Bác sĩ xác định bệnh nhân A. mắc bệnh từ lâu do bị béo phì nhưng không được phát hiện kịp thời. Hiện nay, thế giới ghi nhận trường hợp ít tuổi nhất mắc đái tháo đường týp 2 là một bệnh nhi mới 9 tuổi sống tại Nhật Bản.
Bị bệnh vì ăn nhiều đồ ngọt
Ngày 21-11, A. nhập viện Nội tiết TƯ vì được chẩn đoán mắc bệnh béo phì. PGS-TS Tạ Văn Bình - Giám đốc Bệnh viện Nội tiết TƯ, cho biết quá trình xét nghiệm cho thấy ngoài bệnh béo phì A. còn mắc bệnh đái tháo đường týp 2 - căn bệnh thường chỉ xuất hiện trên bệnh nhân từ 30 tuổi trở lên. Vì vậy trường hợp bệnh nhân A. rất đặc biệt và sẽ được theo dõi trong thời gian dài để tìm nguyên nhân cặn kẽ vì sao một đứa trẻ lại có thể mắc căn bệnh này.
Lúc mới sinh T.T.A. nặng 3,4 kg và phát triển như mọi đứa trẻ bình thường khác. Tuy nhiên từ năm 3 tuổi, A. bắt đầu thích ăn đồ ngọt. Sở thích này của bé được bố mẹ chiều theo. Cùng với việc ngày nào cũng ăn nhiều đồ ngọt có hàm lượng đường và chất béo cao quá mức cho phép, A. lại ít vận động, không chơi các môn thể thao cùng chúng bạn nên cậu bé trở nên nặng cân và chậm chạp hơn bạn bè. Hiện tại trên cơ thể của bệnh nhân A. xuất hiện rất nhiều đường rạn da mầu đen quanh cổ, bụng. Trên bề mặt da bệnh nhân còn nổi lên những hạt như hạt mỡ mầu trắng. Ngay sau khi A. nhập viện, một người thân của A. cũng được làm các xét nghiệm và phát hiện thấy insulin tăng, nghĩa là có khả năng cũng bị mắc đái tháo đường. Đái tháo đường týp 2 là bệnh mang yếu tố di truyền, tuy nhiên do chi phí quá cao (vài trăm triệu đồng) nên các xét nghiệm để tìm mối liên hệ của bệnh giữa cha mẹ bệnh nhân và bệnh nhân chưa thể tiến hành.
PGS-TS Tạ Văn Bình khẳng định, nếu phát hiện chậm thêm một thời gian nữa, bệnh nhân có thể bị bệnh lý về mắt, thận, tăng huyết áp, bệnh lý tim mạch. Hơn nữa bệnh nhân có thể bị ảnh hưởng đến khả năng phát triển trí tuệ, dễ mắc các bệnh lý khác như tâm thần, trầm cảm, lo lắng. Bệnh đái tháo đường týp 1, các biến chứng xuất hiện sau 5 năm mắc bệnh, nhưng đối với týp 2 biến chứng xuất hiện đồng thời với thời gian phát bệnh đái tháo đường. Chí phí để điều trị bệnh đái tháo đường týp 2 rất tốn kém nhưng ở những bệnh nhân trẻ tuổi đang phát triển thể chất và nhân cách thì sự chăm sóc cần đặc biệt được chú trọng.
Bệnh có thể phòng ngừa được
Từ trường hợp bệnh nhân ít tuổi đã mắc đái tháo đường týp 2 nói trên, các chuyên gia nội tiết đưa ra lời cảnh báo về việc cần phải thay đổi lối sống, chế độ ăn uống vận động để hạn chế bệnh tật nói chung và bệnh đái tháo đường nói riêng.
Nếu bệnh được phát hiện khi còn là yếu tố nguy cơ (thừa cân, béo phì, tăng huyết áp vô căn, trong gia đình có người mắc bệnh đái tháo đường ở thế hệ F1, người từ 45 tuổi trở lên, tiền sử có đái tháo đường khi mang thai hoặc khi sinh con có cân nặng trên 4.000g...) thì chế độ ăn, luyện tập sẽ giúp giảm tỷ lệ mắc bệnh xuống một cách đáng kể. Bên cạnh đó, người lớn không nên chăm sóc đến mức thái quá cho trẻ nhỏ trong chế độ ăn uống vì đây là lý do dẫn tới gia tăng trẻ bị béo phì (nguyên nhân dẫn tới đái tháo đường týp 2), nhất là tại các tỉnh, thành phố lớn.
Quan trọng nhất trong việc phòng tránh bệnh đái tháo đường týp 2 là thay đổi về nhận thức và thói quen. Khác với các quốc gia phát triển trên thế giới, người mắc bệnh đái tháo đường týp 2 tại Việt Nam lại rơi vào những gia đình có thu nhập cao nhưng không có kiến thức về chăm sóc sức khỏe và chế độ ăn hợp lý, không tập luyện thể thao. TS Bình khuyến cáo, khi gia đình có người mắc bệnh đái tháo đường týp 2 thì cần có sự thay đổi chế độ ăn trong cả gia đình, giảm những món ăn nhiều dầu mỡ, bơ, pho-mát, đồ ngọt và nhiều đạm, tăng cường ăn hoa quả, rau xanh để tăng lượng vitamin.
|