Công ty CP gốm sứ Thanh Hà (Phú Thọ) được CP hoá từ doanh nghiệp Nhà nước vào tháng 10-2004. Trước đó vào tháng 8-1998, công ty đã đầu tư hơn 67 tỷ đồng xây dựng dây chuyền sản xuất gạch Ceramic, sản xuất kinh doanh bước đầu có hiệu quả, đến năm 1999 trả được hơn 15 tỷ đồng vốn vay ngân hàng. Tuy nhiên, mấy năm gần đây, nội bộ công ty có biểu hiện mất đoàn kết, kinh doanh thua lỗ, nhất là sau khi công ty được CP hoá. Nhiều đơn thư tố cáo cho rằng, lãnh đạo công ty đã thông đồng chỉ đạo xuất khống và để ngoài sổ sách một số lượng lớn vật tư, sản phẩm trị giá hàng tỷ đồng nhằm lừa dối các cơ quan Nhà nước khi tiến hành xác định giá trị doanh nghiệp để CP hoá.
Khi trực tiếp làm việc với lãnh đạo Công ty CP gốm sứ Thanh Hà, giám đốc Chu Văn Hân thừa nhận việc xuất khống vật tư và để sản phẩm ngoài sổ sách là có thật. Sau khi bị một số cán bộ, công nhân phát hiện và làm đơn tố cáo lên cấp trên, ngày 21-5-2005, công ty mới tiến hành kiểm kê lại toàn bộ vật tư, sản phẩm trong kho.
Kết quả cho thấy số lượng vật tư xuất khống là 13.211kg chủ yếu là men, màu trị giá hơn 1tỷ 843 triệu đồng. Số mầu xuất khống trên tập trung vào bốn năm từ 2001- 2004, nhưng đến đầu năm 2005 mới phát hiện ra?
Trả lời câu hỏi này, trong báo cáo giải trình gửi UBND và Sở Công nghiệp tỉnh Phú Thọ, ông Hân lý giải: Hằng năm, theo quy định của Nhà nước, công ty đều tiến hành kiểm kê tại thời điểm 0 giờ ngày 1- 1. Tuy nhiên các thành viên trong trong Ban kiểm kê đều thiếu trách nhiệm, thực chất chỉ có kê theo số lượng trên sổ sách kế toán mà không kiểm tra thực tế trong kho. Từ năm 2000, Công ty giao cho ông Nguyễn Hồng Phong, tổ trưởng tổ thí nghiệm theo dõi số lượng men màu. Căn cứ vào yêu cầu sản xuất và lượng men màu cần dùng, ông Phong sẽ làm dự trù, báo cáo ban giám đốc cho kế hoạch mua về đơn vị. Việc làm thủ tục xuất men, màu dùng cho sản xuất cũng do ông Phong đảm nhiệm. Trong quá trình thực hiện từ năm 2001 đến nay, ông Phong đã không làm phiếu xuất theo số lượng thực tế mà chỉ kê lượng màu áng khoảng để làm phiếu xuất. Thực tế số lượng xuất ít cho sản xuất, nhưng trên phiếu xuất lại thể hiện số lượng nhiều hơn.
Cũng qua đợt kiểm kê này còn phát hiện ra trong kho sản phẩm thừa 23.000m2 gạch lát nền để ngoài sổ sách, chưa làm thủ tục nhập kho và được ông Hân diễn giải như sau: Năm 2003, Công ty kiểm kê có 83.000m2 gạch lát nền, đã làm thủ tục nhập kho 60.000m2, còn lại 23.000m2 năm 2004 làm thủ tục nhập tiếp 13.800m2. Như vậy số sản phẩm dư thừa chưa làm thủ tục nhập kho là 9.800m2. Và ông cho rằng trách nhiệm này thuộc về phòng kế toán công ty.
Căn cứ vào đơn tố giác của nhân dân và tài liệu thu thập được, ngày 30-5-2005, giám đốc công an tỉnh Phú Thọ đã ký quyết định giao Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ điều tra, xác minh các sai phạm trong quản lý kinh tế tại Công ty CP gốm sứ Thanh Hà.
Đến ngày 8-9-2005, cơ quan điều tra có thông báo kết quả điều tra xử lý bước đầu như sau: Số lượng men, màu để ngoài sổ sách kế toán doanh nghiệp là 10.752kg, tổng giá trị hơn 1,186 tỷ đồng. Nguyên nhân do tổ trưởng tổ thí nghiệm và thủ kho của Công ty đã cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, xuất khống và không kiểm kê chính xác số lượng tạo ra sự dôi thừa lượng men màu trong kho, nhưng chưa có căn cứ xác định nhằm mục đích để chiếm lợi cá nhân. Ban giám đốc Công ty và lãnh đạo các phòng kế toán, vật tư đã thiếu trách nhiệm, không kiểm tra việc xuất nhập vật tư dẫn đến số men màu với số lượng lớn để ngoài sổ sách kế toán của Công ty trong nhiều năm. Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ Công an tỉnh (CQCSĐTTP về QLKT và CV) đã thu giữ tiền thuế thu nhập doanh nghiệp là 332,267 triệu đồng.
