(VietNamNet) - 10h30' sáng 26/11, tàu Cần Giờ có tải trọng 2.117 tấn sau 3 tháng hành trình đã về đến cảng tại khu vực Nhà máy công nghiệp sửa chữa tàu biển Sài Gòn (Quận 7, TP.HCM). Từng hồi còi vang rền báo tin vui của các thuỷ thủ đã được kéo lên.
![]() |
Tàu Cần Giờ cập cảng Sài Gòn |
Ba chiếc thuyền máy chở hoa và đoàn lãnh đạo của Sea Saigon, anh em nhà báo chúng tôi xuất phát từ rạch Tam Đệ ra giữa sông Sài Gòn, lên tàu Cần Giờ.
Trao đổi với PV VietNamNet, ông Ông Phạm Ngọc Sơn - Phó Tổng GĐ Sea Saigon cho biết: “Công ty hiện có 5 chiếc tàu. Trên mỗi tàu đó chúng tôi đều có gắn những thiết bị định vị vệ tinh. Nhờ đó, chúng tôi biết rõ tàu cần Giờ đang ở đâu, chạy với vận tốc bao nhiêu. Quả vậy, trong mênh mang sông nước của dòng sông Sài Gòn, từ xa chúng tôi đã nhìn rất rõ tàu Cần Giờ mang màu đỏ đặc trưng. Từ xa, các thuỷ thủ tàu Cần Giờ đã giơ tay vẫy.
Một chiếc thang dây được được thả xuống từ bên mạn trái tàu Cần Giờ. Chúng tôi thay nhau bám thang, trèo lên. Các thuỷ thủ đã xếp hàng đứng đợi, nụ cười tươi rói nở trên môi. Ông Captanin John Schlotfeldt - Tổng GĐ Sea Saigon bắt tay chúc mừng thuyền trưởng Lê Vinh Phan và các thuỷ thủ.
![]() |
Đoàn nhà báo là những người đầu tiên đặt chân lên tàu |
Những nụ cười, ánh mắt chợt bừng sáng khi mọi người gặp nhau, bắt tay nhau. Dù phải ở Tanzania 13 tháng nhưng anh em lau chùi hàng ngày, sửa chữa, bảo trì tàu trong phạm vi có thể.
Anh Phạm Gia Thành kể: “Bọn em vẫn giữ nếp sinh hoạt điều độ và đọc báo mà Đại sứ quán hay bạn bè người Việt tặng để biết thêm thông tin về quê nhà. Chúng em cũng hay lên mạng tìm đọc VietNamNet để có thêm tin tức. Sáng ra bọn em ăn sáng đến 7h30' thì bắt tay vào công việc như lau chùi, bảo dưỡng máy móc… Hàng ngày cứ đều đặn như vậy đến 17h chiều mới nghỉ”.
Các thuỷ thủ tàu Cần Giờ cho biết thêm vẫn luôn giữ thông tin về cho gia đình khi có thể. Ở Tanzania điện thoại gọi về Việt Nam khá khó khăn, nên anh em thường chọn cách rẻ tiền là “chat” hay “mail”. Địa điểm có Internet cách xa tàu khoảng 3 km nên thỉnh thoảng anh em mới lên mạng tìm thông tin từ quê nhà.
Phạm Gia Thành giỏi về tin học nên đã “dạy” mọi người biết về Internet để “chat” hay gửi mail về nhà. Vì thế, dù không liên lạc được thường xuyên nhưng mọi người vẫn biết tình hình quê hương. Nếu ai lên mạng có được thông tin gì hay từ Việt Nam thường copy vào đĩa mềm, mang về máy tính trên tàu để anh em cùng xem chung.
![]() |
Đại diện Sea Sài Gòn tặng hoa cho các thủy thủ. |
Tại Tanzania chợ cách khu vực tàu bị giam giữ khá xa, khoảng 10 km. Muốn đi chợ, anh em phải đi taxi “giá có đắt nhưng chắc ăn”. Trước đây, khi còn đủ 12 người thì cứ 2 ngày phải đi chợ một lần. Sau này khi còn 5 người thì cứ 1 tuần anh em đi chợ mua đồ ăn một lần. Trong suốt thời gian 13 tháng, mọi người chỉ có điều kiện tiếp xúc được với 6 gia đình người Việt ở Tanzania và người của Đại sứ quán Việt Nam.
Thuyền trưởng Lê Vinh Phan kể: “Ngày 20/8, tàu Cần Giờ bắt đầu hành trình từ Tanzania về Việt Nam trên Ấn Độ Dương. Xuất phát từ cảng Daressa - laam lúc 13h để đi về Mom Basa của Kenya nhận nước ngọt và nhiên liệu. Khi rời cảng Mom Basa và đi được một ngày rưỡi thì anh em phát hiện ra trên tàu có 2 người da đen ẩn náu trên đó. Thì ra họ vượt biên, đòi sang Mỹ. Anh em liền liên hệ với chính quyền sở tại giải quyết. Rồi tàu đi Bom Bay và qua Tutiarin (Ấn Độ) để làm thủ tục gia hạn thuê tàu.
![]() |
Thủy thủ tàu Cần Giờ kiểm tra máy trước khi bàn giao. |
... Phải sau đó 1 tháng trời, ngày 28/10/2005 khi ở Colobo (Srilanka) chúng tôi mới giao 2 người da đen này cho người dẫn độ từ Tazania sang. Sau một tháng cùng sinh hoạt với anh em trên tàu, 2 người da đen nói rất thật: “Lúc đầu chúng tôi định đi Mỹ nhưng thấy người Việt Nam sống tình nghĩa quá, chúng tôi muốn theo các ông về Việt Nam có được không?”.
Cũng theo anh Phan, mỗi ngày tiền thuê tàu là 2.000 USD, vì thế suốt 13 tháng bị giam giữ, thiệt hại về vật chất đối với tàu Cần Giờ là rất lớn. Tuy nhiên, tinh thần của anh em thuỷ thủ Việt Nam lại càng được củng cố, tin tưởng.
Bằng nỗ lực của mình và các phương tiện thông tin đại chúng, sau 13 tháng, tàu Cần Giờ của Việt Nam đã lại tung bay cờ đỏ sao vàng, vượt sóng Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương về Việt Nam.
Nhuệ Giang - Thái Thiện
▪ Festival cà-phê Buôn Ma Thuật 2005 (26/11/2005)
▪ Làm bạn với con dễ hay khó? (26/11/2005)
▪ Mỹ đã ngụy tạo tin tức tình báo về "Sự kiện vịnh Bắc Bộ" (26/11/2005)
▪ Hà thành 'bia đạo' (26/11/2005)
▪ Trên 1 tấn chim cút làm sẵn hư thối (26/11/2005)
▪ Dân chơi Hà thành và những chiếc xe bạc tỷ (26/11/2005)
▪ Bạo lực đang hoành hành trong gia đình (26/11/2005)
▪ 'Đại biểu Quốc hội hãy đeo bám vấn đề đã chất vấn' (26/11/2005)
▪ Chùm ảnh tàu Cần Giờ về đến Sài Gòn (26/11/2005)
▪ Chính phủ hứa sẽ làm hết sức mình trong chống tham nhũng (26/11/2005)