(VietNamNet) - Nhu cầu sử dụng thịt gia cầm dịp Tết ngày một tăng nhưng các điểm giết mổ gia cầm ở ngay các đô thị như Hà Nội, Đà Nẵng vẫn hoạt động theo phương thức thủ công. TP.HCM có 3 cơ sở giết mổ hiện đại nhưng lại chưa "ổn" khâu kiểm dịch.
![]() |
Bày bán gà không rõ nguồn gốc công khai tại Một số chợ Hà Nội. |
Giết mổ hầu hết là thủ công
Thứ trưởng Bộ Thương mại Phan Thế Ruệ đã báo cáo tình hình kiểm tra giết mổ, buôn bán gia cầm phục vụ Tết và tình hình VSATTP tại Hà Nội. Kết quả cho thấy, chỉ có vài ba cơ sở giết mổ tập trung, nhưng nếu không kiểm soát tốt đầu vào, nguy cơ lây nhiễm cúm rất lớn. Tại một số chợ cóc ở Hà Nội, khi đoàn kiểm tra tới, đã phát hiện thấy việc bán chui, bán gia cầm không có nguồn gốc rõ ràng.
Ông Ruệ cho rằng, việc bán lén lút sẽ vẫn còn xảy ra do số điểm bán gia cầm sạch ở Hà Nội còn quá ít, chưa đủ phục vụ nhu cầu khoảng 200.000 con/ngày của nhân dân Thủ đô.
Tại Đà Nẵng, theo ông Bùi Quang Anh, hiện TP có 97 trại chăn nuôi có quy mô trên 100 trở lên, với khoảng 94.500 con. 4 điểm giết mổ ở thành phố này đều hoạt động theo phương thức thủ công (chưa có dây chuyền giết mổ tự động), cho ra lò khoảng 1.000-1.500 con/ngày, cung cấp cho 14 chợ, 3 siêu thị.
TP.HCM thì làm tốt hơn với việc cho phép các hộ kinh doanh trước đây được tiếp tục buôn bán gia cầm, nhưng phải bảo đảm các quy định tối thiểu của ngành thú y. Với 3 cơ sở giết mổ gia cầm khá hiện đại, TP.HCM có vẻ yên tâm hơn so với các tỉnh khác, nhưng lại lo lắng về khâu kiểm dịch và đang đề nghị các địa phương lân cận cùng bắt tay hợp tác trong khâu này.
Về việc xây dựng các cơ sở giết mổ tập trung, Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Đăng Vang nói rằng, hiện có một "làn sóng" các DN trong và ngoài nước đang xin phép đầu tư, xây dựng các cơ sở giết mổ gia cầm tập trung.
Ví như, một công ty tại Bắc Ninh và một tại Hưng Yên đang xin cấp phép xây dựng hai lò giết mổ, với công suất 1.000 con gia cầm/ngày. Công ty Phú An Sinh của TP.HCM, ngoài cơ sở giết mổ hiện có, đang đầu tư xây thêm một nhà máy giết mổ tại Long An (1.000 con/ngày) và đang thăm dò xây nhà máy tại Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu, với số tiền bỏ ra khoảng 5,5 tỷ đồng/cơ sở. Có 3 công ty nước ngoài cũng đang nhòm ngó vào thị trường giết mổ gia cầm tập trung, đó là các công ty thuộc Hà Lan, Đan Mạch và Trung Quốc.
Ông Vang cho biết, ngoài một loạt các cơ sở giết mổ tập trung này, Viện Cơ điện và Sau thu hoạch của Bộ NN-PTNT cũng đang sản xuất các máy giết mổ gia cầm, với công suất 100 con/giờ và 250 con/giờ. Do vậy, sẽ không lo thiếu các cơ sở giết mổ tập trung trong thời gian tới.
Đối với các vùng nông thôn, để có đủ gia cầm sạch cho bà con trong dịp Tết, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát cho rằng cần quy định các điểm bán gia cầm sống đảm bảo vệ sinh tại chợ. Một quy định bắt buộc được đưa ra là đã mang gà đến chợ thì không được mang về nhà, kể cả khi hàng ế. Gà mang đến chợ phải giết mổ ngay tại chợ. Hàng ngày, lực lượng thú y sẽ phải vệ sinh, tiêu độc khử trùng cho khu vực này.
Chưa thể tiêm phòng ngan, ngỗng, chim
Theo số liệu của Cục Thú y, đến 16/1, toàn quốc cơ bản đã hoàn tất tiêm 2 mũi vắc-xin cho đàn gia cầm. Tổng gia cầm được tiêm là 246 triệu lượt, trong đó gà 166,8 triệu (khoảng 84 triệu con) và vịt 78,3 triệu (40 triệu con). Tổng số liều vắc-xin đã sử dụng khoảng 320 triệu liều. Ông Quang Anh nói hiện số vắc-xin tồn kho tại các địa phương năm ngoái còn khoảng 40 triệu liều, cộng với 150 triệu liều vừa nhập về đủ để các địa phương tiếp tục triển khai tiêm phòng cho gia cầm mới phát sinh.
