Chưa tìm được tiếng nói chung
Các Website khác - 23/01/2006
Ngành than lại đề nghị tăng giá:
Chưa tìm được tiếng nói chung

Xuất khẩu than ở nhà sàng
than Cửa Ông, Quảng Ninh.
ừ đầu năm đến nay, ngành than vẫn chưa ký được hợp đồng cung ứng than dài hạn cho các hộ tiêu thụ than nội địa, do chưa có giá bán mới. Ngành này đang tiếp tục kiến nghị Thủ tướng cho phép được thực hiện giá mới trong tháng 1 hoặc tháng 2.2006 theo nguyên tắc bù đắp được chi phí sản xuất, đưa giá bán trong nước tiếp cận giá thành.


DN tiêu thụ than: Khó chấp nhận tăng giá
Ông Phạm Thanh Hoàng - Phó Tổng Giám đốc TCty Hoá chất VN (Vinachem) - cho rằng, trong điều kiện hiện nay, đề nghị tăng giá của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản VN (TKV) là khó chấp nhận được, dù là cơ chế thị trường.

Còn GĐ Cty phân đạm và hoá chất Hà Bắc (thuộc Vinachem) Nguyễn Anh Dũng phân trần: "Kế hoạch năm 2006, PĐ&HC Hà Bắc cần mua 200.000 tấn than cục và 240.000 tấn than cám với tổng giá trị gần 200 tỉ đồng. Khi giá than tăng 1% thì chi phí sản xuất của Cty sẽ tăng thêm gần 2 tỉ đồng. Nếu giá than mới đề nghị của TKV được áp dụng thì dự kiến năm 2006, PĐ&HC Hà Bắc sẽ chuyển từ DN làm ăn có lãi sang thua lỗ với số lỗ ước tính lên tới 17 tỉ đồng".

Mức tăng giá than đối với phân lân nung chảy của TCty còn khủng khiếp hơn, với dự kiến tới 50%. GĐ Cty CP phân lân Ninh Bình Phạm Mạnh Ninh than thở: "Với đề xuất giá than cho lân nung chảy lên tới 920.000đ/tấn thì giá bán phân lân nung chảy sẽ tăng tương ứng là 75.000đ/tấn, tổng số sẽ phải chi phí tăng thêm 30,11 tỉ đồng (cho 410.000 tấn than). Trong khi đó, đối tượng tiêu thụ lân nung chảy là dân ở những vùng còn khó khăn, sẵn sàng giảm sử dụng hoặc bỏ hẳn loại phân bón này".

Các DN sản xuất ximăng lò đứng (XMLĐ) cũng đang "rối như tơ vò". Hiện chưa tăng giá than thì các nhà máy đã không còn lợi nhuận, nhiều nhà máy thua lỗ vì giá bán không tăng. Nếu tăng giá than, nhiều DN quả quyết chỉ còn nước phá sản.

Ngành than: Gặp khó nếu không tăng giá
Theo ông Nguyễn Văn Biên - Trưởng ban Kế hoạch và Kiểm soát chi phí TKV, việc tăng giá than nằm trong lộ trình của TKV, mà trong cả năm 2005, thực hiện chủ trương của Chính phủ về bình ổn giá cả thị trường trong nước, TKV đã phải kiềm chế không tăng giá bán. Việc kiềm chế này đang đẩy chính ngành than vào tình huống khó khăn khi mỗi năm cần đầu tư trên 7.000 tỉ đồng để tăng năng lực sản xuất.

Do không được tăng giá than, trong khi giá bán than cho các hộ tiêu thụ hiện thấp hơn giá thành nên ngành đang phải lấy lãi than xuất khẩu bù giá than nội địa. Năm 2005, giá bán than bình quân vào 4 hộ tiêu thụ than là điện, ximăng, giấy, phân bón là 331.000đ/tấn, nhưng giá thành các loại than này là 415.000đ/tấn, tổng cộng ngành giảm doanh thu là -811 tỉ đồng.

Vấn đề là làm thế nào tìm được tiếng nói chung, khi bài toán kinh tế được đặt ra không chỉ với riêng một ngành sản xuất đơn lẻ nào mà ngành này tác động tương hỗ đến ngành kia và tạo ra đòn bẩy để phát triển. Trong hoàn cảnh các DN dù "yếu" cũng không thể "tránh gió" thì việc cọ xát với giá cả "đầu vào" tăng, giảm theo cơ chế thị trường, nên chăng là việc phải thích nghi từ bây giờ, không thể trông chờ sự trợ giúp từ Chính phủ như lâu nay các DN vẫn hô hào... Hồng Quân

Chiều ngày 20.1, ông Nguyễn Tiến Thoả - Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) - cho biết, trong tháng 1 và 2 năm nay tạm thời chưa hiệp thương về giá than. Tuy nhiên, các hộ tiêu thụ than nêu trên chỉ chiếm khoảng 30% tổng khối lượng tiêu thụ than, 70% lượng than còn lại, ngành than đã thực hiện theo giá thị trường. Việc hiệp thương tới đây phải đảm bảo nguyên tắc các ngành hạch toán đúng, đủ chi phí, xoá bỏ bao cấp.