Đổi ngôi
Các Website khác - 20/10/2004

Xã hội phát triển, người phụ nữ được giải phóng, nam nữ bình đẳng được thực hiện. Người phụ nữ làm việc trong các lĩnh vực, các ngành nghề, không thua kém nam giới.

Người phụ nữ thành đạt trong xã hội đã là điều bình thường và hợp với quy luật phát triển tất yếu của xã hội. Nhưng nếu trong gia đình mà người vợ lại có ưu thế hơn hẳn người chồng thì chuyện không đơn giản.

Theo phân tích của chuyên viên tư vấn tâm lý Nguyễn Thu Hiền, khi người phụ nữ có ưu thế so với chồng về mặt này hay mặt khác thì người phụ nữ ấy dễ có tư tưởng “công thần”. Họ cho rằng họ là người có công lớn đối với gia đình, kiếm được nhiều tiền, tạo được của cải vật chất cho gia đình. Tư tưởng công thần đó khiến người vợ dễ nảy sinh sự coi thường chồng. Dần dần, người vợ có lời nói và hành động độc đoán, chuyên quyền, mang tính chỉ huy trong gia đình, tự mình quyết định tất cả mọi việc quan trọng trong gia đình như một bà chủ mà bất chấp ý kiến của chồng. Khi người vợ kiếm được nhiều tiền hoặc có địa vị cao trong xã hội, họ sẽ bị cuốn theo việc kiếm tiền, sẽ phải đeo đuổi sự thăng tiến trong sự nghiệp. Điều này khiến họ phải dồn hết thời gian và sức lực vào đó và họ không còn thời gian dành cho chồng con. Họ ít chia sẻ, ít quan tâm đến chồng con, họ không hiểu chồng mình cần gì, nghĩ gì, trạng thái tâm lý ra sao...

Ngoài ra, khi kiếm được nhiều tiền, khi có quyền cao chức trọng, người phụ nữ cũng dễ thay đổi nếp sinh hoạt, chưng diện hơn trước, đi sửa sắc đẹp, thường xuyên vắng nhà, đi dự tiệc tùng liên miên, không ăn cơm với chồng con, các mối quan hệ rộng mở... Điều này càng tác động làm phức tạp thêm quan hệ vợ chồng.

Khi người vợ hơn mình, người chồng sẽ cảm thấy thế nào? Bà Nguyễn Thu Hiên nhận định: Người chồng sẽ có tâm lý mặc cảm. Họ cảm thấy thua kém vợ nhưng họ lại không chấp nhận sự thay đổi vị trí của người vợ và họ bất lực trước điều này. Tâm lý đó khiến người đàn ông bị ức chế, bực bội, trầm uất, có khi phản ứng bằng sự xét nét, bắt lỗi vợ, gây sự với vợ, ghen tuông vô lý... Rõ ràng trong những trường hợp này, người chồng vừa thiếu chí tiến thủ (không biết phấn đấu vươn lên, không làm được vai trò trụ cột trong gia đình) lại vừa không thích nghi được với sự phát triển của xã hội, không chấp nhận được một điều bình thường của xã hội hiện đại là vợ vượt trội hơn chồng...

Chính tâm lý đó của người vợ và người chồng đã làm cho quan hệ vợ chồng căng thẳng, rạn nứt, mâu thuẫn...

Cơm không lành, canh không ngọt

Ông Thuận vốn là một chủ doanh nghiệp ăn nên làm ra trong nhiều năm. Cách đây mấy năm, ông làm ăn thất bại, lại bị bạn bè giựt nợ nên trở thành trắng tay. Kể từ đó, toàn bộ kinh tế gia đình đều trông vào việc buôn bán của vợ ông - bà Liên. Phải đảm đương kinh tế gia đình, nuôi chồng, nuôi con, bà Liên cảm thấy chông mình thật vô tích sự, là gánh nặng cho mình... Đã vậy, bà lại càng bực tức khi ông cứ thường xuyên bắt lỗi, gây sự với bà vì những chuyện không đâu... Tâm trạng bực bội đó đã khiến bà không ít lần có những lời lẽ nặng nhẹ với chồng.

