Hiện mỗi ngày, có gần 200 bệnh nhi nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính nội trú tại Bệnh viện nhi đồng I, II (TP HCM), trong đó dưới 12 tháng tuổi chiếm đến 60%. Trên toàn quốc, tỷ lệ trẻ mắc bệnh hô hấp cấp so với tổng số bệnh nhi chiếm đến 40%, đây là diễn biến bất thường nếu so với các năm trước.
![]() |
Trẻ điều trị viêm phổi tại Bệnh biện nhi đồng II. Ảnh: Mỹ Lan |
Theo bác sĩ Trần Anh Tuấn, Trưởng khoa hô hấp Bệnh viện nhi đồng I, hằng năm, số lượng trẻ bị mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp tính đông nhất vào lúc đang chuyển mùa và các tháng mưa 8, 9, 10. Đến tháng 11, 12 đã có dấu hiệu giảm xuống. Thế nhưng năm nay tình hình diễn ra không như chu kỳ nữa. Thời điểm này, số lượng trẻ nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính vẫn không giảm so với các tháng cao điểm. Nguyên nhân có thể là do mùa mưa kéo dài và có những đợt không khí lạnh làm trẻ em dễ bị nhiễm siêu vi và vi trùng.
Đa số trẻ nhiễm bệnh đều dưới 5 tuổi, đặc biệt là trẻ dưới 2 tuổi. Lứa tuổi này rất dễ bị siêu vi xâm nhập và gây bệnh vì sức đề kháng quá yếu. Các nghiên cứu cho thấy, có đến 20% trẻ bị nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính sẽ chuyển sang viêm phổi. Đây là căn bệnh gây tử vong hàng đầu trong tất cả các loại bệnh ở trẻ em dưới 5 tuổi, bác sĩ Tuấn cho biết.
Tại khoa hô hấp Bệnh viện nhi đồng I, trẻ nhập viện đều bị viêm phổi rất nặng cần được điều trị dưới sự theo dõi thường xuyên của bác sĩ, có đến 60% bệnh nhi dưới 12 tháng tuổi. Trung bình mỗi ngày có thêm gần 20 trẻ nhập viện vì căn bệnh này. Đa số là các trẻ suy dinh dưỡng, thiếu vitamin A, không được tiêm ngừa đầy đủ, sống trong môi trường chật chội, ô nhiễm, thiếu không khí và ánh sáng. Một số ít trẻ mắc có bệnh bẩm sinh như suy tim, bại não...
Một nguyên nhân làm trẻ bị bệnh nặng phải nhập viện là do cha mẹ không hiểu biết về kiến thức chăm sóc trẻ khi bệnh. Triệu chứng ban đầu của nhiễm khuẩn hô hấp cấp là ho và sổ mũi. Có nhiều phụ huynh tự mua thuốc cầm ho cho trẻ uống khiến trẻ bị ứ đàm và các độc chất dồn lại trong phổi, phế quản. Đây là nguyên nhân làm trẻ khó thở dẫn đến viêm phổi.
Có nhiều phụ huynh lại lạm dụng kháng sinh khi trẻ có dấu hiệu nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính như ho hay sổ mũi. Điều này rất có hại cho sức khỏe của trẻ vì mỗi năm trẻ bị ho hay sổ mũi vài lần là điều bình thường. Không cần phải lo lắng nếu trẻ không có các dấu hiệu nguy hiểm như: thở nhanh, thở có tiếng kêu, co rút lồng ngực khi thở, trẻ ngủ li bì, người tím tái, không uống được nước, bỏ bú. Khi có một trong các dấu hiệu trên cần lập tức đưa trẻ đến bác sĩ, bác sĩ Tuấn khuyến cáo.
Tuy nhiên khi trẻ bị ho hay sổ mũi phụ huynh cần phải theo dõi kỹ nhịp thở để có thể phát hiện ra những dấu hiệu bất thường và đưa đến bác sĩ kịp thời.
Bác sĩ Tuấn khuyên phụ huynh cần làm một số điều sau:
Khi trẻ bị ho sổ mũi thì cần làm sạch mũi, nếu trẻ ho nhiều thì cho uống thuốc làm dịu ho (không phải thuốc cầm ho), giảm đau họng. Giữ trẻ ấm và khô ráo, không nên cho nhiều người tiếp xúc với trẻ để tránh lây thêm vi trùng cho trẻ. Chỉ đưa trẻ đến bác sĩ nếu ho kéo dài trên 7 ngày. Không nên tự ý cho trẻ dùng kháng sinh nếu không có chỉ định của bác sĩ.
Mỹ Lan
▪ Thuốc xịt ngừa thai (10/07/2005)
▪ Cơn khóc co thắt ruột ở trẻ sơ sinh (09/07/2005)
▪ Ăn để tránh stress (09/07/2005)
▪ Kháng sinh có chữa được viêm xoang? (09/07/2005)
▪ Cây trúc đào (09/07/2005)
▪ Ho và khó thở (10/07/2005)
▪ Những yếu tố ảnh hưởng đến tinh trùng (10/07/2005)
▪ TP HCM chủ động phòng chống dịch cúm gia cầm (09/07/2005)
▪ Chứng gầy bệnh lý (09/07/2005)
▪ Một số bệnh lý đặc thù của nam giới (09/07/2005)