(VietNamNet) - Có người cho rằng: ''Người ta phải có 'tích' mới ra ''trò''. Còn Lê Hùng thì toàn lấy 'trò' lấp 'tích' - đây có phải là đặc điểm nổi bật của ông không? Vì sao?. VietNamNet đã có cuộc trao đổi với NSƯT Lê Hùng - người đạo diễn có số lượng tác phẩm nhiều nhất trong Hội diễn sân khấu kịch nói toàn quốc 2004.
PV:
- Đạo diễn 6 trong số 15 vở kịch tham gia Hội diễn sân khấu toàn quốc - con số mà nhiều đạo diễn mơ ước. Thời gian để dựng những tác phẩm này không nhiều, ông lấy cảm xúc và sức sáng tạo ở đâu để trong một thời gian ngắn có thể làm được điều này?NSƯT Lê Hùng: Hàng năm, tôi thường làm từ 18 - 20 vở. Số vở này được rải ra trong 12 tháng, có khi 2 tháng 3 vở. Đợt hội diễn này có tổng số 10 đoàn mời tôi làm đạo diễn (từ chối mãi thì còn 6 đoàn). Tôi bắt tay vào làm từ tháng 5 đến bây giờ là tháng 10 - như vậy là 5 tháng 6 vở thì có gì ghê gớm đâu, chẳng qua là ồ ạt dồn về cùng một thời điểm.
Còn cảm xúc và sức sáng tạo ở đâu thì cũng không biết nữa. Chỉ biết là 10 năm nay rồi, kể từ khi học ở nước ngoài về, Lê Hùng cứ không làm là ốm. Nên chỉ biết làm và làm. Chính vì thế mà việc Lê Hùng có nhiều tác phẩm tham gia hội diễn cũng là bình thường, thậm chí điều này cũng đã quá quen với BGK - có khác chăng là do năm nay, những tác phẩm tham gia hội diễn phải là những tác phẩm mới.
Trong Hội diễn năm 1990, ngay đợt 1, Lê Hùng đã có 5 vở (Doãn Hoàng Giang 4 vở). Hội diễn năm 1995, ngay đợt 1, Lê Hùng cũng làm 5 vở - trong tổng số 15 vở. Đợt 4 tổ chức tại Hà Nội, Lê Hùng làm 9 vở - trên tổng số 18 vở. Hội diễn sân khấu chèo năm 2000, Lê Hùng cũng làm 5 vở - trên tổng số 15 vở. Như vậy 10 năm nay rồi, trong bất kỳ hội diễn nào Lê Hùng cũng làm nhiều nhất.
- Tác phẩm của Lê Hùng luôn được coi là có dấu ấn sáng tạo rõ nét, thế nhưng đã bao giờ ông nhận thấy sự lặp lại trong các tác phẩm của mình chưa? Và trong Hội diễn này, các đơn vị không sợ bị ảnh hưởng tới thành tích khi mà có quá nhiều tác phẩm do cùng một đạo diễn thể hiện sao?
- Chắc sẽ không tránh khỏi những ảnh hưởng khi làm nhiều tác phẩm cùng lúc. Nhưng sự lặp lại thì chắc không thể có bởi trong mỗi tác phẩm của Lê Hùng đều có một dạng, một hình thức biểu đạt khác nhau và chi tiết đến mức vở nào đi vở nấy, không hề giống nhau. Ví dụ trong Hội diễn lần này, có 3 vở của 3 đoàn khác nhau đều có yếu tố con thuyền. Nhưng không con thuyền nào giống con thuyền nào. Nếu ở ''Con thuyền chở linh hồn'' của Nhà hát Kịch Việt Nam là một con thuyền trở linh hồn thì trên sân khấu hiện lên những con thuyền giấy lấp lánh, bồng bềnh như trong giấc mơ. Còn ở "Ngoại phạm" của Nhà hát Tuổi trẻ có một con thuyền thật, một con thuyền lớn bay giữa bầu trời. Đến con thuyền của đoàn kịch Hải Phòng - ''Như một huyền thoại'' - lại là một con thuyền khác hẳn, một con thuyền do con người tạo nên, một con thuyền trở đồng đội mình qua sông làm nhiệm vụ...
Đối với các đoàn, thực ra họ đều biết nhau, biết đoàn nào sẽ mời Lê Hùng và Lê Hùng sẽ làm cho đoàn nào. Thế nhưng họ vẫn cứ mời.
- Có ý kiến cho rằng: ''Người ta phải có ''tích'' mới ra ''trò''. Còn Lê Hùng thì toàn lấy ''trò'' lấp ''tích''. Ông nghĩ sao về điều này?
- Trò nào thì cũng phải xuất phát từ kịch bản. Nhưng có những kịch bản quá yếu thì phải lấy trò để mà ''lấp'' chứ. Ví dụ trong ''Bệnh nói nhiều'' trên Gặp nhau cuối tuần của VTV3, Lê Hùng đã phải nghĩ ra cả một lớp trò 30 phút chỉ để truyền tải có 3 câu như: ''Phải biết mình là ai chứ...'' qua phát ngôn của một anh chàng có bệnh nói nhiều, bị vợ đánh, đưa vào trại điều dưỡng... Đây rõ ràng là một cái ''tích'' tưởng tượng và chỉ kể ba câu là hết chuyện nhưng nếu không có những ''trò'' đáng xem thì làm sao khán giả hiểu và chấp nhận được 3 câu nói trên. Hơn nữa, đến với sân khấu, người ta còn đến để nghe lời thoại. Nghệ thuật của sân khấu là sự kết hợp của thị giác và thính giác cơ mà. Các cụ ngày xưa từng nói: ''Đi xem trò'' đấy thôi...
- Ông có suy nghĩ, đánh giá gì về những điểm mới trong hội diễn lần này?
- Chắc chắn Ban giám khảo cũng sẽ chọn ra được vở hay nhất của hội diễn. Nhưng có điều chúng ta đang lẫn lộn giữa hai khái niệm là festival (hội diễn) và concours (cuộc thi). Nếu là hội diễn thì có thể trao giải cho diễn viên, còn nếu để thi thố giữa các đoàn thì phải tổ chức một cuộc thi thực sự. Cá nhân tôi mong muốn rằng: Nếu được thì chúng ta nên tổ chức cho tất cả các đoàn cùng dựng một vở như Romeo và Juliet chẳng hạn, bên cạnh đó dựng thêm một vở phụ để có thể so sánh công bằng. Còn như bây giờ, mỗi đoàn một vở, ông thì chảo, ông thì bát, ông thì xoong... vậy biết nói là cái nào tốt, cái nào không tốt được.
Thục Nhi (thực hiện)
▪ Bốn kiểu chải tóc và trang điểm cô dâu (24/07/2004)
▪ Đôi điều cần biết trước khi nhuộm tóc (18/10/2004)
▪ Để có đôi vai thon mảnh (15/10/2004)
▪ Những điều chưa biết về dầu xả (13/10/2004)
▪ Quần lót cho nam giới (30/09/2004)
▪ Phái nam làm đẹp (28/09/2004)
▪ Trang điểm dạ tiệc (24/09/2004)
▪ Tư vấn tẩy trang (24/09/2004)
▪ Tám bí quyết trang điểm (22/09/2004)
▪ Đại diện Colombia đăng quang (18/10/2004)