Về viếng Bác đúng ngày Quốc khánh
Các Website khác - 25/08/2005
Bắt đầu từ ngày 19-8 tại Trà Vinh, anh thương binh ¼ Lê Anh Tài - người chế tạo thành công xe lăn điện cho người khuyết tật - đã lên đường thực hiện cuộc hành trình xuyên Việt với mong muốn được về viếng Bác đúng ngày Quốc khánh 2-9.
Ba cánh tay... cho hai người

Lê Anh Tài quê ấp 3, xã Trung Ngãi, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long. Xuất thân trong một gia đình lao động nghèo, mới học hết lớp 3 vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn nên anh phải nghỉ học, phụ giúp mẹ.

Năm 1981, Lê Anh Tài đi bộ đội làm nghĩa vụ quốc tế ở chiến trường Campuchia. Trong một lần đi nhận quân về bổ sung cho đơn vị trinh sát, anh bị trúng mìn phải cưa bỏ đôi chân.

Sau khi rời quân ngũ, anh Tài được đưa về điều dưỡng tại thị xã Trà Vinh. Nhớ đến người em ruột hiện ở quê nhà bị bại liệt hai chân và một tay từ nhỏ, anh Tài bàn với em mình về thị xã Trà Vinh lập nghiệp. Cả hai anh em cộng lại cũng được... ba cánh tay, không có khả năng làm ruộng rẫy, nhưng ở thị xã Trà Vinh thì có thể sống được bằng nghề sửa xe đạp.

Đã tính vậy, hai anh em kéo ra lề đường ở đầu chợ Trà Vinh, dựng lều bạt sửa xe đạp kiếm sống qua ngày.

Anh Tài kể: "Mới đầu sửa xe ế ẩm không có khách hàng, có ngày hai anh em nhịn đói, ôm nhau ngủ dưới tấm bạt che mưa ướt sũng. Đã vậy, ngày ngày phải chịu nhiều ánh mắt tò mò, thương hại mà bố thí những đồng bạc nhàu nát. Có những lúc tưởng chừng không vượt qua được...".

Vậy mà, quán cóc sửa xe của thương binh Lê Văn Tài đã tồn tại gần 15 năm bên góc phố thị ồn ào, náo nhiệt. Khách của anh là những người quen. Có khi anh không dựng nổi chiếc xe, khách cũng vui vẻ giúp dựng, quay xe, thậm chí có khi còn bế anh ngồi lên ghế cao sửa chữa phần trên xe.

Thấy hoàn cảnh khó khăn, Bộ Chỉ huy quân sự, ngành Lao động thương binh xã hội, Hội Cựu chiến binh luôn giúp đỡ, cơ quan thị xã cũng bố trí sắp xếp cho cái quán sửa xe của anh không lấn chiếm lòng lề đường.

Chắp cánh cho đôi chân

Anh Tài kể tiếp: "Bị cụt hai chân, di chuyển rất khó khăn, lúc đầu dùng hai chiếc ghế đẩu làm chân đi, nhưng về lâu dài thì không ổn. Vậy tại sao không làm một chiếc xe đi cho tiện?".

Anh Tài đã bỏ công mày mò để tự làm chiếc xe lắc tay, kế đến là chiếc xe gắn máy ba bánh và giờ đây là chiếc xe lăn chạy bằng điện cho người khuyết tật bị mất cả hai chân.

Lúc đầu gặp khó khăn trong khâu thiết kế mẫu mã, cân, uốn sườn xe, dụng cụ thiết bị và tài chính để thực hiện. Năm 2001, anh Tài đã nghiên cứu phục chế thành công 20 chiếc xe lăn, xe lắc tay với giá 150.000 đồng/chiếc, giao cho Sở Lao động thương binh xã hội cấp cho người tàn tật thị xã Trà Vinh.

Trong thời gian này, anh Tài là người thương binh đầu tiên ở Trà Vinh có được chiếc xe lắc tay ba bánh, nhưng ý định tự động hóa chiếc xe của mình cứ thôi thúc anh.

Thật ra, so với yêu cầu sinh hoạt và công việc, anh cũng không mong muốn gì hơn chiếc xe lắc tay đã có, nhưng nếu được điều khiển tự động thì sẽ rất thuận lợi cho những người khuyết tật.

Gần như suốt năm 2004, anh Tài cứ loay hoay mãi mà không thành công... Tuy vậy, anh vẫn kiên trì đeo bám.

May mắn là khi biết được sự theo đuổi tự tạo một chiếc xe chạy bằng điện của anh, Sở Khoa học công nghệ của tỉnh đã hỗ trợ hai triệu đồng. Rồi Công ty Tân Thuận Thái tài trợ bình ắc quy, máy sạc bình, bộ mạch điều khiển bằng điện tử...

Nhờ vậy chỉ hơn hai tháng sau, chiếc xe lăn chạy bằng điện đầu tiên ở Trà Vinh ra đời. So với chiếc xe gắn máy ba bánh, xe lăn chạy bằng điện của anh Tài gọn nhẹ, rẻ tiền, dễ sử dụng, cơ động...

Mới đây, em Nguyễn Minh Trí - quê ở Châu Phú, tỉnh An Giang- bẩm sinh mất hai tay, tìm đến địa chỉ anh Tài, và theo yêu cầu của em Trí, anh Tài lại chế tạo thành công chiếc xe chuyên dùng cho người mất cả hai tay, tặng em Trí.

Vào cuối tháng 7-2005, Sở Khoa học công nghệ Trà Vinh nghiệm thu đề tài và giúp anh làm thủ tục đăng ký bản quyền xe lăn dành cho người khuyết tật mất hai chân hoặc mất hai tay và mất một tay - một chân...

Xin báo công với Người!

Trải qua bao năm tháng vật lộn với cuộc sống và đeo đuổi ước mơ của mình, bây giờ, anh thương binh Lê Anh Tài đã thực hiện trọn vẹn lời dạy "tàn mà không phế" của Bác Hồ.

Và để đánh dấu bước ngoặt đáng nhớ nhất của đời mình, ngày 19-8 vừa rồi, tại đền thờ Bác Hồ ở xã Long Đức (Trà Vinh), anh đã công bố khởi hành chuyến đi xuyên Việt bằng chiếc xe lăn chạy điện tự tạo. Quyết tâm lớn nhất của anh trong chuyến đi này là phải đến viếng Bác Hồ tại Hà Nội, đúng dịp Quốc khánh 2 tháng 9.

Ngày 24-8, anh đã đến thành phố Đà Nẵng. Như vậy, anh Tài đã đi được 1.170 cây số chiếc xe lăn điện của anh phải điều chỉnh một vài trục trặc nhỏ nhưng không làm ảnh hưởng đến cuộc hành trình. Đây thực sự là một tin rất vui.

Theo Lao động