Cảnh báo tình trạng kê đơn thuốc theo quảng cáo
Các Website khác - 21/11/2005
Ngành y tế đã quy định bác sĩ khi kê đơn thuốc cho người bệnh phải ghi bằng tên gốc nếu là thuốc chỉ có một thành phần hoạt chất. Nhưng tình hình lạm dụng tên biệt dược, tên thuốc quảng cáo khi kê đơn cho bệnh nhân đã trở thành phổ biến.
Kê đơn bằng biệt dược

Kê đơn thuốc theo quảng cáo gần như đồng nghĩa với việc bán thuốc đắt cho bệnh nhân. Nếu thầy thuốc kê đơn bằng tên biệt dược được quảng cáo liên tục qua nhiều kênh thông tin thì người bệnh phải dùng loại thuốc rất đắt tiền.

Thí dụ, kê thuốc kháng sinh bằng tên gốc cefuroxim, thuốc nội chỉ có 4.500 đồng/viên. Còn nếu kê bằng tên biệt dược zinnat của ngoại, loại cùng hàm lượng, giá lên đến 13.000đồng/viên. Nhiều người không biết rằng Dolodon cũng chính là paracetamol mà cứ yên trí đây là một thuốc mới có hiệu quả trong điều trị giảm đau nhanh. Các hãng sản xuất thuốc quảng cáo tên biệt dược của mình khá hiệu quả nên nhiều thầy thuốc chỉ nhớ tên biệt dược mà quên tên gốc của thuốc. Hay neumomicid thường bị nhầm là một loại kháng sinh mới điều trị các bệnh nhiễm khuẩn. Thực ra đây chỉ là một tên thuốc được quảng cáo rất nhiều mà thành phần là spiramycin, một kháng sinh thuộc nhóm macrolid.

Tên biệt dược bị lạm dụng đến mức có nơi nhiều người mặc nhiên coi việc kê đơn một tên biệt dược quen thuộc mới là “hợp lý”. Ai kê tên gốc của thuốc có khi bị coi là “thần kinh có vấn đề”. Có thầy thuốc còn quả quyết chỉ dùng adalate chứ không chịu kê nifedipin. Thực ra nifedipin là tên gốc của biệt dược adalate. Nhiều bác sĩ kê đơn thậm chí không còn biết tên gốc của thuốc. Thí dụ như thuốc nhóm glucocorticoid rất cần trong các trường hợp cấp cứu chống sốc, chống dị ứng nặng, hen suyễn, phản ứng sốc phản vệ có thành phần là mazipredon được quen dùng với tên là depersolon. Tên này quen thuộc đến mức hầu như ai kê đơn cũng ghi thuốc cấp cứu ấy là depersolon chứ chưa thấy ai kê bằng tên mazipredon cả. Meclophenoxat là loại thuốc dùng cho các bệnh liên quan đến não. Thuốc này quen thuộc với tên là lucidril đến mức nhiều bệnh viện khi mua loại thuốc đó bằng các tên na ná khác sản xuất trong nước như lucikvin, lucidin, v.v... người ta vẫn gọi nó là lucidril.

“Loạn” tên thuốc

Hầu hết người dùng thuốc không thể phân biệt và hiểu được ý nghĩa của việc kê đơn bằng tên gốc hay tên biệt dược của thuốc. Nếu kê vitamin B1, B2, B6, C, thì ai cũng biết đó là các loại thuốc bổ sung vitamin. Còn nếu kê cho bệnh nhân bằng một biệt dược của vitamin C, chẳng hạn Enervon - C (vitamin C kết hợp với một số vitamin nhóm B), nhiều bệnh nhân yên trí đây là loại thuốc mới.

Một tên thuốc thuộc nhóm hướng thần rất hay dùng với nhiều người, kể cả khu vực ngoài bệnh viện, là diazepam (biệt dược đầu tiên là valium). Loại thuốc an thần, giải âu lo này được mọi người biết đến với tên biệt dược seduxen là chính. Kiểm tra các bệnh án tại một số bệnh viện thấy rất ít bác sĩ kê tên gốc diazepam, mà bằng tên biệt dược seduxen là nhiều. Các nhà sản xuất trong nước khi bào chế loại thuốc này cũng cố ý đặt tên thuốc nghe na ná là mekoluxen rồi seluxen, v.v... Thậm chí vỏ bao bì của các loại thuốc này được trình bày gần giống với loại thuốc ngoại nổi tiếng. Với người tiêu dùng thông thường, nhầm lẫn nội với ngoại trong trường hợp ấy là hiển nhiên.

Trong nền kinh tế thị trường, tên thương mại (trade name) chính là thương hiệu của sản phẩm. Chỉ với một sản phẩm sữa thôi, người tiêu dùng đã có thể bối rối trước hàng loạt thương hiệu. Còn với thuốc chữa bệnh thì sao? Thị trường Việt Nam hiện có hơn 12.000 tên thuốc được sản xuất từ khoảng hơn 1.000 hoạt chất. Bước vào hiệu thuốc, chỉ nhìn tên biệt dược người tiêu dùng cũng đã thấy chóng mặt. Chỉ riêng thuốc gốc paracetamol, một loại thuốc giảm đau, hạ sốt, đã có đến hàng trăm tên biệt dược khác nhau cả nội và ngoại.

Thuốc là loại hàng hóa đặc biệt mà bệnh nhân không có quyền lựa chọn. Người lựa chọn cho họ là bác sĩ kê đơn. Chỉ thị 05 của Bộ Y tế đề cao việc sử dụng thuốc phải bảo đảm an toàn, hợp lý, hiệu quả và kinh tế. Tình hình lạm dụng tên thuốc biệt dược theo quảng cáo trong các đơn thuốc kê cho bệnh nhân hiện nay đang là vấn nạn không chỉ riêng ở nước ta.

Tại nước ta, tình trạng quảng cáo các loại thuốc trị cảm quá nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng đã đưa đến những hậu quả xấu. Một số người có bệnh lý về tim mạch như tăng huyết áp lẽ ra không được dùng các loại thuốc cảm phối hợp có chứa paracetamol và một số chất chống sung huyết, chống dị ứng như phenyl propanolamin, dextromethorphan, chlorpheniramin... thường gặp ở các biệt dược tiffi, decolgen... Nhiều người đã bị tăng huyết áp kèm theo đau đầu, buồn nôn, co giật, mạch chậm, rối loạn nhịp tim... Khi khai thác người bệnh hoặc người nhà bệnh nhân thì thấy thường là do bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp hoặc uống cùng lúc mấy thứ thuốc có cùng tác dụng nhưng khác tên.

Trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay, người thầy thuốc và cả bệnh nhân cần thận trọng khi lựa chọn thuốc để sử dụng khi chữa bệnh. Thông tin có chọn lọc, không phụ thuộc vào quảng cáo và nhất là không chung chia “hoa hồng” với các thuốc quảng cáo. Kê đơn cho bệnh nhân hiệu quả là đúng bệnh, đúng thuốc, an toàn, hợp lý và phù hợp với điều kiện kinh tế của họ, đó mới là thiết thực thực hiện y đức của người thầy thuốc.

Thạc sĩ Minh Ngọc

Theo Theo Sức khỏe đời sống