Khoa học đóng góp gì cho công cuộc phát triển bền vững
Các Website khác - 25/03/2004

Khoa học đóng góp gì cho công cuộc phát triển bền vững 

Xét về phương diện chính trị, triển vọng của Hội nghị Johannesburg không mấy sáng sủa. Hàng nghìn chính khách, bao gồm các nguyên thủ của hơn 100 quốc gia dành 10 ngày để thảo luận về cách thức mà thế giới có thể tiếp tục phát triển mà không gây nguy hại đến các nguồn tài nguyên của Trái đất và các hệ trợ giúp sự sống, nhưng ngay cả những người lạc quan nhất cũng không dám hy vọng nhiều là sẽ có những cam kết tài chính mới được đưa ra tại Hội nghị. 

Cho dù Hội nghị đó bị thất bại về mặt chính trị, nhưng sẽ là một điểm ngoặt cho các nhà khoa học nào quan tâm đến sự phát triển bền vững (PTBV). Trong khi những cố gắng của các Chính phủ nhằm vào vấn đề PTBV vẫn còn mơ hồ, thì các nhà nghiên cứu đang dần tạo dựng nên một khung cảnh mà khoa học có thể đóng góp cho sự nghiệp đó. Jane Lubchenco, nhà môi trường học ở trường Đại học Oregon, nhận định: "Toàn bộ khả năng mà khoa học có thể cung cấp thậm chí vẫn còn chưa được bắt đầu tận dụng một cách đúng mức." 

Tại Hội nghị, các nhà khoa học như Lubchenco hy vọng sẽ nảy sinh ra phương pháp tiến hành nghiên cứu mới mà nhằm vào các nhu cầu PTBV. Ví dụ, liệu có phương pháp nào để các lĩnh vực như sinh học biển và kinh tế học kết hợp được với nhau để đưa ra các giải pháp cho các vấn đề đặc thù của địa phương? Các nhà khoa học ở các nước tiên tiến có thể làm những gì để đẩy mạnh công cuộc nghiên cứu ở các nước đang phát triển, nơi vẫn thiếu nhiều tri thức và cơ sở khoa học đối với vấn đề bền vững. Rosswall, Giám đốc Hội đồng Khoa học quốc tế (ICSV), người đại diện cho quyền lợi của các nhà khoa học tại Hội nghị Johannesburg, nói: "Hội nghị Johannesburg chỉ là những bước khởi đầu cho công cuộc thám hiểm đầy khó khăn và sôi động của khoa học. Chúng ta cần phải tạo ra một ngành khoa học về sự PTBV". 

Hội nghị Johannesburg được coi là tiếp nối của Hội nghị Trái đất, tổ chức ở Rio de Janeiro cách đây 10 năm. Hội nghị lần này, các đại biểu sẽ tiến xa hơn việc chú trọng vào môi trường, và nhằm vào các phương pháp để bảo tồn các nguồn lực con người và thiên nhiên, trong khi vẫn tiếp tục duy trì cải thiện đời sống xã hội. Những vấn đề như tình trạng cạn kiệt các nguồn tài nguyên nước, việc sử dụng các nguồn năng lượng không đảm bảo sự bền vững, an ninh lương thực, sự huỷ hoại các môi trường sống và tình trạng sức khoẻ toàn cầu, cộng thêm với tình trạng nghèo đói đè nặng lên chúng, đều được đề cao trong chương trình nghị sự. 

Sự cần thiết phải nhằm vào những vấn đề như vậy là điều rõ ràng. 6 tỷ người hiện đang sống trên Trái đất tiêu dùng 40% toàn bộ sinh khối trên mặt đất; 1/4 –1/3 các nguồn tài nguyên sinh vật biển và gần 50% các nguồn nước sạch có khả năng tiếp cận được của hành tinh. Tháng 6/2002, UNEP cảnh báo rằng một nửa dân số thế giới có thể lâm vào tình cảnh thiếu nước vào năm 2032. Trong khi đó, dân số toàn cầu vẫn tiếp tục leo thang, khả năng sẽ đạt ít nhất 9 tỷ vào năm 2100. Lubchenco, nay được bầu làm Chủ tịch ICSV nói: "Con đường chúng ta đi không bền vững. Phần lớn chúng ta đều đang phá hoại các hệ sinh thái của hành tinh".