Kết quả điều tra cũng cho biết, từ năm 2003 đến 5-2005, Công ty đã để ngoài sổ sách kế toán của doanh nghiệp số lượng gạch CERAMIC là 9.804m2, tổng giá trị hơn 332 triệu đồng. Nguyên nhân do Mai Tú Anh, thủ kho sản phẩm và Đoàn Minh Hồng, kế toán vật tư, đã cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về công tác kiểm kê xuất, nhập sản phẩm theo từng ca không chính xác. Ban giám đốc Công ty và lãnh đạo các phòng kế toán, kinh doanh đã thiếu trách nhiệm trong điều hành quản lý cán bộ và trong chỉ đạo kiểm kê, quyết toán tài chính. Cơ quan điều tra đã thu giữ tiền thuế thu nhập doanh nghiệp đối với lô gạch này là 90,446 triệu đồng.
Qua điều tra, xác minh còn phát hiện Bùi Ngọc Cẩn, cán bộ phòng kinh doanh Công ty, trong thời gian từ tháng 1-2004 đến tháng 5 năm 2005 đã lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt số tiền bán hàng gần 215 triệu đồng, số tiền trên đã được CQĐT thu giữ và trả lại Công ty. Ngoài ra từ năm 2002 – 2004 Công ty còn mua các loại vật tư trị giá gần 1,498 tỷ đồng, Công ty thương mại Bạch Đằng, đại lý bán gạch cho Công ty còn nợ 1,5 tỷ đồng đều có dấu hiệu vi phạm pháp luật đang được cơ quan điều tra xác mimh, có kết luận sau.
Qua kết quả xác minh ban đầu, Cơ quan điều tra cho rằng các cá nhân có sai phạm chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự và chỉ yêu cầu Công ty CP gốm sứ Thanh Hà thu hồi số tiền lãi theo quy định của Công ty đối với số tiền do Bùi Ngọc Cẩn đã sử dụng từ tháng 1- 2004 đến tháng 5-2005. Đồng thời tiến hành kiểm điểm nghiêm túc có hình thức xử lý kỷ luật từng cá nhân theo các hành vi sai phạm. Số tiền thuế thu nhập doanh nghiệp do Công an tỉnh thu hồi của Công ty là 422,713 triệu đồng, sẽ được nộp vào ngân sách Nhà nước theo luật định.
Một số sai phạm về quản lý kinh tế ở Công ty CP gốm sứ Thanh Hà đã được CQCSĐT xác minh làm rõ. Hậu quả bước đầu đã được khắc phục. Song dư luận từ phía CBCNV và từ phía một số cơ quan chức năng vẫn chưa đồng tình với kết quả điều tra. Cụ thể, trong báo cáo của Công ty giải trình với UBND tỉnh và Sở Công nghiệp ngày 21-5-2005 thì số men màu xuất khống là 13.211kg, với giá trị hơn 1,843 tỷ đồng. Nhưng trong thông báo kết quả điều tra của CQCSĐTTP về QLKT và CV thì số lượng men màu xuất khống và để ngoài sổ sách chỉ có 10.725,5kg, với giá trị hơn 1,186 tỷ đồng. Vậy còn 2.486kg men màu và hơn 656 triệu đồng chênh lệch giải thích ra sao?
Việc không xử lý trách nhiệm hình sự đối với một số cá nhân có vi phạm liệu có thoả đáng và đúng luật hay không? Việc Công ty mua các loại vật tư trị giá gần 1,498 tỷ đồng có dấu hiệu vi phạm pháp luật cần sớm được điều tra làm rõ.
Dư luận mong các cơ quan chức năng của tỉnh Phú Thọ xem xét, tính toán lại việc CP hoá Công ty gốm sứ Thanh Hà để không mất vốn của Nhà nước. Và một giám đốc như ông Chu Văn Hân, người đã công tác tại công ty nhiều năm với nhiều cương vị khác nhau, đặc biệt với 5 năm làm giám đốc, đã được Chính phủ, UBND tỉnh tặng Bằng khen, liệu có dễ dàng để các cán bộ cấp dưới “qua mặt”. Đây cũng là bài học cho các nhà quản lý khi tiến hành CP hoá các doanh nghiệp Nhà nước.
|