TP HCM xây hầm chui, cầu vượt để xóa điểm đen
Các Website khác - 16/01/2006

Ngày 16/1, TP HCM khởi công hầm Tân Tạo, chui dưới mặt đường quốc lộ 1A, nối khu công nghiệp Tân Tạo với Công ty Pou Yuen. Đây là công trình hầm chui đầu tiên trên các tuyến quốc lộ đi qua TP HCM được xây dựng để giải quyết các điểm đen về tai nạn giao thông.

Công trình do Công ty cổ phần tư vấn xây dựng Bách Khoa (Đại học Bách khoa TP HCM) thiết kế, có chiều dài chui dưới quốc lộ 1A gần 39 m, tổng mức đầu tư là 42 tỷ đồng và sẽ được hoàn thành sau 15 tháng.

Theo ông Nguyễn Xuân Bảng, Trưởng phòng Quản lý giao thông, Sở Giao thông công chính, tới đây hầm chui trước cổng khu công nghiệp Linh Trung 2 cũng sẽ được khởi công. Đến nay, công trình cầu vượt cho người đi bộ tại khu vực công viên Suối Tiên đã xong phần xác định vị trí xây cầu và thiết kế kỹ thuật. Nhưng do còn vướng giải phóng mặt bằng nên chưa thể triển khai xây dựng.

Theo ông Đậu An Phúc, chuyên viên phòng Quản lý giao thông, Sở Giao thông công chính, trong năm 2005 đã áp dụng các biện pháp kỹ thuật để giảm thiểu tai nạn tại 34 điểm đen nhưng lại phát sinh hơn 10 điểm đen. Mới đây, có thêm 2 điểm đen nổi tiếng trên đường xuyên Á là ngã tư Tân Thới Hiệp và ngã tư Ga đã thông xe kỹ thuật cầu vượt.

Theo trung tá Hoàng Văn Huy, Phó trạm trưởng cảnh sát giao thông số 4, trên tuyến đường quốc lộ 1A từ Khu công nghiệp Sóng Thần đến giáp ranh tỉnh Long An có hàng chục điểm nguy cơ trở thành điểm đen. "Đường mở rộng đến đâu là nhà máy, khu công nghiệp tiến đến đó, kéo theo hàng nghìn công nhân tham gia giao thông. Do đó, dù đường có lớn đến mấy cũng biến thành điểm đen"- thiếu tá Phạm Văn Tuyến, Phó đội trưởng đội kiểm soát giao thông số 6, bức xúc.

Ông Nguyễn Xuân Bảng cho biết, trong năm 2006, Sở sẽ tập trung nghiên cứu xây dựng hầm chui, cầu vượt tại các điểm quốc lộ có cổng nhà máy, khu công nghiệp. "Nơi nào có từ chục nghìn công nhân ra vào các khu vực này là phải xây dựng hầm chui hoặc cầu vượt", ông Bảng đặt vấn đề.

Khi chưa có cầu vượt, hầm chui, người dân băng ngang qua đường rất nguy hiểm. Ảnh: Lưu Đức

Các điểm đen nằm sâu trong nội đô như khu vực bệnh viện Ung bướu, bệnh viện Từ Dũ, Nguyễn Tri Phương... đã được xây dựng cầu vượt dành cho người đi bộ. Nhưng đến nay, những cầu này chưa phát huy tác dụng, người đi bộ vẫn điềm nhiên đi ngang qua đường. "Do không có nhân viên kỹ thuật điều hành, hướng dẫn người dân sử dụng sự tiện ích từ công trình, nên người dân cứ băng qua đường theo thói quen và tai nạn tiếp tục xảy ra" - ông Bảng nhận xét.

Lưu Đức