Cạnh tranh thị trường di động: Sóng ngầm đã nổi
Các Website khác - 22/03/2006
Cạnh tranh thị trường viễn thông di động:
Sóng ngầm đã nổi
Phạm Anh


S-Fone tung ra gói cước mới và đề nghị cho áp dụng giá cước block 1 giây. E-Mobile ra mắt mạng 096 với nhiều gói cước ưu đãi. Tuy bị khống chế nhưng VinaPhone, MobiFone cũng biết lách bằng cách khuyến mãi, thực chất cũng là giảm giá cước. Ngoài ra, các dịch vụ gia tăng (DVGT) mới cũng đang là tâm điểm của cuộc cạnh tranh giữa các mạng di động.

Cú điểm hoả của S-Fone
Báo Lao Động đã có bài phân tích xu hướng cạnh tranh của thị trường viễn thông di động (VTDĐ) năm 2006, trong đó trọng tâm vẫn là giá cước. Đúng như dự đoán, cuộc chiến đã bắt đầu sau cú điểm hoả của S-Fone.

Ngày 13.3 với gói cước Forever, S-Fone đã gây sốc khi áp dụng cách tính mới đối với thuê bao trả trước chỉ với 270đ/block 6 giây. Đặc biệt, chỉ cần 100.000đ tài khoản và kích hoạt 1 cuộc gọi, khách hàng có thể nhận cuộc gọi không hạn chế thời gian, miễn là tài khoản còn tiền.

Ngoài ra, S-Fone cũng cho phép chuyển đổi từ gói cước khác sang với thủ tục rất đơn giản. Nhưng, còn sốc hơn thế khi S-Fone chính thức đề nghị Bộ BCVT cho phép tính cước theo block 1 giây.
Tuy nhiên, cú điểm hoả của S-Fone thực chất chỉ là biện pháp đối phó với E-Mobile - mạng di động mới 096.

Được chuẩn bị rất kỹ lưỡng, E-Mobile là một đại gia mới trong thị trường VTDĐ mà đối thủ trực tiếp là S-Fone có cùng công nghệ CDMA. Dù khoác chiếc áo "thử nghiệm", song E-Mobile rất tự tin bởi khách hàng có thể đăng ký sử dụng dịch vụ 096 ở 64 tỉnh, thành phố.

Tuy nhiên, trọng tâm của E-Mobile vẫn là giá cước. Để tăng khả năng cạnh tranh của mạng di động này, E-Mobile đưa ra giá cước thấp nhất so với các mạng di động khác. Cụ thể cước liên lạc sẽ chỉ ở mức 100đ/block nội mạng và 130đ/block ngoài mạng.

Cuốn theo chiều... cước
Theo quy định của Bộ BCVT: Chỉ khi các nhà CCDV ngoài VinaPhone và MobiFone đạt mức 30% thị phần, Bộ BCVT mới tính toán đến các phương án giá cước mới. Điều này đồng nghĩa với việc hai đại gia đang chiếm thị phần khống chế này bị kiểm soát về giá cước. Tuy nhiên, một mặt đề nghị Bộ BCVT cho phép chủ động giá cước - mục tiêu là giảm cước, mặt khác, 2 đại gia này tìm cách lách bằng các hình thức khuyến mãi.

Cụ thể VinaPhone lần đầu tiên trong hoạt động kinh doanh của mình đưa ra chương trình nhân đôi tài khoản cho tất cả các khách hàng hoà mạng mới trả trước. Đây thực chất là đòn giảm giá...

Ngay lập tức, MobiFone cũng khuyến mãi mang tính giảm cước cho khách hàng bằng cách nhân đôi tài khoản cho các bộ kit 75.000 đồng; tặng 30% cho thẻ nạp tiền tiếp theo.

Hơi chậm nhưng khá chủ động, chiều 20.3 Viettel tiết lộ trong tháng 3 này cũng sẽ khuyến mãi cho khách hàng. Ngoài ra, cuộc chiến về DVGT cũng đã được khai hoả. MobiFone roaming quốc tế nhắn tin và gọi quốc tế; E-Mobile và S-Fone chuẩn bị cho kết nối Internet, kết nối truyền hình, Viettel cho phép nhắn tin qua Yahoo! Massenger...

Lợi bất cập hại
Tất cả những nhà CCDV đều nhận thấy biện pháp giảm cước hiện tại là lợi bất cập hại. Ví như S-Fone, việc tung ra gói cước Forever là mạo hiểm bởi họ phải phục vụ khách hàng nghe cuộc gọi mà không thu được 1 đồng cước nào.

Với VinaPhone và MobiFone thì cho rằng đó chỉ là giải pháp níu chân khách. Còn E-Mobile thì thừa nhận đó là giải pháp tạo thương hiệu. Còn đối với khách hàng, việc tuỳ chọn dùng 2, thậm chí là 3 mạng khác nhau đã trở thành xu thế. Điều này vô hình trung còn tạo sức ép đối với các nhà CCDV về chi phí kho số, thiết bị...