Các kiểu “ăn bẩn” của Lê Bảo Quốc
Các Website khác - 03/01/2006
Chỉ mới ở giai đoạn một của cuộc điều tra, luật sư Lê Bảo Quốc đã lộ rõ chân tướng là một “vua lừa siêu cấp”! Khoảng 4,8 tỷ đồng và gần 70.000 USD của hàng chục nạn nhân đã lọt vào túi y bằng nhiều cách khác nhau…
Lừa từ trong nhà, lừa ra khắp xứ

Cuối năm 2004, khi đọc bài trên một tờ báo lớn của TP Hồ Chí Minh viết về phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ tranh chấp quyền sử dụng đất giữa bà Trần Thị Ngọc (là nguyên đơn, được xử thắng kiện) và bà Ngô Thị Đăng Nam (bị đơn), Quốc đã gọi cho phóng viên viết bài để hỏi xin số điện thoại của bà Nam. Sau đó, Quốc trực tiếp gặp bà Nam nhiều lần để xin được làm người bảo vệ quyền lợi nhưng bà Nam từ chối. Không bỏ cuộc, Quốc tiếp tục tìm gặp bà Nam, tự giới thiệu về mối quan hệ của y với nhiều người ở các cơ quan tư pháp và gợi ý nếu bà Nam vẫn bị tòa phúc thẩm xử thua kiện thì y sẽ giúp đỡ.

Trong thời gian này, “vua lừa” thường xuyên đưa bạn bè đến nhà hàng của bà Nam ở quận Bình Thạnh ăn nhậu “hoành tráng” và trở thành khách sộp nơi đây. Y mời bà Nam đến nhà chơi (ở đường Lý Thường Kiệt, quận Tân Bình) và đưa đi tham quan khắp nơi trong nhà để giới thiệu các vật dụng, đồ trang trí sang trọng, đắt tiền.

Tháng 1-2005, Quốc “giật bẫy” hỏi mượn bà Nam 500 triệu đồng, hẹn cuối tháng 2 sẽ trả. Thấy y là người giàu có, bà Nam đồng ý nhưng yêu cầu phải có tài sản thế chấp. Quốc liền viết giấy tay bán cho bà Nam chiếc ô tô BMW biển số 52X – 4106 với giá 500 triệu đồng và đưa giấy chứng nhận đăng ký chiếc xe trên cho bà giữ. Sau khi “ẵm” được tiền, y lặn mất tăm. Đến ngày Quốc bị bắt, bà Nam tố cáo vụ việc, nộp giấy tờ xe cho cơ quan điều tra và tá hỏa khi kết quả giám định cho biết đó là giấy giả.

Vậy chiếc BMW là của ai? “Khổ chủ” của chiếc xe này là chủ một salon ô tô ở quận 5.

Tháng 3-2004, ông bán cho Quốc chiếc xe trên với giá 44.000 USD theo phương thức trả góp. Quốc chỉ mới trả được phân nửa rồi đánh bài lờ, còn thiếu ông 22.000 USD. Về giấy Chứng nhận đăng ký xe giả, Quốc khai nhờ “cò” làm với giá 4 triệu đồng để đối phó với… vợ, vì không nói với vợ là xe mua trả góp!

Vì sao Quốc có công văn hoãn thi hành án?

Qua vụ mượn 500 triệu đồng, biết bà Nam không dễ đưa tiền, Quốc chuyển hướng sang lừa bên nguyên đơn là bà Ngọc. Như bạn đọc đã biết, Quốc đưa công văn yêu cầu hoãn thi hành án của Tòa án Nhân dân tối cao ra “hù”, yêu cầu bà Ngọc phải chi 3 tỷ đồng để y dàn xếp cho êm vụ này. Khi Quốc bị bắt quả tang, câu hỏi lớn nhất mà dư luận đặt ra là bằng cách nào Quốc có công văn hoãn thi hành án trong khi ngay chính đương sự cũng chưa nhận được?

