400 câu hỏi nữ giới cần biết (phần 112)
Các Website khác - 02/12/2004

213. Có thể đặt vòng tránh thai được bao lâu?

Có rất nhiều loại vòng tránh thai hiện đang sử dụng trong nước, loại thường dùng là loại vòng thép không rỉ, vòng nhựa và vòng dây đồng vàng, vòng cao su silic v.v… Thời gian đặt tùy thuộc vào sự khác nhau của từng loại vòng tránh thai.

1. Đối với loại vòng thép không rỉ

Là loại vòng được sử dụng lâu nhất, phổ biến nhất ở nước ta, lúc bắt đầu đặt đã từng quy định thời hạn đặt vòng là 5 năm, nhưng qua theo dõi một số lượng lớn phụ nữ đã đặt vòng thì thấy, sau khi tháo vòng đã đặt từ 10~20 năm ra, chất lượng của vòng thép không rỉ không hề thay đổi, niêm mạc tử cung cũng không có phản ứng gì. Vì thế, hiện nay đã thừa nhận, vòng tránh thai thép không rỉ có thể đặt được trên 15 năm, thậm chí có thể làm dụng cụ tránh thai đến hết cuộc đời, chỉ lấy ra sau khi đã tắt kinh.

2. Vòng tránh thai bằng nhựa và dây đồng vàng

Do vòng tránh thai bằng nhựa dễ bị lão hóa trở nên cứng, dây đồng có thể bị ăn mòn mà rơi ra, vì thế quy định hai loại vòng này chỉ đặt từ 3~5 năm.

3. Vòng cao su silic

Ứng dụng loại vòng này vào lâm sàng đang dần dần tăng lên nhiều trong giai đoạn hiện nay, nó chịu được lão hóa hơn vòng tránh thai nhựa, cho nên thời gian đặt vòng có thể lâu hơn. Nhưng sau khi đặt vòng, nếu thấy âm đạo ra quá nhiều máu hoặc ra máu bất thường thì có thể lấy vòng ra.

214. Sau khi đặt vòng tránh thai cần chú ý những gì?

Đặt vòng tránh thai thông thường phải chú ý:

1. Nghỉ ngơi

Phải nghỉ ngơi thích hợp trong 2~3 ngày sau khi đặt vòng tránh thai, tránh lao động nặng trong tuần, để tránh cho vòng tránh thai mới đặt vào khỏi bị rơi ra.

2. Giữ sạch sẽ âm hộ

Sau khi đặt vòng tránh thai, phải giữ sạch âm hộ, cấm sinh hoạt tình dục và tắm ngâm mình trong bồn tắm, trong một thời gian ngắn. Chất nhầy trong ống cổ tử cung lúc bình thường giống như một cái chốt có thể ngăn được vi khuẩn xâm nhập vào khoang tử cung. Khi đặt vòng tránh thai, do thao tác đặt vòng mà chất nhầy bị gạt bỏ, đồng thời niêm mạc tử cung bị tổn thương nhẹ vẫn chưa khỏi, lúc này nếu không chú ý giữ sạch âm hộ hoặc tiến hành sinh hoạt tình dục thì dễ gây ra viêm nhiễm.

3. Quan sát xem có ra máu hay không?

Trong ngày thứ 3~4 sau khi đặt vòng thường có một ít máu và khí hư chảy ra khỏi âm đạo, nếu nghỉ ngơi tốt sẽ phục hồi trở lại bình thường rất nhanh. Nếu máu ra nhiều hơn lượng máu hành kinh bình thường hoặc kéo dài liên tục trên một tuần thì nên đến bệnh viện khám và điều trị.

4. Định kỳ kiểm định

Trong 3 tháng đầu đặt vòng tránh thai rất hay bị tụt vòng, nhất là vào chu kỳ kinh, cho nên sau khi đặt vòng phải định kỳ kiểm tra. Thông thường kiểm tra vào sau hành kinh của tháng đặt vòng đầu tiên, sau 3 tháng, 6 tháng, một năm, mỗi đợt kiểm tra một lần. Sau đó mỗi năm khám một lần, cứ thế cho đến khi tháo vòng ra. Phải luôn luôn kiểm tra, để tìm hiểu xem vị trí của vòng có bị xe dịch đi hay không, vòng có bị rơi ra không, nhằm kịp thời làm lại.

(còn tiếp)