Nên tính giờ chơi hay tính điểm?
Kể từ năm 2003, game online đã bùng phát mạnh mẽ với khoảng gần 1 triệu người tham gia, trong đó, có sự góp mặt và khuếch trương của nhiều doanh nghiệp. Chính vì mới mẻ và phát triển nhanh như vậy nên khi soạn thảo thông tư quản lý game online, các nhà quản lý đã không biết áp dụng mô hình nào để quản lý giờ chơi của các game thủ.
Theo Ban soạn thảo, việc áp dụng nguyên mẫu mô hình khống chế 3 giờ chơi cho mỗi game thủ/ngày là chưa hiệu quả. Vì vậy, để hạn chế số giờ "luyện công" của game thủ, nên chăng cần có sự can thiệp của các nhà cung cấp game để người chơi chỉ có thể "hái" điểm trong vòng 3 giờ đầu tiên. Doanh nghiệp phải có biện pháp kỹ thuật quản lý giờ chơi cài tại các máy chủ cho phép mỗi tài khoản chỉ được chơi có tính điểm thưởng không quá 3 giờ một ngày.
Theo ý kiến của Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn (Bộ VH-TT), khống chế giờ chơi hay tính điểm đều có những mặt bất cập. Biện pháp hạn chế 3 giờ chơi như trên không thể hạn chế số giờ chơi của dân nghiền game. Một game thủ hoàn toàn có thể đăng ký nhiều tài khoản, chơi và luyện đồng thời nhiều nhân vật trong một game. Nếu trước đây game thủ dành khoảng 15 tiếng để luyện một nhân vật trong game, giờ họ có thể chuyển sang luyện lần lượt cho 5 nhân vật, mỗi nhân vật trong 3 tiếng.
Thứ hai, việc bất cập trong quy định giờ chơi là hiện ở nước ta có nhiều trò chơi trực tuyến hấp dẫn đã được phát hành, vì thế game thủ có thể chơi nhiều trò game trong một ngày. Nếu chia ra mỗi trò chơi trong vòng 3 tiếng; ít nhất mỗi game thủ vẫn có thể chơi mỗi ngày khoảng 10 giờ nhưng không sai quy định.
Việc có sự can thiệp của các nhà cung cấp game cũng được đưa ra xem xét. Thí dụ các game chỉ được mở từ 9 giờ sáng đến 21 giờ tối. Nhưng điều này cũng không khả thi vì như vậy, những người không có điều kiện chơi game ban ngày, chỉ dành được vài tiếng buổi tối sẽ bị thiệt thòi, hoặc game thủ đang ở nước ngoài (nhất là các đối tượng đang du học) có múi giờ ngược với Việt Nam sẽ khó có điều kiện chơi.
Nên công nhận tài sản "ảo" của gam online không?
Thứ trưởng Doãn khẳng định, quản lý game online như thế nào là vấn đề "đau đầu" nhất trong khi soạn thảo thông tư. Các doanh nghiệp muốn kinh doanh cung cấp loại hình giải trí trực tuyến game online nên quy định như thế nào? Có đưa các nội dung về các giấy phép của doanh nghiệp khi tham gia cung cấp trò chơi trực tuyến hay không?
Tiếp đó là các vấn đề: Việc xin phép mở trang web khi triển khai game, vấn đề chứng nhận về nội dung và kịch bản của game, giấy phép cung cấp dịch vụ ứng dụng Internet...
Các vấn đề này được các thành viên Ban soạn thảo cho biết, có thể các doanh nghiệp mong muốn càng đơn giản thủ tục càng tốt, song cơ quan quản lý vẫn phải đưa vào thông tư một số quy định cần thiết để xiết chặt hoạt động này. Mặc dù vậy, trong đó vẫn có một số điểm được nới lỏng như: Không đưa nội dung về thuế vào thông tư vì quản lý game thuần túy về nội dung, kỹ thuật và các vấn đề an ninh của loại hình này.
Vấn đề gây tranh cãi nhiều nhất của thông tư là có nên bảo hộ tài sản ảo trong game hay không? Tài sản ảo gồm: Các nhân vật, mũ, áo giáp, vũ khí tiền... trong game có được xem là một dạng tài sản hay không? Và ai sẽ đứng ra quản lý và chịu trách nhiệm giải quyết nếu xảy ra tranh chấp liên quan đến tài sản ảo đó?
Các game thủ trong khi tạo ra tài sản ảo đó cũng phải bỏ công sức trí tuệ, thời gian và cả tiền thật, nếu hoàn toàn buông nổi tài sản ảo này cũng không hợp lý. Thứ trưởng Doãn khẳng định: "Đây là vấn đề phức tạp, chưa có kết luận chính xác vì thế cần có văn bản cao hơn thông tư này, do các cơ quan chức năng cao hơn xem xét và đưa ra quyết định. Vì vậy hiện nay Ban soạn thảo chưa đưa nội dung bảo hộ tài sản ảo vào thông tư".
Cùng với sự phát triển của một thị trường giải trí mới và hấp dẫn, game online cũng có những phức tạp riêng của nó. Vì vậy quản lý thị trường này thế nào để có sự phát triển lành mạnh và mang lại nhiều lợi nhuận vẫn còn là bài toán làm đau đầu các nhà quản lý.
|