![]() |
Ông Nguyễn Văn Quyền. Ảnh: Đ.L. |
Từ 1/1/2006, học viên lấy bằng lái ôtô sẽ phải dự thi tại các trung tâm sát hạch tự động. Tuy nhiên, cả nước mới có 10 trung tâm đạt tiêu chuẩn nên tình trạng người tỉnh này phải chạy sang tỉnh khác dự thi là điều khó tránh khỏi. Ông Nguyễn Văn Quyền, Cục phó Đường bộ VN, trao đổi với VnExpress.
- Hiện toàn quốc chỉ có 10 trung tâm đủ điều kiện để sát hạch lái xe ôtô. Như vậy liệu có đủ đáp ứng nhu cầu của tất cả học viên?
- 10 trung tâm sát hạch lái xe ôtô đã đưa vào hoạt động là Nam Định, Chí Linh (Hải Dương), Sơn Tây (Hà Tây), Nghệ An, Quảng Ninh, Bình Định, TP HCM (3 trung tâm), Phú Thọ. Ở đây có đầy đủ các hạng mục như đường quanh co, đường dốc, ngã tư, đèn tín hiệu, biển báo để sát hạch người đến thi. Không chỉ phần thi lý thuyết được áp dụng trên máy vi tính mà các trung tâm còn lắp đặt thiết bị chấm điểm tự động cho phần thực hành.
Ngoài ra, còn có 4 trung tâm đang lắp đặt hệ thống là Thanh Hoá, Huế, Đà Nẵng, Khánh Hoà và một số trung tâm khác cũng đang hoàn thiện phần xây dựng như Thái Nguyên, Gia Lai để có thể đi vào hoạt động trong quý I/2006. Về cơ bản, sẽ có 15 trung tâm đáp ứng được nhu cầu của học viên.
- Nhu cầu lái xe tại Hà Nội rất cao mà tại đây vẫn chưa có trung tâm sát hạch. Vậy thí sinh ở Hà Nội sẽ phải dự thi như thế nào, thưa ông?
- Ở Hà Nội thường có 22.000 - 25.000 thí sinh có nhu cầu sát hạch trong một năm. Đáng lẽ phải xây dựng 1 trung tâm sát hạch. Mặc dù chúng tôi đã nhiều lần đôn đốc, tham mưu cho Bộ Giao thông Vận tải gửi công văn tới UBND thành phố, chỉ đạo Sở Giao thông công chính xây dựng trung tâm trên địa bàn, song Hà Nội vẫn chưa triển khai.
Vì vậy, trước mắt thí sinh ở Hà Nội sẽ phải tới các trung tâm ở Chí Linh, Sơn Tây và Nam Định để thi. Các trung tâm ở địa phương khác cũng được sắp xếp để khoảng cách đi lại của người dân là ngắn nhất và công suất hoạt động của trung tâm đồng đều nhau. Như điểm sát hạch ở Nam Định sẽ dành cho thí sinh ở Nam Định, Hà Nam, Thái Bình, Ninh Bình. Theo tôi, khoảng cách đi lại dài nhất ở các tỉnh là khoảng 180 km.
- Khoảng cách như vậy vẫn gây phiền hà cho học viên, họ có thể phải ở lại trong mấy ngày nếu kỳ thi kéo dài, ông nghĩ sao?
- Các tỉnh có ít thí sinh sẽ phải đưa thí sinh đi nơi khác sát hạch, tất nhiên sẽ không thể tránh khỏi mất thêm chi phí. Nếu số lượng thí sinh ít thì sẽ kiểm tra trong ngày, song nếu đông quá thì có thể mất 2 ngày. Cuối tháng, các trung tâm đào tạo phải gửi kế hoạch đến điểm sát hạch để lên lịch cho thí sinh và phân bổ.
Hiện chưa thể xây dựng mỗi tỉnh 1 trung tâm sát hạch vì vốn đầu tư rất lớn, từ 20 đến 30 tỷ đồng. Vả lại, công suất của 1 trung tâm khoảng 15.000-20.000 người/năm, trong khi đó, mỗi tỉnh chỉ có 2.000-3.000 thí sinh sát hạch trong một năm thì đầu tư rất lãng phí.
