Làm ôtô: Không cấm cũng chẳng khuyến khích
Các Website khác - 20/01/2006

Bộ Công nghiệp vừa khuyến cáo UBND các địa phương ngừng xem xét các dự án đầu tư mới vào sản xuất ôtô nhằm tránh tình trạng cung tiếp tục "bỏ xa" cầu. Thứ trưởng Bộ Công nghiệp Đỗ Hữu Hào khẳng định, Bộ không khuyến khích nhưng ai muốn làm thì cứ đầu tư.

- Đây đâu phải là lần đầu tiên Bộ Công nghiệp khuyến cáo các địa phương trong vấn đề này, thưa ông?

- Trước đây, Bộ Công nghiệp đã có cảnh báo nhưng chỉ theo hướng không khuyến khích, vả lại, hồi đó chưa có nhiều doanh nghiệp làm ôtô như hiện nay. Nhưng khuyến cáo mãi rồi mà vẫn thấy doanh nghiệp đổ xô vào làm ôtô nên lần này, chúng tôi khuyến cáo mạnh mẽ hơn theo hướng "ngừng xem xét".

- Ngoài 34 doanh nghiệp đã được tiến hành "hậu kiểm" còn bao nhiêu doanh nghiệp nữa muốn làm ôtô thưa ông?

- Ngoài số doanh nghiệp đã được UBND các tỉnh xác nhận và sau đó được đoàn "hậu kiểm" kiểm tra. Hiện có khoảng một chục doanh nghiệp mới đang ráo tiết đầu tư, mặc dù chưa được nơi nào công nhận đạt tiêu chuẩn 115 (quy định tiêu chuẩn doanh nghiệp sản xuất và lắp ráp ôtô). Xem chừng, doanh nghiệp vẫn còn háo hức với lĩnh vực này.

- Khuyến nghị "ngừng xem xét" các dự án ôtô mới này có vi phạm Luật Doanh nghiệp không, nhất là khi ôtô là lĩnh vực được quy hoạch mở?

- Tôi cho là không vi phạm. Không khuyến khích nhưng ai muốn làm và có điều kiện làm thì cứ đầu tư. Trên thực tế, cung đã vượt cầu và để tránh cho doanh nghiệp khỏi lãng phí vốn đầu tư và tạo ra sự cạnh tranh không cần thiết nên Bộ Công nghiệp đưa ra khuyến cáo này. Sẽ tới thời điểm, các doanh nghiệp tự động phải sắp xếp và thu hẹp dần.

- Ông đánh giá thế nào về xu hướng tiếp tục "đổ xô" vào sản xuất ôtô như hiện nay?

- Có doanh nghiệp tính toán một cách đơn giản là đầu tư vào lắp ráp thì cần tồn tại 4-5 năm với mức thuế hiện tại và được bảo hộ về nhập khẩu như hiện nay là sẽ thu hồi được vốn tồi có thể chuyển sang lĩnh vực khác. Đó là chưa kể các thông số như cần thay thế 50.000 xe công nông, 20.000 xe tải, xe buýt quá niên hạn. Nhưng nếu chỉ đơn thuần dựa vào các thông số đó thì sẽ không đủ vì thực tế hiện nay, cầu đã chững lại trong khi cung đã quá cao.

Trong khi đó, đầu tư vào sản xuất ôtô bài bản cũng cần tới 15-20 ha đất và khoảng 300-400 tỷ đồng. Trên thực tế, các doanh nghiệp nhăm nhe đầu tư vào ôtô hiện nay xem ra đang làm theo "phong trào" thiếu tính toán cụ thể.

- Liệu có phải do doanh nghiệp thấy đầu tư vào đây quá dễ dàng bởi quy định tiêu chuẩn đối với doanh nghiệp lắp ráp ôtô có đưa ra nhưng rốt cuộc "hậu kiểm" xong cũng chẳng ai bị gạt khỏi cuộc chơi?

- Thực ra, tiêu chuẩn 115 không phải là để quyết định loại bỏ doanh nghiệp này hay doanh nghiệp kia mà thực chất chỉ để kiểm tra xem doanh nghiệp còn thiếu sót gì thì khuyến cáo đầu tư thêm.

Cũng không nhất thiết phải công bố rộng rãi cho tất cả. Khi làm việc với từng doanh nghiệp, đoàn kiểm tra đều có biên bản công khai cho UBND địa phương và doanh nghiệp biết. Nhưng đó chỉ là biên bản chứ không phải là văn bản có tính pháp lý và người tiêu dùng không biết doanh nghiệp nào làm tốt để lựa chọn. Bộ Công nghiệp đã có ý kiến ngay là doanh nghiệp nào chưa đầu tư đủ thì phải đầu tư bổ sung rồi mới được làm tiếp.

- Thực tế cho thấy, có địa phương đã sẵn sàng "du di" cho doanh nghiệp để được "tiếng tốt"?

- Nếu giám sát hoặc xác nhận thì còn một cửa nên quản chặt là đăng kiểm, với việc kiểm tra cuối cùng chất lượng xe có đạt tiêu chuẩn 115 hay không. Dù sản phẩm này được sản xuất trong điều kiện cơ sở vật chất có thể chưa đáp ứng được tiêu chuẩn 115 nhưng vẫn được cơ quan đăng kiểm tiến hành đăng kiểm thì việc làm này sẽ quan trọng. Tiêu chuẩn 115 chỉ là điều kiện cần còn đăng kiểm mới là điều kiện đủ. Tiêu chuẩn 115 nhằm tạo ra những doanh nghiệp có khả năng cạnh tranh một cách lâu dài với quy mô lớn chứ không phải làm làm ăn manh mún như bấy lâu.

- Trong số 34 doanh nghiệp đã "hậu kiểm" thì có 21 doanh nghiệp được đánh giá không đạt tiêu chuẩn nhưng thực tế họ vẫn sản xuất, nhập khẩu và bán xe mà không cần đầu tư gì thêm...?

- Điều này hoàn toàn không đúng. Nhờ có tiêu chuẩn 115 mà các doanh nghiệp đã đầu tư nghiêm tục hơn nhiều. Một số doanh nghiệp chưa đạt đã cấp tốc đầu tư. Bản thân tôi đã đi xem một số doanh nghiệp và thấy họ có ý thức đầu tư rõ ràng. Chỉ có một số doanh nghiệp chưa xử lý được do có những khó khăn nội tại như chưa xin được đất để di dời chưa vay được vốn để đầu tư...

- Theo ông, có nên tồn tại những doanh nghiệp như vậy không?

- Nếu không đầu tư tiếp thì không đạt và không cho làm nữa nhưng khi hậu kiểm họ đều hứa là đến ngày 31/12/2005 sẽ hoàn tất việc đầu tư bổ sung. Báo cáo của UBND tỉnh cũng cho thấy, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư bổ sung xong.

(Theo Đầu Tư)