qua báo chí, chúng tôi được biết, thời gian qua, có nhiều dự án lớn đầu tư không hiệu quả, thậm chí bị phá sản, gây lãng phí, thất thoát hàng chục nghìn tỷ đồng, góp phần làm nghèo thêm đất nước. Ðiển hình như dự án mía đường, gần 100 nhà máy đường được xây dựng ở các tỉnh Tây Nguyên, miền bắc, miền trung, đến đồng bằng sông Cửu Long để rồi sau đó phần lớn làm ăn thua lỗ, hoạt động cầm chừng hoặc phải di chuyển do không có nguyên liệu hoặc không tiêu thụ được. Hay như phong trào xây dựng xi-măng lò đứng, hơn 60 nhà máy đã ra đời để rồi lại phải dẹp bỏ. Rồi dự án đánh bắt hải sản xa bờ, 50% tổng số tàu làm ăn không hiệu quả, phải nằm bờ, có nơi không trả được đồng vốn nào cho Nhà nước. Dự án Khôi phục và hoàn thiện hạ tầng nghề cá Việt Nam được dành cho các tỉnh ven biển đồng bằng sông Cửu Long để xây mới gần mười cảng cá, nhưng sau gần 10 năm triển khai với hàng trăm tỷ đồng, mà hiệu quả mang lại gần như không có. Mới đây, chúng ta lại được biết dự án trồng hơn 5.000 ha chè Nhật Bản đã bị phá sản, không những làm biến dạng môi trường đầu tư mà còn gây thiệt hại cả chục tỷ đồng. Người dân Mộc Châu (Sơn La) bốn năm trước phải chặt bỏ hàng trăm ha mận để trồng chè nay lại phải chặt bỏ. Nếu làm phép tính cộng thì số tiền lãng phí, thất thoát từ các dự án này thật khổng lồ, hậu quả để lại chưa biết đến bao giờ mới khắc phục được.

Một nghiên cứu của Bộ Xây dựng cho biết, thất thoát, lãng phí lớn nhất hiện nay nằm trong các quyết định đầu tư (chiếm khoảng 60-70% tổng số lãng phí, thất thoát). Tuy nhiên, cho đến nay, chúng tôi chưa thấy cơ quan, cá nhân nào phải chịu trách nhiệm và bị xử lý về những thất bại của các dự án kể trên. Kết quả thanh tra, kiểm tra làm rõ trách nhiệm của cơ quan chủ quản, trách nhiệm cá nhân của người ra quyết định, chủ trương đầu tư, trách nhiệm người thực hiện dự án cũng chưa được công khai trước dư luận. Và nếu không ai phải chịu trách nhiệm trước những thất bại của các dự án thì chắc chắn tình trạng lợi dụng các dự án kinh tế để rút ruột ngân sách sẽ còn tiếp diễn. Chúng tôi kiến nghị các cơ quan chức năng sớm làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân có sai phạm trong quá trình ra quyết định và thực hiện các dự án. Người ra quyết định đầu tư phải bị xử phạt hành chính, thậm chí bị cách chức hoặc miễn nhiệm khi quyết định những dự án đầu tư sai quy hoạch gây hậu quả nghiêm trọng.

NGUYỄN ANH