BS Thoa, chị Tuyết và tài xế Khanh chuẩn bị chạy máy phát điện |
Phòng khám lưu động
PKLĐ thật ra là một chiếc xe khám chữa bệnh lưu động, gồm chín thành viên: một bác sĩ (BS), một điều dưỡng, một tài xế và sáu giáo dục viên đồng đẳng. BS Nguyễn Ngọc Thoa và điều dưỡng Lê Thị Ánh Tuyết được phân công trực tiếp khám chữa bệnh.
Hằng ngày PKLĐ luân phiên đến đậu trong khuôn viên công viên Phú Lâm và chợ Bình Phú (Q.6, TP.HCM) để đợi bệnh nhân đến khám. Riêng các anh chị giáo dục viên đồng đẳng phải tìm đến tận nơi các đối tượng “làm việc” để tuyên truyền, vận động... đi khám chữa bệnh, giới thiệu dịch vụ chữa trị bệnh lây truyền qua đường tình dục và các dịch vụ hỗ trợ khác tại PKLĐ; đồng thời phát các tài liệu giáo dục về phòng lây nhiễm HIV cho chị em.
Sau một thời gian ngắn đi vào hoạt động (từ 5-12-2003 đến 10-2-2004), PKLĐ đã từng bước tiếp cận các đối tượng phục vụ chính của mình. BS và điều dưỡng đã khám chữa bệnh và tư vấn tuyên truyền về HIV/AIDS được gần 140 lượt người.
Theo Ủy ban Phòng chống AIDS, PKLĐ nằm trong dự án “Tăng cường các dịch vụ chăm sóc tổng quát liên quan đến HIV/AIDS và viêm gan siêu vi cho các đối tượng có nguy cơ cao” - còn gọi là dự án Đồng hành - do Tổ chức Médecins du Monde Canada và Ủy ban Phòng chống AIDS TP.HCM hợp tác thực hiện trong ba năm (2002-2005) tại một số quận, huyện của TP.HCM.
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Thoa khám bệnh một người dân bị bệnh đột xuất tại phòng khám lưu động |
Những người “đồng hành”
Trước khi tham gia dự án Đồng hành, BS Thoa đang làm việc tại phòng khám cho người vô gia cư An Hòa, Q.6. Khi dự án mới được triển khai, Ủy ban Phòng chống AIDS TP phân công cô qua làm việc tại đây. Thoa bảo không biết tự bao giờ cô đã yêu thích công việc chăm sóc các bệnh nhân đặc biệt này dù nó nguy hiểm và vất vả.
Riêng chị Tuyết, khi tham gia dự án chị là trưởng trạm y tế P.6, Q. Tân Bình, công việc đang rất ổn định và có vị trí. Chị Tuyết kể chị đọc báo thấy đăng quảng cáo cần tuyển điều dưỡng cho dự án. Một thời gian sau chị lại thấy mẩu quảng cáo này trên báo.
“Có thể là công việc vất vả nên chưa tuyển được người” - chị nghĩ và quyết định làm đơn xin giám đốc Trung tâm Y tế Q. Tân Bình cho nghỉ việc. Giám đốc không đồng ý nhưng chị thuyết phục mãi và được chấp thuận.
BS Thoa cho biết do đối tượng phục vụ của PKLĐ rất đặc biệt nên thời gian đầu mới hoạt động, các cô gái hành nghề mại dâm và người nghiện chích ma túy rất ngại đến phòng khám và không bao giờ tự nhận mình đang làm gái mại dâm hoặc có hút chích.
Chính vì thế, PKLĐ phải có các giáo dục viên đồng đẳng hỗ trợ làm việc. Nhóm gồm sáu anh chị: trưởng nhóm là chị T.T. và năm thành viên là các anh chị B.Q., M.H., H.T., N.H. và T.C.. Người trẻ nhất 23 tuổi, lớn nhất 43 tuổi.
Trong đó chị T.T cộng tác làm việc với Ủy ban Phòng chống AIDS TP.HCM đã trên 15 năm, chị H.T. có kinh nghiệm công tác xã hội trên 10 năm. Các anh chị đều đã từng có thời gian hành nghề hoặc nghiện chích ma túy nhưng đã hoàn lương, rất tích cực tham gia công việc.
Ngoài BS Thoa, chị Tuyết, còn có anh Khanh - tài xế - kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ khác. Ba người ngoài công việc chuyên môn còn phải cùng nhau hợp sức làm rất nhiều việc không tên khác. Ngày nào cũng vậy, họ phải “vật lộn mướt mồ hôi” với những công việc đầy cực nhọc.
BS Thoa cho biết sắp tới người bệnh sẽ đến đông hơn vì PKLĐ sẽ mở rộng hoạt động vào ban đêm và sang cả địa bàn Q. Bình Thạnh và Tân Bình.
Như vậy có nghĩa là công việc của họ sẽ nhiều hơn, vất vả hơn. BS Thoa, chị Tuyết và các anh chị giáo dục viên đồng đẳng sẽ vẫn tiếp tục đồng hành với những bệnh nhân đặc biệt - những người rất cần sự cảm thông, lòng yêu thương của người thầy thuốc.
LÊ THANH HÀ
▪ Nhà nhiếp ảnh tình nguyện (25/09/2003)
▪ Nam Phi đã đi cùng thế giới (09/08/2003)
▪ Nam Phi chống HIV/AIDS: Đơn độc hay đi cùng thế giới? (05/08/2003)
▪ "Phải tập trung chống AIDS như chống SARS" (05/05/2003)
▪ UNDP và Australia giúp đỡ Việt Nam phòng chống HIV/ AIDS (03/04/2002)
▪ E-vonne, trang web đầu tiên cho người đồng tính (09/02/2002)
▪ Xa đi, sida (17/06/2001)
▪ Xa đi, siđa! (03/05/2001)
▪ Đối tượng được hưởng chế độ người bị phơi nhiễm với HIV do rủi ro nghề nghiệp (12/01/2004)
▪ Lập tủ sách sức khoẻ sinh sản (27/01/2004)