Tuyên truyền về phòng chống HIV/AIDS, có sự tham gia của người có HIV.
Trong những chuyến công tác về các địa phương, chúng tôi có dịp tiếp xúc với nhiều người mang số phận không may. Họ là những người mẹ cùng những đứa con lây nhiễm HIV. Những đứa trẻ vừa sinh ra đã mang mầm mống của sự kết thúc, vô hình bị tước đoạt quyền sống là những câu chuyện “không mới”, nhưng các em vẫn chưa có được sự quan tâm đúng mức của cộng đồng xã hội cũng như của cơ quan chức năng…
Chưa hết bàng hoàng đau đớn khi chồng đột ngột qua đời tại một bãi vàng ở Phước Sơn, chị V.T.S. (Tiên Phước) đã phải sống trong điều tiếng dị nghị bởi cái chết không rõ nguyên nhân của chồng. Ai cũng bảo chồng chị chết vì “sida”. Theo lời khuyên nhiều người, chị S. gửi đứa con mới sinh cho mẹ, bế đứa con đầu (3 tuổi) xuống Tam Kỳ xét nghiệm. Đất trời như đảo lộn khi chị nhận kết quả: cả hai mẹ con đều dương tính với HIV! Trở về trong thầm lặng, chị S. giấu mọi người. Chị sợ. Thế nhưng vẫn có vài người biết, rồi nhiều người biết. Những người đã từng nói cười với chị, thân thiết với chị, nựng nịu các con chị bắt đầu xầm xì bàn tán và xa lánh. Chị sống thủ phận, hằng ngày lặng lẽ ra đồng, lên rẫy, đến tối mới về. Không được chăm sóc đúng cách, hai đứa con chị cứ đau ốm luôn. Sợ sự kỳ thị của cộng đồng, chị S. không dám đưa con đến các cơ sở y tế chữa trị, chăm sóc nên sức đề kháng của hai con chị giảm dần. Và mới đây, đứa con đầu của chị S. đã qua đời.
Cuộc sống gia đình chị L.T.L. đang êm ấm tại Tp. Hồ Chí Minh, bỗng dưng chồng đổ bệnh rồi qua đời. Chị L. bồng đứa con gái mới 4 tuổi trở về quê ở Điện Bàn sinh sống. Sau khi làm xét nghiệm, biết mình và con nhiễm HIV, chị L. chán nản, buông xuôi. Nhờ bà con họ hàng và xóm giềng động viên chia sẻ nên chị vững lòng chăm lo cho đứa con gái bé bỏng. Chị L. còn được nhận vào làm công nhân cho một công ty giày da trong khu công nghiệp gần nhà. Mặc dù có tên trong danh sách người có HIV tại địa phương nhưng chị L. và người thân chưa nhận được nhiều sự tư vấn của cán bộ ngành chức năng, cũng không nhận được sự hỗ trợ về thuốc men... Cách tự điều trị lâu nay cho đứa con gái bé bỏng, theo như lời chị L., thấy bệnh gì nổi lên thì ra quầy thuốc tây mua loại thuốc trị bệnh đó về uống. Nhưng rồi các “bệnh cơ hội” ngày càng nhiều, sức khỏe của con gái chị L. giảm dần. Chị L. đưa con đến Bệnh viện Nhi Quảng Nam để chữa trị… Tuy nhiên, do sức khỏe yếu lại không được điều trị kịp thời nên đứa con gái bé bỏng của chị L. đã qua đời.
