Tết này người tiêu dùng sẽ "chuộng" ăn trứng?
Các Website khác - 10/01/2009
Dự báo xu hướng tiêu dùng năm nay có thể người tiêu dùng sẽ tăng cường mua trứng thay cho các mặt hàng thực phẩm khác để ăn Tết. Nguyên nhân là do kinh tế khó khăn và người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu.
Mới đây, Sở Công thương TP.HCM đã có buổi làm việc với chín doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường Tết. Tại buổi gặp mặt này, một số doanh nghiệp đã báo cáo tình hình sức mua cũng như dự kiến xu hướng tiêu dùng Tết năm nay. Theo các doanh nghiệp, sức mua của các mặt hàng thực phẩm sẽ giảm, riêng mặt hàng trứng sức mua có thể tăng so với mọi năm.

Tăng mua trứng

Sức mua trứng cuối năm có thể tăng mạnh. (Ảnh minh họa)

 
Theo ông Phạm Thanh Hùng - Phó Giám đốc Công ty TNHH Ba Huân, dự kiến sức mua trứng trong Tết năm nay ở công ty này có phần tăng so với mọi năm. Cụ thể là sức mua có thể tăng thêm khoảng 10% so với năm ngoái. Riêng về giá của mặt hàng này thì Công ty Ba Huân cũng khẳng định mức giá năm nay sẽ bằng năm ngoái, không hề có chuyện tăng giá.

Trong khi đó, đối với các mặt hàng như gạo, thịt, thực phẩm chế biến... thì các doanh nghiệp đều phải phàn nàn về việc sức mua đều giảm. Đại diện của Công ty Thực phẩm Công nghệ Sài Gòn nhận định, đối với mặt hàng dầu ăn, đường thì sức mua có thể giảm mạnh từ 20% đến 30% so với năm ngoái. Ngay cả Saigon Co.op cũng dự báo sức mua của các mặt hàng ở siêu thị đều giảm khoảng 10% so với Tết 2008.

Từ đây, theo một cán bộ Sở Công thương thì dự báo xu hướng tiêu dùng năm nay có thể người tiêu dùng sẽ tăng cường mua trứng thay cho các mặt hàng thực phẩm khác để ăn Tết. Nguyên nhân là do kinh tế khó khăn và người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu.

Bàn về mức giá của các mặt hàng thực phẩm thiết yếu trong dịp Tết, các doanh nghiệp cho rằng mức giá của các mặt hàng đều ổn định, không tăng giá. Riêng mặt hàng gà ta, gà thả vườn giá lại bắt đầu tăng mạnh và có thể khan nguồn.

Ông Phạm Văn Minh, Giám đốc Công ty TNHH Phú An Sinh, cho biết hiện các loại gà ta, gà thả vườn đang trong tình trạng “cháy” hàng. Nguyên nhân là do một thời gian dài người chăn nuôi bị lỗ nên bỏ chuồng trại nhiều. Cụ thể là giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng của mặt hàng gà thả vườn hiện đã lên tới gần 60.000 đồng/kg, siêu thị 58.000 đồng/kg. Dự báo những ngày cận Tết, giá gà ta thả đất có thể lên tới 110-130 ngàn đồng/kg, gà ta nuôi lưới 100-110 ngàn đồng/kg...

“Tuy nhiên, với mức giá thấp hơn 10% khi tham gia chương trình bình ổn Tết thì Công ty Phú An Sinh khẳng định trong thời gian này sẽ bán từ 52.000 đến 54.000 đồng/kg đối với gà thả vườn, từ 92.000 đến 94.000 đồng/kg đối với gà ta” - ông Minh cho biết.

Càng về những ngày cuối năm thì một số doanh nghiệp càng tỏ ra lo ngại nếu không chủ động hệ thống phân phối bán lẻ thì giá đến tay người tiêu dùng có thể vẫn bị đắt. Lý do là một số tiểu thương sẽ gom hết hàng giá rẻ và bán lại cho người tiêu dùng với giá cao.

Từ đây, yêu cầu đặt ra cho các doanh nghiệp là ngoài việc có nguồn hàng, chính sách về giá, còn phải có một hệ thống phân phối tốt để người tiêu dùng được mua giá tốt nhất.

Giá thấp hơn thị trường 10%: Lấy mốc nào làm chuẩn?

Trong các văn bản gửi cho chín doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn giá, UBND TP nhấn mạnh mức giá mà các doanh nghiệp bán hàng ra sẽ thấp hơn thị trường 10%. Nhiều doanh nghiệp vẫn tỏ ra băn khoăn về tiêu chí 10% này. Bởi nếu xét thị trường là các chợ lẻ thì các doanh nghiệp cho rằng họ đã thấp hơn từ rất lâu rồi chứ không phải đến chương trình bình ổn mới thấp hơn.

Thậm chí việc kiểm tra áp dụng giá bán của doanh nghiệp cũng rất khó để xác định là doanh nghiệp có làm đúng như cam kết hay không. Bởi có thể doanh nghiệp để giá với mức rất thấp nhưng thực tế sản phẩm đó chất lượng không đạt tiêu chuẩn...

Ông Phạm Thanh Hùng, Phó Giám đốc Công ty TNHH Ba Huân, cho rằng giá thị trường ở đây tức là giá của những mặt hàng cùng ngành hàng, cùng đẳng cấp và đặc biệt là cùng đảm bảo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, cũng theo ông Hùng thì chương trình không nên đặt nặng tiêu chí 10%. Bởi nhiều khi tư thương đội giá lên cao vào dịp cuối năm thì có những lúc doanh nghiệp phải giảm giá tới 20%-30% để bình ổn chứ không chỉ là 10% nữa. Vì vậy, điều quan trọng là doanh nghiệp tham gia nhằm bình ổn giá chứ không phải là ghìm giá.

Bàn về vấn đề này, theo một cán bộ Sở Công thương thì giá của các doanh nghiệp tham gia phải so với cùng mặt bằng, chủng loại, kiểm soát được về an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, tiêu chí này cũng chỉ mang tính chất tương đối và chưa phải là tiêu chí quan trọng nhất của chương trình bình ổn lần này. 

Theo Giadinh.net