Ăn tôm cua làm giảm tác dụng thuốc kháng sinh nhóm cylin
Các Website khác - 20/07/2005

Thông thường khi điều trị bệnh, về tâm lý, một số người muốn phải có thêm một chế độ ăn uống bồi dưỡng để hỗ trợ nhanh hết bệnh. Tuy nhiên, nếu không chú ý thì nhiều khi thức ăn đồ uống lại hạn chế tác dụng của thuốc.

Qua nhiều thử nghiệm lý hóa, thực nghiệm trên lâm sàng hoặc qua kinh nghiệm dùng thuốc, ngày nay trong sử dụng thuốc người ta đã lưu ý nhiều đến vấn đề tương tác (interaction, tác động qua lại) khi phối hợp dùng nhiều thuốc cùng một lúc với nhau hoặc tương tác giữa thuốc với thức ăn.

Trong trường hợp bệnh nhân bị nhiễm khuẩn, bác sĩ chẩn đoán và quyết định điều trị bằng các kháng sinh thông dụng như tetracyclin, doxycyclin (nhóm cyclin).

Nếu người bệnh tự ý dùng thêm các viên thuốc “bổ xương” có chứa calci hoặc uống sữa có chứa nhiều calci hoặc ăn nhiều tôm, cua, nghêu, sò, ốc, hến… (là nguồn thực phẩm có chứa chất vôi calci), hậu quả là thuốc kháng sinh sẽ bị giảm hoặc mất tác dụng điều trị.

Lý do là các kháng sinh trên và chất vôi có ái lực trong đường tiêu hóa, chúng sẽ gắn kết lại thành một phức chất rất khó phân ly, vì vậy lượng kháng sinh không phóng thích đủ trong máu để tạo hiệu quả trị liệu nhiễm khuẩn. Trường hợp này cũng xảy ra khi phối hợp sử dụng các kháng sinh trên với thuốc bổ máu có chứa nhiều chất sắt (fe).

Tương tự, người bệnh sử dụng nhiều loại thuốc, nhất là nam giới, cũng cần lưu ý thêm đến sự tương tác giữa thuốc với rượu bia. Người đang dùng một số thuốc trị cao huyết áp hoặc thuốc lợi tiểu nếu dùng rượu bia sẽ có nguy cơ hạ huyết áp xuống dưới mức an toàn không kiểm soát được và có thể gây tai biến hoặc tử vong.

Đối với người bị đái tháo đường (diabetes, tiểu đường) khi phải dùng thường xuyên chất insulin để điều trị dưới nhiều dạng bào chế như thuốc tiêm, thuốc dán qua da…, chính việc sử dụng nhiều rượu bia là thủ phạm dẫn đến nguy cơ làm hạ đường huyết dưới mức không an toàn.

Vì vậy, hiện nay khi dùng thuốc, thường xuất hiện các thông tin trong hộp thuốc nhằm giúp người bệnh tranh thủ ứng dụng các “tương tác có lợi” và tránh các tương tác bất lợi.

PGS.TS TRƯƠNG VĂN TUẤN (ĐH Y dược TPHCM - Theo Sài Gòn Giải Phóng)