 Nhưng việc vạch ra cách thức để đưa thế giới đi vào con đường PTBV hoàn toàn không dễ dàng. Ví dụ, cách tiếp cận trong việc quản lý bền vững nghề cá có thể lại làm hại đến việc cung cấp thực phẩm cho cộng đồng địa phương và ảnh hưởng đến thương mại quốc tế. Hay có một số nhà khoa học đề xuất rằng có thể sử dụng nhiên liệu hoá thạch mà vẫn đảm bảo tính bền vững, nếu có phương pháp "gói" lượng CO2 phát thải và tàng trữ xuống đáy đại dương, nhưng liệu như vậy có làm phát sinh vấn đề để các thế hệ mai sai phải bận tâm giải quyết hay không? Với rất nhiều vấn đề hàm chứa như vậy, khó có thể đưa ra được một định nghĩa thế nào là một giải pháp bền vững. Như Lawton, Giám đốc Hội đồng Nghiên cứu môi trường thiên nhiên của Anh nói, thì việc nắm bắt khái niệm này cứ chuội đi, như thể khi ta muốn túm lấy bánh xà phòng trong bồn tắm vậy.

Do thiếu quyết tâm chính trị nên các Chính phủ chưa chắc đã làm rõ được tình hình. Nhưng nhiều nhà khoa học đang lạc quan dè dặt về triển vọng của Hội nghị. Kể từ sau Hội nghị Rio, ngày càng có nhiều thêm những mạng lưới của các nhà khoa học, chẳng hạn như Sáng kiến về khoa học và công nghệ phục vụ phát triển bền vững, có trụ sở đặt tại trường Đại học Harvard. Những mạng lưới này đã bắt đầu nhằm vào mục tiêu nâng cao vai trò của khoa học để góp phần vào sự nghiệp PTBV của thế giới. Những nỗ lực của họ dường như đã gặt hái được kết quả, vì hiện nay các nhà khoa học đã được mời gia nhập Đảng. Các đại biểu của các khoá họp trù bị của Hội nghị đã tư vấn cùng các nhà nghiên cứu thuộc nhiều ngành khoa học, và các tổ chức như ICSV đã được yêu cầu trình bầy Báo cáo chính thức tại Hội nghị. Cùng với Viện Hàn lâm Khoa học của Thế giới 3 và Liên hiệp Các Tổ chức kỹ thuật thế giới, ICSV cũng tiến hành một loạt các cuộc hội thảo song song với Hội nghị Thượng đỉnh. ICSV hy vọng đầu năm 2003 sẽ đưa ra bản Báo cáo tổng kết các kết quả của những cuộc hội thảo đã tiến hành để tạo nên một khung khổ cho khoa học về tính bền vững. 

Một vấn đề được coi trọng trong chương trình nghị sự của các nhà nghiên cứu là tìm ra cách thức để đưa những tri thức khoa học sẵn có cho những nơi nào cần đến. Theo Kammen, Giám đốc Phòng thí nghiệm về năng lượng tái tạo và thích hợp, các kỹ thuật, công cụ và kinh nghiệm để thực hiện công việc hiện nay đã có. Các hệ thông tin địa lý (GIS), trong đó kết hợp thông tin về không gian trong một vùng cụ thể với các dữ liệu về môi trường, xã hội, chính trị ở đó, hiện nay đã tiên tiến hơn, có giá rẻ hơn so với 10 năm trước đây. Công nghệ định vị toàn cầu và giám sát môi trường bằng vệ tinh cũng đã phát triển, kể từ sau Hội nghị Rio. 