Về phần ông, đang là một ông chủ làm ra tiền như nước bỗng dưng trắng tay, đánh mất vai trò trụ cột của người đàn ông trong gia đình, bất lực nhìn vợ bươn chải, ông buồn chán, mặc cảm... Từ đó ông hay cả nghĩ, hay suy diễn. Cứ như vậy mà vợ chồng lục đục cãi nhau suốt, nhiều khi còn nặng lời sỉ nhục nhau. Chán nản, bà làm đơn xin ly hôn. Tức khí, ông cũng đặt bút ký ngay không thèm suy nghĩ, đắn đo.

Ông Tánh là phó phòng của một viện nghiên cứu. Trước kia, vợ ông - bà Nga chỉ buôn bán nhỏ. Năm năm trước, bà mở một lò gạch và việc làm ăn ngày càng phát triển, bà phất lên thành một bà chủ lớn. Trong gia đình, bà cũng ứng xử với chồng bằng cung cách của một bà chủ: to tiếng, nặng nhẹ, ra lệnh, chỉ huy... khiến quan hệ vợ chồng luôn căng thẳng. Xung đột vợ chồng lên đến cao điểm khi bà yêu cầu ông nghỉ việc cơ quan để ở nhà phụ bà kinh doanh. Bà nói với ông: “Lương cán bộ của ông không đủ ăn sáng, ông cứ bám mãi công việc đó làm gì? Ông đừng tưởng cái chức phó phòng của ông là to lắm! Nói thật với ông, lương của ông không bằng đồng rơi đồng vãi của tôi. Ông cứ nghỉ việc mà về lượm những đồng rơi đồng vãi của tôi cũng đủ cho ông sống...”.

Lời lẽ của bà đã xúc phạm và làm thương tổn ông quá nặng nề. Ông tâm sự với một người bạn: “Đúng là lương của tôi không bằng đồng rơi đồng vãi của bà ấy, nhưng tôi đường đường là một cán bộ nhà nước, một người trí thức, một nhà nghiên cứu khoa học. Tôi có vị trí trong xã hội và tôi biết mình làm việc có ích cho xã hội. Làm sao tôi có thể bỏ tất cả để trở về nhà tự biến mình thành một thằng làm công cho vợ mà chịu nhục...? Bà ấy phất lên chẳng qua do cơ chế thị trường, rồi cứ ỷ thế đồng tiền mà coi thường chồng. Với trình độ học vấn của bà ấy, có vào làm nhân viên của tôi cũng không đủ tư cách...”. Mâu thuẫn vợ chồng ngày càng trầm trọng, bà càng muốn điều khiển ông thì ông càng phản ứng mạnh. Cuối cùng, họ đưa nhau ra tòa ly hôn.

Ông Nam chỉ là một giảng viên đại học bình thường trong khi vợ ông - bà Thanh - có học vị tiến sĩ và giữ vai trò lãnh đạo một trường đại học. Vợ chồng họ hầu như không cãi nhau, không to tiếng. Nhìn bề ngoài ai cũng tưởng là hạnh phúc, yên ấm nhưng thực ra càng ngày khoảng cách giữa họ càng xa. Ông vốn thích một tuýp phụ nữ truyền thống, đảm đang, khéo léo nội trợ, biết chiều chuộng, chăm sóc chồng con... Nhưng bà không phải là tuýp phụ nữ như vậy. Thời gian của bà quá ít không đủ dành cho công tác quản lý và nghiên cứu khoa học. Bà không còn thời gian và sức lực đâu mà chiều chuộng, chăm sóc ông.

Có lần, ông trách bà vì một chiếc quần đùi của ông tuột chỉ đã lâu mà bà vẫn không buồn khâu lại. Bà trả lời ông một cách rất ngạc nhiên: "Chuyện vặt như vậy mà sao anh lại quan trọng. Chỉ cần hai - ba chục ngàn là có thể mua được một cái quần đùi. Quần rách thì cứ vứt đi mua quần mới. Với thời gian ngồi vá lành chiếc quần đùi, em có thể làm được bao nhiêu việc quan trọng, có thể kiếm được số tiền lớn gấp bao nhiêu lần giá tiền cái quần đùi...". Nghe bà nói, ông thở dài. Đôi vợ chồng ấy sẽ phải chịu đựng nhau dài dài...

