WTO và nông dân Đình Chúc Từ Sealtle (Mỹ) đến Cancun (Mehico) và nay là Hồng Kông (Trung Quốc), cứ mỗi kỳ họp của các bộ trưởng thương mại WTO, hàng chục, thậm chí hàng trăm nghìn nông dân từ khắp nơi trên thế giới lại đổ về để biểu tình, tuần hành, thậm chí xô xát, tự thiêu! Họ làm gì vậy? Họ phản đối những bất công từ chính nội bộ WTO, rằng những nước giàu miệng lúc nào cũng kêu gọi phải xoá bỏ các rào cản, giảm thuế và tự do hoá thương mại triệt để, nhưng trong nước họ lại thực thi chính sách bảo hộ nông dân, nông nghiệp tới tận... răng! Kết cục là nông dân, nông sản các nước nghèo có nguy cơ bị bóp chết! Song mặc cho biểu tình, tuần hành, thậm chí cả cái chết tức tưởi của anh nông dân Hàn Quốc Lee Kyoung Hae cách đây 2 năm tại Cancun, các "ông lớn" vẫn không hề động tâm. Ngược lại, họ vẫn kiên trì "cái lý" của kẻ mạnh: Tiếp tục bảo hộ nông sản trong nước, đồng thời yêu cầu các nước nghèo bãi bỏ trợ cấp xuất khẩu và giảm thuế! Vô lý và thậm vô lý! Nhưng đó là một cuộc chơi đầy nghiệt ngã của thương trường và muốn hay không, các nước nghèo vẫn phải đối mặt! Với VN - một quốc gia đang phát triển (và vẫn có thể liệt vào những nước nghèo), con tàu gia nhập WTO dù có lỡ chuyến tại "nhà ga" Hồng Kông tháng 12 này, nhưng hy vọng vẫn đầy ắp, quyết tâm và khát vọng vẫn rất cao. Bởi đã đến lúc chúng ta đã ý thức rất rõ rằng: Việc phấn đấu tới các chuẩn mực tự do hoá thương mại của WTO là cần thiết cho chính nền kinh tế và cho chính sự phát triển của VN. Vì vậy, mặc dù nhận diện rất rõ những bất công cùng những bất lợi của người nông dân, nông nghiệp trong nước khi gia nhập WTO, nhưng đoàn đại biểu người nghèo VN tham gia hưởng ứng "Tháng Hành động vì người nghèo" tại Hồng Kông vào những ngày này đã từ chối ký kết vào tuyên bố chung của diễn đàn phản đối WTO. Như thế là người nghèo VN không phản đối mà hoàn toàn ủng hộ quyết tâm và nỗ lực của Chính phủ gia nhập WTO. Nhưng chấp nhận gia nhập WTO tức là phải trả giá. Và để sự trả giá này không quá đau đớn thì Chính phủ, người nông dân, đặc biệt là người nghèo VN còn phải làm nhiều việc lắm. Chỉ hơn một thập kỷ Đổi mới, gạo, càphê, hồ tiêu... VN đã giành những thứ hạng nhất nhì trong làng xuất khẩu nông sản thế giới. Song, đó là lúc chưa gia nhập WTO, còn nếu vào, thuế nhập khẩu nông sản buộc phải giảm xuống, trợ cấp xuất khẩu cũng không còn. Lúc đó liệu càphê VN có cạnh tranh nổi càphê Brazil? Gạo VN có so găng được với gạo Thái Lan? Rồi thịt bò VN có "lại" được với bò Mỹ, bò Australia, bò New Zealand...? Tất cả những điều ấy chúng ta phải đặt lên bàn cân một cách nghiêm túc và chi tiết. Nông dân VN có thể sẽ không phản ứng tiêu cực như anh nông dân người Hàn Quốc. Chúng ta phải sống để tranh đấu và chiến thắng. Bởi "cuộc chiến" trên bàn đàm phán chỉ có ý nghĩa khi nó chiến thắng chính từ cuộc sống! Đình Chúc |
▪ Triển lãm mỹ thuật Việt Nam quy mô lớn đầu tiên tại Nhật Bản (17/12/2005)
▪ Đến Resort Vườn Đá để ở nhà sàn trong rừng (17/12/2005)
▪ Ngôi nhà tình yêu mang tên Sozo (17/12/2005)
▪ Biến điều không thể thành có thể (17/12/2005)
▪ Một xóm có 28 người mắc bệnh ung thư (17/12/2005)
▪ Hơn 100 sinh viên tốt nghiệp không được cấp bằng (17/12/2005)
▪ Cấp thị thực tại sân bay cho kiều bào về quê ăn Tết (17/12/2005)
▪ 41 người bị lũ cuốn trôi do lũ bất thường (17/12/2005)
▪ Hà Nội mở tuyến xe buýt Long Biên - Bát Tràng (18/12/2005)
▪ Lở đất vùi 9 công nhân, thiệt hại 50 tỉ đồng (17/12/2005)