Những tiến bộ đạt được lần đầu tiên đã tạo ra cơ hội lớn để nghiên cứu khí hậu, việc sử dụng tài nguyên và các mối quan hệ giữa sức khoẻ, môi trường và công cuộc phát triển, nhưng những công cụ này hiếm khi tập trung vào việc đưa ra những kết quả ở dạng thích hợp để các nhà chính trị có thể sử dụng. Theo Dodds, Giám đốc phụ trách diễn đàn các cổ đông, có chức năng hỗ trợ cho các Tổ chức phi chính phủ và các phe phái khác trong hoạt động phấn đấu vì sự PTBV, thì có rất nhiều thông tin không khi nào có cách gì đến được với các quan chức trong việc đề ra chính sách. 

Ví dụ, những dự án quốc tế lớn thường bị mắc phải vấn đề như vậy. Uỷ ban Liên Chính phủ về Thay đổi khí hậu (IPCC) được thừa nhận rộng rãi là đã cung cấp những thông điệp khoa học mạnh mẽ cho giới doanh nghiệp và các nhà hoạt động môi trường, nhưng vì những báo cáo của IPCC đề cập ở quy mô toàn cầu và chứa đựng một khối lượng dữ liệu khổng lồ, vì vậy rất khó đối với các nhà lập chính sách ở cấp quốc gia hoặc địa phương. Rosswall nói: "Điều hết sức quan trọng là phải kết nối được hành động của từng địa phương với toàn cầu." Các dự án ở quy mô địa phương đã thực hiện tốt hơn, nhưng phần lớn lại đều tập trung vào những vấn đề đơn lẻ. Nhóm Tư vấn Nghiên cứu nông nghiệp quốc tế (CGIAR), có chức năng điều phối các tổ chức nghiên cứu cây trồng trên toàn thế giới, đã tạo lập được hệ thống đánh giá và lai giống cây của khu vực, thích hợp cho nhu cầu của nông dân địa phương ở khắp thế giới. Ví dụ, Nhóm đã giúp nông dân Campuchia phục hồi nền sản xuất lúa gạo vốn bị đình đốn vào thời Pol Pot, và phát triển những giống chịu được sâu bệnh cho các loại cây lưu niên quan trọng ở châu Phi và châu á, chẳng hạn như chuối.

 Theo nhận định của các chuyên gia về tính bền vững, điều quan trọng bây giờ là phải làm sao phát huy được vai trò của các dự án nghiên cứu ở địa phương, để chúng cùng một lúc giải quyết được tính bền vững của tất cả các nguồn tài nguyên ở đó. Những việc làm như vậy đang bắt đầu nổi lên. Cuối năm 2001, một dự án lớn đã được đưa ra là MEA-Đánh giá hệ sinh thái thiên niên kỷ. Đây là một dự án có tham vọng rất lớn, nhằm đánh giá tác động của các nhân tố, như việc chuyển dịch sử dụng đất và suy giảm tính đa dạng sinh học của các hệ sinh thái của Trái đất. Dự án sẽ đưa ra thông tin về tất cả các vấn đề, từ các nguồn cá tới các chu kỳ chuyển hoá nitơ, nhưng các dữ liệu sẽ không chỉ để phục vụ riêng cho các nhà sinh thái. Lubchenco nói: "MEA sẽ chú trọng vào những vấn đề phát sinh từ các hệ thống sinh thái nào mà mọi người thực sự quan tâm." 

Ví dụ, một nghiên cứu của MEA về các hệ sinh thái ở Na Uy, có thể giúp Chính phủ quyết định việc có nên đẩy mạnh việc khai thác dầu và cá không để tránh gây tổn hại cho các hệ sinh thái biển. Một số dự án khác của MEA đang trợ giúp kỹ thuật cho những nghiên cứu tiến hành ở khu vực Tây Trung Quốc, nơi nổi tiếng về tốc độ phát triển nhanh, nhưng hiện nay đang gánh chịu những hậu quả môi trường nghiêm trọng, như sự xói mòn đất đai. 