Theo kết quả điều tra ban đầu, chính một thư ký của Tòa phúc thẩm TANDTC tại TPHCM là người cung cấp cho Quốc văn bản này. Cuối tháng 5-2005, ông C. (thư ký tòa) gọi điện báo cho Quốc biết là vụ án dân sự của bà Ngọc, bà Nam đã có công văn hoãn thi hành án. Theo lời khai của Quốc, y hỏi xin một bản photo, ông C. đồng ý và xin lại Quốc một triệu đồng! Quốc giao cho tài xế của mình là Lê Đức Tuân 500.000 đồng, đến trụ sở tòa gặp ông C. đưa tiền và “nhận hàng”. Được biết, ông C. chỉ thừa nhận có đưa cho Tuân một bản photo công văn hoãn thi hành án và không thừa nhận việc nhận tiền. Là luật sư, Quốc thừa hiểu rất bất lợi cho y nếu khai về việc đưa tiền để lấy văn bản (và thực tế, Quốc, Tuân đã bị khởi tố về tội “đưa hối lộ”) nên dư luận cho rằng Quốc khó có thể tự bịa đặt ra tình tiết này.

Thói quen “ăn hai đầu”

Không chỉ ở vụ án nói trên, “ăn hai đầu” là thói quen của “vị” luật sư chuyên chạy án này. Theo bản án phúc thẩm của TAND TP Hồ Chí Minh, ông T.V.Đạo không được công nhận việc mua một phần căn nhà số 156 Trần Quang Khải (quận 1) của ông N.V.Trung. Lê Bảo Quốc đã tìm đến người quen của ông Đạo đặt vấn đề: Quốc bảo đảm lo được TAND tối cao ra kháng nghị hủy bản án phúc thẩm nói trên, xét xử giám đốc thẩm và đạt được một bản án theo hướng công nhận hợp đồng mua bán một phần căn nhà. “Phí dịch vụ” do Quốc đưa ra là 500 triệu đồng. Sau khi ký hợp đồng dịch vụ pháp lý, nhận đủ số tiền, Quốc hứa TANDTC sẽ ra kháng nghị trước Tết Âm lịch. Quốc khai rằng sau khi nhận tiền, y chỉ làm đơn kêu cứu khẩn cấp gởi TANDTC chứ không làm một việc gì khác.

Ngày 21-2-2005 (tức mùng 13 tháng giêng âm lịch), TANDTC có kháng nghị đối với bản án phúc thẩm nói trên. Lúc này, Quốc lại tìm đến người được ông Trung ủy quyền lo vụ kiện để đặt vấn đề: làm dịch vụ giá 1,5 tỷ đồng để lo cho ông Trung vẫn được thắng kiện theo hướng không công nhận việc mua bán một phần căn nhà. Người đại diện cho ông Trung xin bớt xuống 1,4 tỷ đồng. Quốc đồng ý và hai bên ký hợp đồng dịch vụ pháp lý, Quốc nhận trước 100 triệu đồng rồi chuồn thẳng cho đến ngày bị bắt.

Ăn quịt!

Có những phi vụ lừa đảo, Quốc làm “hàm cá mập” cắn đến tiền tỷ. Và y cũng không bỏ qua những vụ “be bé”, lừa đảo nạn nhân kể cả với số tiền 12 triệu đồng.

Tháng 7-2004, bà T.Huyền ký hợp đồng dịch vụ pháp lý với Quốc về việc y thay mặt bà làm hợp thức hóa hai căn nhà, tạm ứng trước phí dịch vụ là 12 triệu đồng. Nhận tiền và hồ sơ xong, Quốc chỉ hẹn lần hẹn lữa, không làm bất kỳ chuyện gì. Trường hợp bà K.Thùy cũng tương tự. Là bị đơn, bà Thùy nhờ Quốc giúp để có được bản án công nhận khoản nợ của bà là nợ hụi chứ không phải nợ tiền vay. Quốc đưa giá 130 triệu đồng (gần 30% của số tiền tranh chấp), bà Thùy đồng ý ứng trước 50 triệu đồng. Sau khi nhận tiền, Quốc không làm gì cho bà Thùy, thậm chí không nghe cả máy điện thoại!

Một nạn nhân khác của Quốc là ông K. –bị can tại ngoại trong một vụ án chiếm đoạt tài sản. Khi ông K. đến nhờ Quốc bào chữa cho mình tại phiên tòa, Quốc lại hù dọa tội của K. có thể bị đến án tù chung thân, rồi đặt vấn đề chi 200 triệu đồng để y bào chữa cho ông được hưởng án treo! Quốc ký hợp đồng, nhận 8.000 USD tiền ứng trước rồi không làm gì, cũng không liên hệ gì lại với ông K.

Theo Sài Gòn giải phóng