Hiện Viện Thú y cũng đang thử nghiệm, theo dõi việc sử dụng tiêm vắc-xin chủng H5N1 cho đàn gà (Việt Nam vẫn đang sử dụng H5N2) nếu cho kết quả tốt sẽ thống nhất dùng một loại vắc-xin H5N1 cho cả gà và vịt.
Điều lo ngại hiện nay là đối với con ngan, ngỗng, chim bồ câu và chim cút hiện vẫn chưa được tiêm phòng do chưa co loại vắc-xin nào phù hợp. Ông Trương Văn Dung, Viện trưởng Viện Thú y, bức xúc, mặc dù Viện đã sử dụng cả H5N1, H5N2 tiêm phòng cho ngan, với liều cao gấp 2-3 lần so với bình thường nhưng kết quả không được khả quan lắm.
"Trong khi đó, một đoàn công tác của các chuyên gia FAO sang Việt Nam đã khuyến cáo chúng ta nên tiêm phòng vắc-xin cho tất cả các đối tượng, kể cả khi chúng không có tác dụng (giống như Trung Quốc đang tiêm phòng cho ngỗng)", ông Quang Anh cho biết.
Về việc này, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát đã thúc Viện Thú y khẩn trương tiếp tục thí nghiệm việc tiêm vắc-xin trên các đối tượng còn lại, ngoài gà và vịt. Đối với các đàn ngan, vịt chưa tiêm phòng vắc-xin, lực lượng thú y nên lấy mẫu về xét nghiệm nếu âm tính với H5 nên cho tiêu thụ ngay. Đồng thời, Bộ trưởng nhắc nhở các ngành thú y, y tế ra văn bản hướng dẫn tiêu dùng gia cầm trong dịp Tết, đặc biệt khuyến cáo người dân tuyệt đối không ăn tiết canh ngan, vịt, nhất là trong ngày tất niên.
Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, sắp tới Bộ NN-PTNT sẽ gặp các phái đoàn ngoại giao tại Việt Nam để thông báo sự kiện Việt Nam đã khống chế thành công dịch cúm gia cầm. Đồng thời, khuyến khích người nước ngoài sử dụng gia cầm trở lại và khách du lịch nước ngoài yên tâm khi tới Việt Nam. |
Dịch hết, chưa hẳn đã tan
Trong cuộc họp của BCĐ Quốc gia Phòng chống dịch cúm gia cầm chiều 16/1 tại Hà Nội, đại diện các Bộ NN-PTNT, Y tế, GTVT, Thương mại, Tài chính... đều bày tỏ nỗi lo lắng cúm gia cầm tái phát.
Ông Bùi Quang Anh, Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) cho biết, kể từ khi ổ dịch cuối cùng xảy ra tại xã Hồng Đại, huyện Phục Hòa (Cao Bằng) vào ngày 15/12/2005 đến nay, toàn quốc không phát sinh thêm dịch. Như vậy, cả nước đã khống chế thành công dịch cúm gia cầm sau hơn một tháng và không để dịch tái phát.
Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch cúm trong thời gian tới (đặc biệt khi dịch đang lây lan tại các nước EU, Nhật Bản, Trung Quốc... ) nguy cơ bùng phát dịch vẫn rất cao. Bên cạnh đó, diễn biến bất thường của thời tiết, nhu cầu đi lại của nhân dân trong dịp Tết và việc vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm tiêu thị trong dịp Tết Bính Tuất tăng cao (TP.HCM dự kiến tăng 10 lần) cũng khiến cho dịch có thể tái phát bất cứ lúc nào, ở nơi đâu.
Chia sẻ nỗi lo này, đại diện Bộ Y tế cũng thông báo, mặc dù đã hai tháng qua không ghi nhận trường hợp mắc cúm A/H5N1 ở người tại Việt Nam, song diễn biến phức tạp của dịch bệnh cúm trên người tại các nước và cùng thời tiết ẩm ướt dịp Tết sẽ tạo thuận lợi cho virus tồn tại và lây lan.
Hà Yên
▪ Vị linh mục và bộ sưu tập đèn cổ (16/01/2006)
▪ Mồng 6 Tết bắt đầu chương trình du lịch về nguồn (16/01/2006)
▪ Thịt gia cầm tiêu thụ mạnh (16/01/2006)
▪ Vận chuyển đào, mai đi máy bay (16/01/2006)
▪ Cảnh giác với bọn trộm cắp (16/01/2006)
▪ Năm xã biên giới ở Nghệ An chưa được hưởng chế độ phụ cấp đặc biệt (16/01/2006)
▪ Bảo tồn và phát huy giá trị cổ vật (16/01/2006)
▪ Nên thận trọng khi mua hàng Tết (16/01/2006)
▪ Bảo đảm an toàn giao thông trong dịp Tết và chấn chỉnh chốt đèn giao thông (16/01/2006)
▪ Giúp bạn trẻ lầm lỡ vươn lên (16/01/2006)