Một dự án khác do Matson tiến hành ở vùng Yaqui, Mehico còn có những bước tiến xa hơn. Do thu hút được sự tham gia của các nhà nghiên cứu và quan chức địa phương, Matson hy vọng sẽ đưa ra được những dữ liệu giúp trực tiếp ảnh hưởng tới công cuộc phát triển ở vùng này. Vào những năm 90, nhóm của Matson bắt đầu nghiên cứu tác động của việc tăng cường sử dụng phân bón ở một trong những trung tâm nông nghiệp lớn nhất Mehico, nơi công tác thủy lợi cũng diễn ra với cường độ mạnh. Nhưng Matson nhanh chóng nhận ra rằng nếu chỉ nghiên cứu riêng tác dụng của phân bón, tách biệt với các yếu tố khác thì kết quả sẽ bị hạn chế. Bởi vậy hiện nay, dự án đã huy động chính quyền địa phương, các nhà khoa học thuộc 10 ngành và 5 tổ chức tham gia nghiên cứu ảnh hưởng của tất cả, từ việc sử dụng đất và hoá chất, các chương trình thuỷ lợi, loại cây trồng, đến các nhân tố bên ngoài như chính sách nông nghiệp, toàn cầu hoá thị trường và tình trạng hạn hán. Nhờ kết hợp các tri thức này, các nhà nghiên cứu hy vọng khám phá được ảnh hưởng của các nhân tố đó tới môi trường đất và nước, cũng như thu nhập của nông dân và dân chúng ở đô thị. Matson nói: "Những quyết định được đưa ra ở một bộ phận trong hệ thống, tuy bề ngoài chỉ có quan hệ tới một ngành, nhưng thông qua hệ thống sẽ ảnh hưởng đến nhiều ngành khác." Theo Matson, nếu mọi người muốn có được những quyết định nhằm gìn giữ được các tài nguyên và sinh kế của mình thì phải nghiên cứu địa phương mình như một hệ thống tích hợp, và dự án của Matson cố gắng phấn đấu theo hướng đi này. 

Những dự án giống như Matson đang tiến hành có thể dùng làm mô hình để nhân rộng cho các nơi khác, tuy nhiên đây không phải là điều dễ dàng, bởi lẽ Mehico là nước có cơ sở khoa học mạnh, trong khi một số nước khác như châu Phi chẳng hạn, lại khó hợp tác trong những dự án như vậy. Việc thảo luận vấn đề nâng cao tri thức và kết cấu hạ tầng khoa học ở các nước đang phát triển, hay nói theo thuật ngữ chuyên môn, tức là xây dựng năng lực, sẽ bị hạn chế ở Hội nghị Thượng đỉnh, nhưng có thể được đề cập đến nhiều ở các cuộc hội thảo tiến hành song song. 

Nhiều tổ chức và các Chính phủ quan tâm đến vấn đề PTBV hiện đang tài trợ cho các cá nhân và những dự án nhỏ ở các nước đang phát triển. Ví dụ, Chính phủ Thuỵ Điển đang cố gắng chuyển giao tri thức về nhiên liệu sinh khối cho các nước vùng Bantic, với hy vọng các nước sẽ giảm bớt việc phải dùng than và dầu. 

Những dự án lớn vẫn còn hiếm, nhưng có một ví dụ là Chương trình Thử nghiệm lâm sàng của EU dành cho các nước đang phát triển. EU hy vọng bằng việc cung cấp kết cấu hạ tầng và tri thức phù hợp, Chương trình sẽ thúc đẩy các công ty dược phẩm tiến hành các thử nghiệm có chất lượng cao để chữa các bệnh như HIV/AIDS, lao, sốt rét đang hoành hành ở các nước châu Phi. 

