Bệnh ung thư tăng nhanh - có phải là đột biến?
Các Website khác - 08/08/2005
Theo nghiên cứu của Bệnh viện E Hà Nội từ năm 2001-2005, với 1.533 bệnh nhân mắc bệnh ung thư trên 74.000 bệnh nhân nằm điều trị nội trú tại đây cho thấy, tỷ lệ ung thư ngày càng tăng. Theo PGS. TS. Đoàn Hữu Nghị, BV E Hà Nội, lứa tuổi mắc nhiều nhất từ 60-70 tuổi, nam mắc nhiều hơn nữ. Ung thư tiêu hóa thường gặp nhiều nhất ở thành thị, cao hơn ở nông thôn.
Nam ung thư nhiều hơn nữ gấp 1,76 lần

Theo nghiên cứu này, tỷ lệ bệnh nhân mắc bệnh ung thư tăng dần theo các năm. Nếu năm 2001, tổng số người mắc ung thư là 301 người và năm 2002 là 394 thì đến năm 2004 con số này lên đến 493. Lứa tuổi mắc ung thư gặp nhiều từ 51 đến 80 tuổi, cao nhất từ 61-70 (chiếm 25,96%), tiếp theo là lứa tuổi từ 51-60 (chiếm 32%). Cũng theo thống kê, tỷ lệ mắc ung thư tại BV E trong 4 năm là 1.533 ca, trong đó nam là 977 ca và 556 ca ở nữ. Như vậy, số lượng mắc ung thư ở nam nhiều hơn ở nữ là 1,76 lần. Theo một số liệu thống kê khác cho thấy, tỷ lệ mắc ung thư ở Hà Nội là 145,5/100.000 dân (nam) và 94,7/100.000 dân (nữ).

Theo PGS. Nghị, ở nam, ung thư gan chiếm phần lớn sau đó là ung thư dạ dày, ung thư phổi và phế quản. Tỷ lệ mắc ung thư thường gặp nhất ở nữ là ung thư dạ dày, sau đó là phế quản, cổ tử cung, buồng trứng. Thời gian gần đây, các bệnh ung thư ở nữ tăng nhanh như: máu, phổi, phụ khoa, dạ dày, đại trực tràng và gan.

Bồ hóng gây ung thư da

Trong 230 trường hợp bệnh lý da tại BV U bướu Hà Nội thì có tới 24 ca ung thư. Ở Việt Nam, ung thư da là bệnh thường gặp với 95% gặp ở vùng da hở (mặt chiếm 90%). Theo ghi nhận của BV K, ung thư da chiếm khoảng 4,5/100.000 dân. Nguyên nhân chủ yếu của ung thư da do tia cực tím/phóng xạ, chất hoá học arsenic, chất diệt cỏ, bồ hóng, tổn thương tiền ung thư da như mụn cơm, xơ da nhiễm cực tím. Đặc biệt, ung thư da thường phát triển ở những nốt ruồi.

Theo nghiên cứu, việc phơi nắng nhiều và liên tục của những người làm việc ngoài trời được coi là yếu tố nguyên nhân của ung thư da. Bức xạ tím trong tia nắng mặt trời được coi là tác nhân gây ung thư da, nhất là trên các vùng da bộc lộ của cơ thể, nhất là vùng mặt và lưng bàn tay. Sẹo phỏng cũ là nơi dễ xảy ra ung thư da. Ung thư da xảy ra trung bình 20-30 năm sau khi bị sẹo và thường xuất hiện sau khi bị loét kéo dài. Tuổi càng lớn thì thời gian này càng ngắn. Cơ chế sinh ung thư da trên nền sẹo phỏng cũ chưa được nêu rõ ràng nhưng có những yếu tố lý giải: vùng da sẹo thường có màu hồng hoặc sáng trắng do không có sắc tố melanin bảo vệ da với bức xạ tia cực tím, dinh dưỡng ở mô sẹo kém, do mất cảm giác vì thương tổn đầu tận cùng thần kinh cảm giác ở vết sẹo cho nên bị chấn thương và chấn thương mạnh. Ngoài ra sự viêm kéo dài trên nền sẹo phỏng cũng là nguyên nhân sinh ung thư.

Theo các nhà nghiên cứu, asen (thạch tín) có thể đưa đến các tổn thương tiền ung thư loại bệnh sừng, thường từ 10-15 năm sau diễn tiến thành ung thư, đặc biệt ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, vùng bẹn. Theo nghiên cứu, việc sử dụng thuốc đông y và tây y thời kỳ chưa có steroid, asen được dùng để điều trị bệnh hen suyễn, tây y còn dùng asen để điều trị lác, vảy nến, loét da vùng cùng cụt và một số bệnh ngoài da khác. Gần đây, khi khảo sát tám mẫu thuốc gia truyền thu ngẫu nhiên tại TP Hồ Chí Minh, Hà Tây, Huế, Nha Trang, An Giang cho thấy có bốn mẫu có hàm lượng asen rất cao. Thuốc trừ sâu, diệt cỏ có tới 97% sử dụng toàn bộ hợp chất asen.

Tia nắng mặt trời gây ung thư da đầu

Theo một nghiên cứu tại BV Ung bướu TP Hồ Chí Minh, rất ít ca ung thư da đầu, cổ là tiền căn bệnh lý mạn tính ở da từ trước mà chủ yếu (50%) trường hợp ung thư da có tiền căn mắc các bệnh lý da mãn tính như sẹo phỏng, vết thương chiến tranh, vết loét mạn tính, nhiễm asen... Do vậy, yếu tố nguy cơ gây ung thư da đầu, cổ chủ yếu là do bức xạ cực tím trong tia nắng mặt trời, còn yếu tố nguy cơ gây ung thư da ở thân và chi là sẹo phỏng, vết thương chiến tranh, nhiễm asen và các thương tổn da khác gây nên. Theo BS.Phạm Hùng Cường, BV Ung bướu TP Hồ Chí Minh, ung thư da đầu, cổ thường gặp ở tuổi 65, phần lớn xuất hiện ở vùng mặt và thường được phát hiện ở giai đoạn sớm. Còn ung thư da ở thân và chi thường phát hiện ở độ tuổi 59 và nam mắc bệnh nhiều gấp ba lần nữ. BS. Cường cho biết, phẫu thuật là phương pháp điều trị chủ yếu ở những trường hợp này. Với ung thư da mặt, phẫu thuật cắt rộng với diện tích 0,5-1cm và tạo hình bằng các vạt da tại chỗ. Còn với ung thư da, tại các khu vực thân và chi, bệnh nhân sẽ được cắt rộng với diện tích 2cm, trong các trường hợp bệnh lan rộng hoặc ăn sâu thì phải cắt chi hoặc tháo khớp.

Một nghiên cứu khác cũng cho thấy, ung thư da đầu thường gặp ở những người thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Điều trị bằng phẫu thuật tạo hình là chủ yếu nhưng khi ung thư xâm lấn vào xương sọ thì việc điều trị sẽ phức tạp và nguy cơ cao hơn. Lúc này, cần có sự phối hợp chuyên khoa ngoại thần kinh, nhất là các trường hợp bướu xâm lấn hết bề dày của xương sọ.

Theo Gia đình và xã hội