- Làm thế nào để phân biệt thí sinh thi đúng địa bàn được phân định?
- Chưa có quy chế cho phép người học ở tỉnh này mà thi ở địa phương khác. Nếu anh muốn lấy bằng ở Hà Nội thì sẽ phải học và thi ở đó. Khi lấy chứng chỉ ở trung tâm đào tạo nào đó, thí sinh thường thi ngay tại đó. Với quy định mới, tỉnh nào chưa có trung tâm sát hạch thì cán bộ ở trung tâm đó phải đưa thí sinh ra tỉnh khác để kiểm tra. Song việc cấp giấy phép vẫn thuộc Sở chủ quản.
Điều kiện dự sát hạch không có gì thay đổi, thí sinh phải có sức khoẻ, nằm trong độ tuổi theo quy định, có chứng chỉ tốt nghiệp khoá học lái xe, có chứng minh nhân dân.
- Đầu tư cho các trung tâm là rất lớn, liệu có xoá hẳn tiêu cực khi thi sát hạch?
- Khi sát hạch tại trung tâm, hệ thống chấm điểm tự động sẽ hạn chế thấp nhất tiêu cực. Tuy nhiên, không thể triệt để được. Bài sát hạch thực hành tại trung tâm đã được kiểm tra bằng máy, còn trên đường thì chưa có. Bởi vậy vẫn có thể xuất hiện tiêu cực ở khâu sát hạch thực hành lái xe trên đường (2 km). Để hạn chế mức thấp nhất tiêu cực, chúng tôi đang nghiên cứu cơ chế tăng cường giám sát, như có 2 sát hạch viên trên xe cùng với 1 cán bộ của trung tâm đào tạo. Ở các nước khác cũng đang phải sát hạch thủ công ở khâu này.
- Một số nơi sát hạch lý thuyết trên máy tính cho thấy, tỷ lệ đỗ không cao so với trước đây, ông có thể lý giải tại sao?
- Tỷ lệ đỗ sát hạch lý thuyết phụ thuộc chất lượng đào tạo của các cơ sở. Trước đây, sát hạch thủ công thường đỗ khoảng 80-85%. Song khi kiểm tra trên máy tính chỉ đạt 60-70%. Điều này cho thấy chất lượng kiểm tra trước đây chưa thực sự nghiêm túc. Tuy nhiên, tôi cho rằng, sau một thời gian làm quen với phương thức sát hạch mới, thí sinh xác định không còn nhờ vả được thì sẽ phải cố học. Khi đó tỷ lệ đậu sẽ cao.
- Sau khi các tỉnh đầu tư xây dựng trung tâm mới, các điểm sát hạch cũ sẽ được sử dụng như thế nào?
- Các nơi sát hạch trước đây sẽ chỉ được gọi là sân sát hạch chứ chưa được coi là trung tâm sát hạch. Sau khi các trung tâm mới đi vào hoạt động, các điểm này sẽ ngừng hoạt động sát hạch, song họ vẫn sử dụng cho công tác đào tạo.
Đoàn Loan
▪ Việt Nam có tỷ lệ hút thuốc cao nhất thế giới (19/12/2005)
▪ Không nhận "sổ đỏ" (20/12/2005)
▪ Cứu sống hai công dân Úc trôi dạt 12 ngày trên biển (20/12/2005)
▪ Xẻ thịt côn trùng (20/12/2005)
▪ Mưa lũ làm hơn 100 căn nhà bị triều cường đánh sập (20/12/2005)
▪ Số phận những em bé về từ Trung Quốc (20/12/2005)
▪ Ra quân tình nguyện hướng dẫn kiều bào về quê ăn Tết (20/12/2005)
▪ Nguyễn Khắc Cần - nhà sưu tầm bưu ảnh cổ (20/12/2005)
▪ Nhiều loại hoa cao cấp cho thị trường Tết Hà Nội (20/12/2005)
▪ Noel đi chơi đâu? (20/12/2005)