24 người Trung Quốc chết vì vi khuẩn từ lợn
Các Website khác - 28/07/2005
Một bệnh nhân nhiễm khuẩn từ lợn đang được điều trị tại bệnh viện ở thành phố Ziyang, tỉnh Tứ Xuyên.

Số người bị nhiễm khuẩn độc từ lợn ở tây nam Trung Quốc đã vượt quá ngưỡng 100, trong đó có 24 ca tử vong. WHO "bối rối" trước diễn biến mới.

Bộ Y tế Trung Quốc thông báo, ít nhất đã có thêm 21 bệnh nhân rơi vào tình trạng nguy kịch. Đến trưa hôm thứ 3, tỉnh Tứ Xuyên thông báo 117 người nhiễm bệnh do liên cầu khuẩn streptococcus suis từ lợn. Trong đó, 76 ca được khẳng định và 41 trường hợp còn nghi ngờ. Chỉ có 5 bệnh nhân đã bình phục.

Dịch bệnh bắt đầu xuất hiện ở hai thành phố Ziyang và Neijiang của tỉnh Tứ Xuyên tháng trước. Nạn nhân cho tới nay đều là nông dân giết mổ hoặc xử lý thịt lợn bệnh. Bộ Y tế Trung Quốc nhấn mạnh chưa có ca lây nhiễm từ người sang người. .

Giới chuyên môn đánh giá đây là căn bệnh nguy hiểm, vì đã có tới 1/3 trong số ca nhiễm đã tử vong. Triệu chứng bao gồm sốt cao, nôn mửa và xuất huyết. Nhiều bệnh nhân bị sốc nặng.

"Chúng tôi dự tính chỉ có 1 hoặc 2 ca tử vong, không ngờ số nạn nhân lại lớn như thế và không hiểu nguyên nhân vì sao", Đại diện của WHO Bob Dietz nhận định. Vị đại diện này cũng cho biết bệnh này thuộc dạng hiếm. Ca bệnh đầu tiên được ghi nhận là ở Đan Mạch vào năm 1968 và từ đó tới nay có hơn 200 người nhiễm bệnh trên toàn thế giới, không kể vụ dịch mới.

WHO không biết "liệu có chứng bệnh khác liên quan hay vi khuẩn đã thay đổi cách gây bệnh và có yếu tố môi trường nào đó can thiệp...", song một điều chắc chắn là tác nhân gây bệnh đã "trở nên hung dữ hơn", Dietz nói.

WHO kêu gọi Trung Quốc cảnh báo nông dân tránh xa những con lợn có dấu hiệu nghi ngờ và đến bệnh viện ngay nếu phát hiện triệu chứng. Tuy nhiên, vấn đề là một số con lợn bệnh không có biểu hiện, gây khó khăn cho việc phát hiện kịp thời.

Theo chuyên viên điều tra từ Bộ Y tế Trung Quốc, lợn độc đã có mặt ở ít nhất 300 trang trại và tất cả đều ở tình trạng vệ sinh yếu kém. Tất cả 469 con vùng dịch đã được thiêu huỷ. Các điểm ra vào hai thành phố có dịch được lệnh đề phòng để ngăn ngừa vận chuyển lợn. Hoạt động xuất khẩu lợn tạm thời đình chỉ.

Hiện nay, các bác sĩ chưa tìm ra thuốc đặc trị và đang phải dùng kháng sinh liều cao kém hiệu quả. Trước tình hình này, Đại diện của Bộ Y tế Mao Qun'an khẳng định: "Trung tâm Kiểm soát và phòng bệnh Trung Quốc đang thử nghiệm tính nhạy cảm của một số thuốc để tìm ra liệu pháp điều trị hiệu quả hơn". Trong khi đó, biện pháp ngăn ngừa lây nhiễm tốt nhất hiện nay là ngừng giết mổ, xử lý hoặc ăn thịt lợn bệnh. Giới chuyên môn khẳng định khuẩn gây bệnh chỉ có thể tấn công người qua vết thương hở hoặc qua đường tiêu hóa.

Tứ Xuyên là tỉnh chăn nuôi lợn lớn thứ hai ở Trung Quốc. Đây cũng là "nhà" của giống gấu Trúc đang có nguy cơ bị tuyệt chủng ở Trung Quốc.

Mỹ Linh (theo AFP)