Tình vợ chồng vẫn đẹp sao!

Không phải khi vợ có ưu thế hơn chồng thì nhất thiết quan hệ vợ chồng sẽ xấu đi. Vẫn có không ít đôi vợ chồng mà người nọ vượt trội hơn chồng nhưng họ vẫn sống yên ấm, hạnh phúc.

Hai vợ chồng ông Lý cùng là cán bộ giảng dạy đại học: chồng dạy sử, vợ dạy tiếng Anh. Đồng lương thấp nên họ phải làm yaourt mang bỏ mối để có thêm thu nhập. Rồi người vợ nghỉ dạy, đi làm cho một công ty nước ngoài, lương mỗi tháng trên chục triệu. Kinh tế gia đình ngày càng khá lên, họ sắm sửa các thứ của cải vật chất trong nhà... Quan hệ vợ chồng vẫn thuận thảo, tốt đẹp. Người chồng không mặc cảm vì mình không kiếm được nhiều tiền như vợ. Ông nhận thức dù vợ hay chồng kiếm được nhiều tiền hơn cũng đều tốt cho gia đình. Có nhiều thời gian rảnh ngoài giờ dạy, ông quan tâm gánh vác việc gia đình để vợ ông có thể tập trung thời gian và công sức đáp ứng các yêu cầu cao của công việc tại công ty nước ngoài.

Về phần bà, bà đối với ông hết sức khéo léo, tế nhị, dịu dàng. Làm được bao nhiêu tiền bà đem về giao hết cho ông, ông không chịu giữ tiền thì bà cất tiền vào tủ và vợ chồng mỗi người một chìa khóa. Tất cả mọi chuyện lớn nhỏ trong nhà bà đều bàn bạc, trao đổi, hỏi ý kiến ông và để cho ông quyền quyết định. Chính ông là người quyết định chi tiêu những khoản tiền lớn trong nhà quyết định và lựa chọn mua sắm các thứ máy móc, xe cộ... Cách ứng xử của bà khiến ông cảm thấy mình được tôn trọng. Họ vẫn hạnh phúc như ngày nào bà không kiếm ra được nhiều tiền.

Bà O. có bằng thạc sĩ và là phó chủ tịch một quận. Chồng bà chỉ là một cán bộ bình thường. Việc bà có bằng cấp và chức vụ cao hơn chồng không hề làm cho quan hệ vợ chồng trở nên phức tạp. Họ vẫn sống bên nhau yên ấm, thuận hòa. Sáng sáng, họ cùng nhau đi tập thể dục. Hằng ngày, ông đưa bà đi chợ. Xong việc cơ quan là bà vội vàng về nhà, tất bật với việc nội trợ, cơm nước. Dù bận rộn tới đâu, bà vẫn luôn dành thời gian nhất định để quan tâm, chăm sóc chồng con. Ra ngoài xã hội, bà là bà này bà nọ, có chức có quyền. Trở về gia đình, bà vẫn là người vợ, người mẹ dịu dàng, đầy nữ tính, chu toàn bổn phận.

“Nói cho cùng, khi người vợ có ưu thế so với chồng, quan hệ vợ chồng sẽ vẫn tốt đẹp hay trở nên phức tạp, mâu thuẫn là phụ thuộc vào nhận thức, cách ứng xử và văn hóa của người trong cuộc. Sẽ là rạn nứt, đổ vỡ nếu người vợ cậy công, ỷ thế xem thường chồng và người chồng mặc cảm, không chấp nhận sự vượt trội của vợ... Vẫn hạnh phúc, yên ấm nếu người vợ không cậy công, ỷ thế, không đánh mất nữ tính, tôn trọng chồng, khéo léo, tế nhị trong xử sự với chồng và người chồng không có tâm lý mặc cảm, nhận thức và chấp nhận ưu thế của vợ...''. Đó chính là kết luận của chuyên viên tư vấn tâm lý Nguyễn Thu Hiên.

Theo PNCN