Thêm nhiều nguy cơ ở trẻ sơ sinh
Theo một nghiên cứu của Bệnh viện phụ sản Thanh Hóa, có đến 66% số phụ nữ đến khám bị viêm đường sinh dục dưới. Bệnh lý này có thể gây nguy hiểm cho trẻ cả trong thời kỳ bào thai và khi ra đời.
Nghiên cứu trên cho thấy, lứa tuổi 18-29 có tỷ lệ viêm nhiễm đường sinh dục dưới khi mang thai cao nhất (70%), tiếp đến là lứa tuổi 30-39 (61%). Các bệnh phổ biến nhất là viêm âm đạo; âm hộ, viêm cổ tử cung hoặc viêm kết hợp với biểu hiện ra nhiều khí hư, ngứa âm hộ, đau rát và đái buốt; trong đó nấm candidas và khuẩn gram là các tác nhân chủ yếu.
Kết quả trên cũng phù hợp với một khảo sát tại Bệnh viện Phụ sản T.Ư trước đây; theo đó có đến 72% thai phụ mắc ít nhất một loại viêm đường sinh dục dưới (âm hộ, âm đạo hay cổ tử cung). Trong đó, rất nhiều người bị viêm nhiễm kết hợp: 24% thai phụ bị viêm âm đạo và viêm cổ tử cung.
Nhiễm trùng đường sinh dục khi có thai có thể gây sảy thai, đẻ non, thai chết lưu. Trẻ sinh ra có thể bị viêm kết mạc, viêm phổi hoặc chậm phát triển thần kinh do lây vi khuẩn từ mẹ trong khi sinh nở. Mặc dù các chứng viêm nhiễm đường sinh dục ở thai phụ gây hậu quả nặng nề như vậy nhưng trong quy trình quản lý thai nghén, việc khám phát hiện tình trạng này hiện vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Vì vậy các chuyên gia sản phụ khoa khuyến cáo, phụ nữ mang thai phải giữ vệ sinh tốt, mặc đồ lót bằng chất liệu cotton, không rửa vùng kín bằng các loại xà phòng mạnh, cũng không làm sạch bằng cách thụt rửa sâu vào bên trong. Trong các lần khám thai, nên đề nghị bác sĩ kiểm tra xem có viêm nhiễm sinh dục không để chữa khỏi trước khi bé ra đời. Việc dùng thuốc nhất thiết phải theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ để bảo đảm an toàn cho cả mẹ và con. Nếu vợ bị viêm nhiễm, người chồng cũng phải đi khám và điều trị cùng lúc; dùng bao cao su mỗi khi quan hệ tình dục để tránh tái nhiễm cho vợ.
Thiếu kiến thức sức khỏe sinh sản
Theo một nghiên cứu ở Hà Tây, tình hình nhiêm khuẩn đường sinh dục và một số bệnh phụ khoa chiếm tỷ lệ 45%, trong đó viêm âm đạo, viêm cổ tử cung và lộ tuyến cổ tử cung chiếm tới gần 85%. Theo điều tra, yếu tố ảnh hưởng chính là do tiếp xúc với hoá chất bảo vệ thực vật, nguồn nước không bảo đảm... Tác nhân gây bệnh chủ yếu là vi khuẩn gram. Theo các chuyên gia, các bệnh viêm nhiễm này trước mắt không gây ảnh hưởng lớn đến tính mạng nhưng nếu không điều trị kịp thời sẽ gây vô sinh, sinh các khối u dẫn đến ung thư. Như vậy, phụ nữ nên hạn chế tối đa việc tiếp xúc với hoá chất bảo vệ thực vật, biết cách chăm sóc SKSS để phòng bệnh.
Một điều tra khác được thực hiện trên 2.500 phụ nữ (tuổi 18-45) tại Hà Nội, Nghệ An, Hà Nam, Hải Dương và Thái Bình cho thấy, tỷ lệ phụ nữ bị viêm nhiễm đường sinh dục lên tới 64%. Nguyên nhân chủ yếu cũng do nấm candidas. Ngoài ra còn có một số vi khuẩn và ký sinh trùng khác như tụ cầu vàng, trùng roi âm đạo, E.coli...
Theo khuyến nghị của một số tỉnh, đề nghị UBND tỉnh, Sở Y tế sớm triển khai đề án thực hiện Chiến lược Quốc gia về chăm sóc SKSS, trong đó nội dung phát hiện và điều trị sớm các bệnh nhiễm khuẩn đường sinh sản nhằm giảm tỷ lệ mắc cũ, hạn chế mắc mới, kể cả các bệnh lây truyền qua đường tình dục và HIV/AIDS, nhất là phụ nữ vùng nông thôn không có khả năng điều trị. Kinh phí dành cho phát hiện và điều trị các bệnh nhiễm khuẩn đường sinh sản cần được đầu tư thích đáng. Tăng cường giáo dục cho chị em kiến thức thông thường về vệ sinh và phòng chống các bệnh phụ nữ, phòng chống các bệnh lây truyền qua đường tình dục, gắn công tác phòng chống các bệnh nhiễm khuẩn đường sinh sản với công tác KHHGĐ nhằm không ngừng nâng cao chất lượng SKSS, góp phần nâng cao chất lượng dân số.
|