Thay mặt Chính phủ, ngày 26/11, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Tấn Dũng đã trả lời chất vấn trực tiếp của các đại biểu QH sau khi giải trình những vấn đề lớn về công tác quản lý, điều hành của Chính phủ.
![]() |
Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đang trả lời chất vấn của các đại biểu QH. |
"Tổng tư lệnh" rất quyết tâm!
Đỗ Trọng Ngoạn - Tỉnh Bắc Giang: Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã thông qua, Luật Phòng, chống tham nhũng vừa mới thông qua, tuy chưa có hiệu lực nhưng cơ sở pháp lý để chúng ta chống tham nhũng, lãng phí có rất nhiều và phải làm thường xuyên. Vậy xin đề nghị Phó Thủ tướng cho biết quyết tâm thể hiện ở lộ trình hành động chống tham nhũng, lãng phí của Chính phủ. Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Nhìn chung tham nhũng chưa bị đẩy lùi, tham nhũng còn rất nghiêm trọng. Tuy không phải cán bộ, công chức nào cũng tham nhũng, tham nhũng là số ít nhưng hầu như trên lĩnh vực nào cũng có. Tâm huyết, quyết tâm của Chính phủ qua việc tổng kết thực hiện Pháp lệnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong 7 năm, từ đó Chính phủ đã soạn thảo thành Luật Phòng, chống tham nhũng và Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Đỗ Trọng Ngoạn - Tỉnh Bắc Giang: Quyết tâm và hành động có hiệu quả của Chính phủ, của Thủ tướng, các Phó Thủ tướng cực kỳ quan trọng, vì với vị trí tổng tư lệnh sẽ thúc đẩy cuộc đấu tranh này. Đồng thời sẽ khắc phục được mặc cảm hiện nay của không ít cử tri cho rằng Chính phủ, Phó Thủ tướng, Thủ tướng có làm được tổng tư lệnh hay không, bởi vì vừa đá bóng vừa thổi còi? Tôi rất tin tưởng Thủ tướng, các Phó Thủ tướng sẽ làm được tổng tư lệnh vấn đề này. Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Với câu hỏi của ĐB, tôi xin trả lời bằng việc nêu dẫn chứng mấy việc mà Chính phủ đã, đang làm và tiếp tục sẽ làm thể hiện quyết tâm chống tham nhũng. Chính phủ thường xuyên chỉ đạo rà soát, hoàn chỉnh các thể chế, chính sách theo hướng làm cho nền kinh tế vận hành ngày càng thuận lợi hơn, xây dựng đội ngũ cán bộ công chức. Có hẳn một chương trình để nâng cao năng lực, phẩm chất của đội ngũ công chức: vừa hồng, vừa chuyên, có lương tâm, có trách nhiệm. Chính phủ đã làm, đang làm và sẽ tiếp tục làm là khuyến khích mọi người dân, mọi tổ chức, báo chí phát hiện các hành vi tham nhũng, tiêu cực của cán bộ công chức, bất cứ đó là ai. Việc nàyThủ tướng đã chỉ đạo rất kiên quyết, rất liên tục. Thủ tướng Chính phủ cũng đang tập trung chỉ đạo rất kiên quyết, kiểm tra, xác minh, làm rõ để xử lý nghiêm minh đúng pháp luật các vụ việc đã được phát hiện. Chúng ta sốt ruột về tiêu cực, tham nhũng, nhưng không thể làm trái pháp luật. Chính phủ đã nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các cấp uỷ, Đảng, để làm sao các cơ sở tự mình phát hiện đấu tranh phòng, chống tham nhũng ngay trong đơn vị mình. Vấn đề này rất ít và gần như chưa có. Với tinh thần làm sao tiền lương tạo điều kiện góp phần để người cán bộ công chức vượt qua được cám dỗ của vật chất, Chính phủ đã và đang chỉ đạo triển khai thực hiện tốt đề án cải cách tiền lương giai đoạn năm 2003 - 2007. Chúng tôi sẽ làm hết sức mình với chức trách, nhiệm vụ của Chính phủ. Chúng tôi tin rằng dứt khoát chúng ta sẽ làm được nhiệm vụ ngăn chặn, đẩy lùi nguy cơ này. Tôi cũng tin rằng như đại biểu Đỗ Trọng Ngoạn nói là Thủ tướng Chính phủ cũng sẽ làm được nhiệm vụ này, nhiệm vụ Tổng tư lệnh trên lĩnh vực này. Đỗ Trọng Ngoạn - tỉnh Bắc Giang: Tôi rất hoan nghênh phần phát biểu của Phó Thủ tướng. Phó Thủ tướng công nhận rằng chúng ta chưa đẩy lùi được tham nhũng, vậy đó là cái gì? Đó là hành động cụ thể chúng ta thiếu, xử lý chúng ta không nghiêm, nể nang, né tránh? Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Tôi xin thưa với anh Ngoạn, anh Ngoạn hỏi có né tránh không? Hỏi chung như thế tôi rất khó trả lời, nhưng tôi xin khẳng định với các đại biểu là Chính phủ không có né tránh vấn đề nào cả, có vấn đề cụ thể gì tôi xin mời đại biểu nêu, ta sẽ nói cụ thể. Tôi khẳng định với đại biểu là không né tránh, Đảng, Nhà nước, Chính phủ không né tránh. Chính phủ và Bộ trưởng cần tuyên thệ? Dương Trung Quốc - tỉnh Đồng Nai:
Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Tôi chưa suy nghĩ điều này. Nếu Quốc hội quyết định thì chúng tôi ủng hộ, chúng tôi sẽ làm theo luật. Nhưng riêng tôi, tôi chưa nghĩ việc tuyên thệ này thế nào...
Tính GDP - không chạy theo thành tích!
Nguyễn Minh Thuyết - tỉnh Lạng Sơn: Theo báo cáo của Chính phủ và theo lời khẳng định lại của Phó Thủ tướng trong buổi sáng hôm nay thì dự báo tăng trưởng GDP của ta trong năm 2005 sẽ là 8,4%. Theo một số tổ chức quốc tế thì người ta dự đoán chúng ta tăng trưởng GDP trong năm 2005 sẽ là 7,5%. Dĩ nhiên nếu theo tư duy truyền thống ta phải tin ta hơn, nhưng chúng tôi nghĩ bây giờ thuyết phục cử tri rất khó. Nên chúng tôi xin đề nghị Phó thủ tướng cho biết vì sao nó có sự chênh lệch trong tính toán giữa một số tổ chức kinh tế quốc tế với tính toán của ta như vậy.
Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Trước hết, tôi nói về cách tính GDP giữa ta và các Tổ chức quốc tế. Trước đây có 3 tổ chức thường nêu chỉ số GDP của nước ta như: Tổ chức quỹ tiền tệ thế giới IMF, Ngân hàng thề giới Worldbank, Ngân hàng phát triển Châu Á ADB, họ thường đưa ra chỉ số GDP khác hơn chỉ số công bố của Tổng cục thống kê của chúng ta.
Trước tình hình đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo Tổng cục thống kê, chúng ta cũng nên tính lại tài khoản quốc gia, tính toán lại phù hợp với thông lệ quốc tế và Tổng cục thống kê của ta thực hiện điều này. Ngay từ các năm 2002, 2003, 2004 Quỹ tiền tệ quốc tế IMF cũng đã cử nhiều đoàn chuyên gia vào làm việc nhiều ngày ở Tổng cục thống kê của chúng ta, đi đến kết luận thống nhất với cách tính và số công bố của Tổng cục thống kê Việt Nam.
IMF đều lấy theo con số của chúng ta và bạn cho rằng đó là cách tính phù hợp với thông lệ quốc tế và đúng.
Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Nhân đây xin trình bày với các đại biểu, con số tăng trưởng GDP của chúng ta có được là phải qua 3 lần tính toán: 2 lần dự báo và 1 lần công bố chính thức (1 năm sau).
Do đó, không phải Chính phủ ước chừng rồi báo cáo thiếu trách nhiệm với Quốc hội mà thật sự cách tính phải theo kỹ thuật như thế.
Nguyễn Minh Thuyết - tỉnh Lạng Sơn: Chúng tôi xin thưa thật với Quốc hội và Phó thủ tướng là một số cử tri người ta băn khoăn liệu đây có phải là biểu hiện của bệnh thành tích hay không?
Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Tôi xin nói gọn: hoàn toàn mức tăng trưởng GDP 8,4% là có cơ sở, con số thực không có con số ảo và Đảng, Nhà nước ta nói chung hay ngay Chính phủ hoàn toàn không có bệnh thành tích, GDP tăng trưởng là giá trị tăng thêm trên 3 khu vực: khu vực nông nghiệp, khu vực công nghiệp và khu vực dịch vụ.
Đại biểu muốn cho rõ thì chúng tôi sẽ cung cấp chi tiết từng khoản. Tôi xin khẳng định nhắc lại một điều là con số có cơ sơ thực tế, là con số khoa học.
Phối hợp liên bộ - không "quá kém"!
Nguyễn Ngọc Trân - Tỉnh An Giang
Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Trước hết, xin nói với anh Trân, anh nhận xét "quá kém" cũng tội nghiệp. Việc phối hợp giữa các Bộ thời gian qua cũng có một bước tiến dài, tôi xin khẳng định điều đó.
Nhưng chúng tôi thấy phải xác định rõ những vấn đề phải phối hợp, cần phối hợp giữa Bộ này và Bộ khác, rồi thì làm rõ quy chế phối hợp, trách nhiệm phối hợp. Đó là điều thực tế, cám ơn đại biểu Trân.
Tính mạng của người dân là mệnh lệnh cao nhất! Báo cáo về tình hình phòng, chống dịch cúm gia cầm của cả nước, Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá: "Kết quả thực hiện chưa tương xứng với yêu cầu, chưa tương xứng với tính khẩn cấp và mức độ nguy hại của dịch bệnh.
Nhiều địa phương, sự lãnh đạo, chỉ đạo thiếu tập trung, không kiên quyết, chưa thật sự xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, đột xuất, cấp bách, kế hoạch phòng, chống dịch chưa cụ thể, chưa huy động cả hệ thống chính trị tham gia. Nhiều người còn lơ là, chủ quan không thấy sự nguy hiểm và nguy cơ lây lan của dịch bệnh". Nêu cao mức độ nghiêm trọng của dịch cúm gia cầm H5N1, Phó Thủ tướng yêu cầu: "Đồng bào cả nước, các bộ ngành chức năng lãnh đạo các cấp, địa phương, chúng ta hoàn toàn bình tĩnh, tự tin không hoang mang, không hốt hoảng, không cực đoan. Nhưng vì sức khoẻ cộng đồng, vì tính mạng của nhân dân là mục tiêu cao nhất, mệnh lệnh cao nhất, vì lợi ích chung của đất nước không được chủ quan, lơ là trách nhiệm, chần chừ, phải hành động khẩn trương, quyết liệt, nghiêm túc...". Nhìn nhận những yếu kém, bất cập trong quản lý kinh tế - xã hội , Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành phải thực sự dân chủ lắng nghe và nghiêm túc tiếp thu ý kiến xác đáng của nhân dân, các tổ chức chính trị - xã hội và báo chí. Kịp thời hoàn thiện thể chế, chính sách ngày càng phù hợp với nguyện vọng, lợi ích của người dân và doanh nghiệp. Phó Thủ tướng đề nghị "phải coi đây phải là việc làm thường xuyên liên tục". |
Ý kiến của bạn?
▪ Festival cà-phê Buôn Ma Thuật 2005 (26/11/2005)
▪ Làm bạn với con dễ hay khó? (26/11/2005)
▪ Mỹ đã ngụy tạo tin tức tình báo về "Sự kiện vịnh Bắc Bộ" (26/11/2005)
▪ NGƯỜI & VIỆC (27/11/2005)
▪ Hà thành 'bia đạo' (26/11/2005)
▪ Trên 1 tấn chim cút làm sẵn hư thối (26/11/2005)
▪ Dân chơi Hà thành và những chiếc xe bạc tỷ (26/11/2005)
▪ Bạo lực đang hoành hành trong gia đình (26/11/2005)
▪ 'Đại biểu Quốc hội hãy đeo bám vấn đề đã chất vấn' (26/11/2005)
▪ Chùm ảnh tàu Cần Giờ về đến Sài Gòn (26/11/2005)