Anh Phạm Sơn Lâm, chủ cửa hàng tạp hóa ở khu phố 3, đường số 2, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh đang bán hàng thì có hai người đàn ông đi trên xe tải 1,5 tấn đến. Họ tự giới thiệu là nhân viên một công ty lớn có văn phòng đại diện tại siêu thị Metro An Phú đang cần đại lý trưng bày sản phẩm. Một trong hai người đưa cho anh Lâm xem phiếu đăng ký trưng bày sản phẩm với nhiều điều khoản ưu đãi như trang bị tủ trưng bày, trả lương trưng bày trong vòng sáu tháng với mức từ hai trăm tới bảy trăm ngàn đồng tùy vào lượng sản phẩm đăng ký, nếu bán chậm được đổi 3/4 số sản phẩm sang các mặt hàng của Lever Việt Nam đang có tại Metro như Vim nhà sạch, bột giặt Omo, nước xả Comfort, xà bông Lifebuoy... với giá rẻ hơn thị trường.
Thấy hai người đàn ông ăn mặc lịch sự, đi trên xe chở hàng có in dòng chữ Metro rất lớn, anh Lâm đồng ý nhận bốn thùng sản phẩm để trưng bày với số tiền gần ba triệu đồng. Sau khi nhận đủ tiền, hai "nhân viên" giao cho anh ba thùng hàng rồi quay ra xe. Tưởng họ đưa tiếp thùng còn lại nên anh không để ý. Khi chiếc xe chuyển bánh, anh mới giật mình chạy theo gọi nhưng nó không dừng lại mà tiếp tục tăng tốc. Anh quay về nhà lấy xe máy đuổi theo thì chiếc xe cùng hai ông "nhân viên" đã mất hút.
Linh tính mình bị lừa, anh Lâm lên thẳng siêu thị Metro An Phú để tìm hiểu. Tại đó, anh được biết siêu thị không hề có hình thức cho nhân viên đi liên hệ trưng bày sản phẩm. Điện thoại vào số máy 0983355211 và 0903355211 trên phiếu đăng ký trưng bày do các "nhân viên" để lại vào giờ hành chính thì người đàn ông bắt máy cho biết là đang họp, hẹn sau 17 giờ. Đúng hẹn, anh Sơn gọi điện thì lại được hẹn hôm sau. Quá bức xúc, dù không nhớ biển số chiếc xe tải nhưng anh Sơn vẫn dọa sẽ báo công an, bọn chúng thách thức: "Tao thách mày báo".
Tại Công ty Metro Cash & Carry Việt Nam, bà Nguyễn Đức Hương, Trưởng phòng Quan hệ đối ngoại của công ty cho biết, anh Phạm Sơn Lâm không phải là nạn nhân duy nhất của kiểu lừa đảo này. Gần đây có một số kẻ xấu giả danh Công ty Metro hay nhân viên đến đề nghị người dân thực hiện các giao dịch mua hàng hoặc tham gia trưng bày sản phẩm nhận quà tặng và khuyến mãi để lừa đảo. Chúng đánh vào tâm lý muốn mua sản phẩm giá rẻ và tin tưởng vào thương hiệu Metro vốn đã quá quen thuộc với người tiêu dùng.
Chiêu lừa đảo kiểu này hiện phổ biến trên cả nước. Ở miền Bắc, chúng giả danh nhân viên của Metro Thăng Long, ở TP Hồ Chí Minh là Metro An Phú, ở Cần Thơ là Metro Hưng Lợi. Bà Hương cho chúng tôi xem cả xấp hồ sơ của các trung tâm Metro trên cả nước chuyển về, số nạn nhân lên tới hàng chục người như chị Lê Thị Hóa ở Cần Thơ bị lừa số tiền hơn 5 triệu đồng, anh Trương Thanh Bình ở Hồng Dân, Bạc Liêu bị lừa bảy triệu đồng cũng với chiêu tìm đại lý trưng bày sản phẩm băng vệ sinh cao cấp. Bọn xấu thường sử dụng xe tải nhỏ hoặc xe mười sáu chỗ làm phương tiện đi lại, mặt hàng dùng để lừa đảo thường là các loại băng vệ sinh không rõ nguồn gốc, nhái các nhãn hiệu khác như Dimica, Kobex và kẹo ngậm các loại...
Các sản phẩm này hoàn toàn không có trên thị trường nhưng luôn được chúng khoác cho "mác" là hàng ngoại nhập cao cấp để người dân sập bẫy. Bà Nguyễn Đức Hương khẳng định, hệ thống trung tâm Metro trên cả nước không bao giờ tổ chức hình thức trưng bày sản phẩm tại các địa điểm kinh doanh của người dân, nhân viên Metro khi đi giao dịch đều mặc đồng phục, mang thẻ nhân viên và bản chính giấy giới thiệu có đóng dấu hợp lệ của công ty.
Trước chiêu lừa đảo tinh vi nói trên, những người kinh doanh nhỏ lẻ phải hết sức đề phòng. Khi có ai đó đến đặt vấn đề giao dịch bán hàng hoặc trưng bày sản phẩm, phải tìm hiểu kỹ càng, nếu có dấu hiệu nghi ngờ thì báo ngay cho các cơ quan chức năng.
|