Những dự án như vậy là những bước tiến quan trọng, nhưng nhiều nhà nghiên cứu vẫn không dám chắc, liệu những khái niệm như Khoa học có liên quan tới Chính sách (Policy-relevant Science) và xây dựng năng lực ở trên có thể thành công ở quy mô lớn hay không? Khi Lubchenco và các cộng sự tiến hành kết hợp các tư liệu, họ gặp phải một số thách thức lớn. Họ sẽ phải trả lời về cách thức mà các cá nhân và tổ chức có thể hợp tác tốt nhất để nghiên cứu về phát triển bền vững, hoặc liệu Khoa học về phát triển bền vững có thu được lợi ích không nếu có sự điều phối ở cấp toàn cầu, do LHQ chẳng hạn? Trả lời được những câu hỏi này sẽ có tác dụng to lớn, đặc biệt là với những nhà khoa học nào quan tâm tới vấn đề bền vững, nhưng vẫn còn chưa biết cách gì để giúp cho nó. Nhưng cho dù ICSV và các đối tác của mình có thiết kế ra được một đề án tổ chức cho ngành khoa học này, vẫn còn có những trở ngại chính trị hết sức to lớn. Cả các nhà chính trị lẫn các cơ quan cấp kinh phí cho khoa học đều muốn thấy được kết quả nhanh chóng của nhiều khoản đầu tư, và muốn chúng được thực hiện cho nước mình hoặc lĩnh vực nghiên cứu của mình. Kinh phí cho các dự án dài hạn, đa ngành thường khó được đảm bảo và thường chấm dứt sau lần cấp phát đầu tiên. Ví dụ, kinh phí do các nước phát triển cấp cho CGIAR đã giảm dần ở thập kỷ vừa qua. Những lĩnh vực khác rất quan trọng đối với phát triển bền vững cũng chịu số phận tương tự. Ví dụ, vấn đề nghiên cứu về năng lượng tái tạo mà đã được đưa lên chương trình nghị sự, nhưng kinh phí dành cho nó bị giảm hơn một nửa so với cam kết lúc đầu. 

Mặc dù cũng có một số cơ quan tài chính ở các nước phát triển đang bắt đầu tài trợ nhiều hơn cho các nghiên cứu về phát triển bền vững, nhưng triển vọng chung vẫn không mấy sáng sủa. Lawton nói: "Nhiệm kỳ 5 năm của các quan chức không đủ đáp ứng cho những sáng kiến cần đến 20 năm nữa mới bắt đầu phát huy tác dụng. Các quan chức, vì quyền lợi cá nhân, nên không muốn theo đuổi những dự án lớn, dài hạn? 

Mặc dù từng nhà nghiên cứu không thể xoay chuyển cả hệ thống chính trị, nhưng họ có thể tin tưởng rằng giới chính trị đang ý thức được chính xác mức độ mà khoa học có thể đóng góp cho phát triển bền vững, và như vậy có thể đem lại thay đổi chính sách tài trợ. 

Việc thông tin về những vấn đề phát triển bền vững có thể vẫn còn yếu kém ngay cả trong giới khoa học. Nhiều nhà khoa học thậm chí không thể giải thích cho nhau về những việc họ đang thực hiện, chứ chưa nói gì đến việc làm cho các nhà ra quyết định có thể lĩnh hội được đầy đủ vấn đề. Bởi vậy, việc khắc phục những vướng mắc về thông tin sẽ là khâu chủ chốt đem lại thành công cho các chiến lược mà ICSV và các tổ chức khác đang xây dựng. Nếu mô tả được thật rành mạch và chính xác những việc mà các nhà nghiên cứu có thể tiến hành thì sẽ thúc đẩy được tất cả những thành viên tham gia-từ các nhà khoa học ở các nước phát triển, cho đến những nhà cầm quyền. Nếu những người tham dự có thể làm cho những người hữu quan hiểu được những gì khoa học có thể đem lại thì họ có thể giúp thay đổi chính sách tài trợ. Rosswall nói: "Đã đến lúc chúng ta, những nhà khoa học phải bung ra khỏi tháp ngà của mình". 

Nguồn: The Earth Times, 8/2002