|
Giao lưu sinh hoạt nhân ngày Thế giới phòng chống HIV/AIDS. |
Ở xã T. huyện Duy Xuyên, ai cũng biết mẹ con chị N.T.E. đều có HIV do lây nhiễm từ người chồng, người cha đã mất. Năm học 2007-2008 là thời điểm N. (con gái chị E.) đến tuổi đi học mẫu giáo. Để giúp mọi người hiểu biết về HIV/AIDS, nhằm tránh sự kỳ thị và phân biệt đối xử của cộng đồng đối với bé N., cũng như những trẻ nhiễm HIV khác, Trung tâm Y tế dự phòng Quảng Nam tổ chức hội thảo về vấn đề sống chung với HIV/AIDS. Hội thảo có sự tham gia của chính quyền địa phương, cán bộ ngành giáo dục, y tế, hiệu trưởng, giáo viên và phụ huynh trường bé N. sẽ theo học. Hội thảo được tổ chức tại xã Tam Anh, huyện Núi Thành - nơi có em K. (12 tuổi) là người có HIV nhưng vẫn sống và học tập bình thường, không bị kỳ thị, phân biệt. Kết thúc hội thảo, các thành viên tham dự đều cam kết “Con chị E. sẽ được nhập học vào năm học mới”. Thế nhưng, trên thực tế bé N. vẫn không được đến trường do một số phụ huynh khác phản đối. Cuối cùng, nhà trường đành cử giáo viên đến nhà để dạy cho bé N. vào cuối tuần. Nhưng điều này cũng chỉ diễn ra được một thời gian ngắn, rồi thôi.
Nhìn thấy con gái chơi thui thủi một mình nơi góc sân nhà, thương con, chị E. bền bỉ đấu tranh. Và đầu học kỳ 2 này bé N. đã được đến trường học tập vui chơi cùng bè bạn, dù chỉ được… “mỗi tuần đến lớp một ngày”. Như thế, đối với mẹ con chị E. đã là niềm vui quá lớn.
Rõ ràng, trẻ có HIV ở các địa phương trong tỉnh chưa được cộng đồng xã hội dang rộng vòng tay cưu mang đùm bọc. Nguyên do là mọi người chưa nhận thức đầy đủ và đúng đắn về HIV/AIDS, cũng như việc "sống chung" với người có HIV. Chính vì thế, những người có HIV nói chung, trẻ em có HIV nói riêng, bị thiệt thòi quá lớn về mọi mặt; chưa được bảo vệ, được chăm sóc và đến trường học tập vui chơi... Các em không có được một môi trường sống như bao trẻ em khác, trước sự bất lực của gia đình, sự thiếu quan tâm của cơ quan chức năng, sự hờ hững của chính quyền địa phương và sự vô cảm của cộng đồng.
Đã đến lúc các cơ quan chức năng, các đoàn thể và chính quyền địa phương cần “chung tay góp sức” tuyên truyền vận động cộng đồng xã hội đối xử với người có HIV bằng tình thương và trách nhiệm để những đứa trẻ có HIV không còn phải sống một cuộc sống của tuổi thơ cô độc…
Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Quảng Nam, ông Trần Văn Hoàn: Đến cuối năm 2007, Quảng Nam có 432 người có HIV, trong đó có 13 trẻ em. Đã có 178 người chết, 201 người chuyển sang giai đoạn AIDS. Để người có HIV có tinh thần và niềm tin vui sống, thiết nghĩ, trước hết các cơ sở y tế cần xóa đi “khoảng cách”, tiếp nhận và điều trị những người có HIV như những bệnh nhân khác theo quy định của pháp luật. Các cơ quan chức năng cần mở rộng tuyên truyền kiến thức về HIV/AIDS, chống kỳ thị, phân biệt đối xử với người có HIV/AIDS… |
LÊ VŨ - THU TRANG - Báo Quảng Nam
▪ Và để rồi càng đạp thấy càng hăng… (15/07/2008)
▪ Đằng sau nụ cười (14/07/2008)
▪ “Hành trình xanh” đến Huế (12/07/2008)
▪ ấn tượng về hoạt động cộng đồng của giới trẻ Mỹ (12/07/2008)
▪ Nơi ma túy đi qua (07/07/2008)
▪ Kỳ thị-nhức nhối hơn nỗi đau về bệnh tật (04/07/2008)
▪ “Thay vì mình đi chơi…” (04/07/2008)
▪ Quà tặng cuộc sống của "Cô gái thủy tinh" (04/07/2008)
▪ Nơi cuộc sống được tính bằng ngày (02/07/2008)
▪ Thung lũng của những người nhiễm AIDS (01/07/2008)