Đầu năm 2002, Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng đề tài khoa học độc lập cấp Nhà nước "Nghiên cứu và đánh giá tính an toàn và hiệu lực thuốc Cedemex giai đoạn hai và ba trong hỗ trợ cắt cơn nghiệm ma túy - nhóm Opiates", giao cho Viện Nghiên cứu và ứng dụng dược liệu điều trị bệnh hiểm nghèo chủ trì thực hiện, Bộ Y tế là cơ quan phối hợp chỉ đạo tổ chức các bước thử nghiệm đánh giá lâm sàng về đánh giá tính an toàn và hiệu lực của thuốc do Bộ Y tế ban hành.
Cedemex là thuốc có nguồn gốc từ thảo dược - một công trình khoa học do giáo sư dược học Vũ Văn Chuyên và TS, BS Nguyễn Phú Kiều là tác giả sáng chế, nhằm hỗ trợ cai nghiện ma túy, góp phần tích cực và hiệu quả trong công tác phòng, chống tệ nạn xã hội ở nước ta.
Ngày 2-8-2003, Hội đồng khoa học cấp Nhà nước họp để đánh giá chính thức kết quả nghiên cứu của đề tài. Hội đồng đã kết luận: "... Thuốc Cedemex có tính an toàn và hiệu lực trong hỗ trợ cắt cơn nghiện ma túy nhóm Opiates; có tác dụng bình ổn nhanh các triệu chứng của hội chứng cai, đặc biệt là hai triệu chứng dị cảm và thèm đói ma túy. So với thuốc an thần kinh, thuốc Cedemex có tác dụng tốt hơn với ý nghĩa thống kê (P<0,01), thuốc sử dụng an toàn và không độc..."
Từ kết quả đó, Bộ Khoa học và Công nghệ cho triển khai tiếp dự án sản xuất cấp Nhà nước mang tên: "Hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất thuốc hỗ trợ cắt cơn nghiện ma túy nhóm Opiates" thực hiện trong hai năm (từ tháng 6-2004 đến tháng 6-2006).
Ngày 27-7-2004, Cục Quản lý Dược Việt Nam (Bộ Y tế) có quyết định công bố thuốc sản xuất trong nước được phép lưu hành tại Việt Nam. Trước mắt, thuốc Cedemex được ứng dụng ngay vào điều trị tại các trung tâm cai nghiện ma túy của cả nước, với tổng liều sử dụng là 180 viên, trong 14 ngày, gồm bốn ngày điều trị cắt cơn và mười ngày điều trị duy trì sau cai.
Theo hướng này, trên cơ sở thực hiện Dự án sản xuất cấp Nhà nước, viện cùng Công ty Dược phẩm Quế Lâm (một cơ sở trực thuộc viện) triển khai hoàn thiện công nghệ và đi vào sản xuất Cedemex với khối lượng từng bước đáp ứng nhu cầu của các trung tâm cai nghiện trong nước. Đồng thời vào thời điểm cuối năm 2004, viện trực tiếp cùng ngành lao động, thương binh và xã hội (LĐTBXH) địa phương tổ chức việc đưa thuốc về ứng dụng điều trị tại cộng đồng cho 80 người ở huyện Yên Mỹ (Hưng Yên) và cho năm người ở thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh).
Đến nay, theo báo cáo của cơ sở gửi về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, kết quả được đánh giá: "Quá trình cắt cơn rất êm dịu, hầu hết bệnh nhân cai nghiện hoàn toàn tỉnh táo trong bốn ngày đầu điều trị tiến công. Thuốc có tác dụng bình ổn tối đa các triệu chứng của hội chứng cai, đặc biệt là dị cảm (dòi bò) và thèm đói ma túy mà người nghiện rất sợ hãi cho nên thường từ chối cai. Tiếp theo người bệnh được uống Cedemex duy trì trong mười ngày và phối hợp điều trị phục hồi các rối loạn chức năng do nghiện ma túy gây ra. Đây là điểm mới khác biệt so với các phương pháp cai nghiện đang được phép ứng dụng ở nước ta hiện nay; Thuốc dễ sử dụng, an toàn và chưa ghi nhận được tác dụng phụ không mong muốn trong suốt quá trình cai. Sau cai, người nghiện ăn ngủ tốt, tăng cân 2-3 kg/tháng". Báo cáo của Hà Tĩnh còn nói rõ: "Sau bốn ngày sử dụng thuốc giai đoạn tiến công, các đối tượng đã cắt cơn nghiện êm dịu, tâm trạng thoải mái, không có biểu hiện đói thuốc, đã được giao về cho gia đình quản lý, điều trị duy trì mười ngày tiếp theo. Hiện cả năm đối tượng trở lại lao động sản xuất bình thường". Cả hai cơ sở ứng dụng này đều có kiến nghị mở rộng mô hình này ra toàn địa bàn tỉnh, bởi tính hiệu quả cao và đáp ứng nhu cầu của cộng đồng, phù hợp thực tế ở địa phương và từng gia đình, nhất là các tỉnh chưa tổ chức được các trung tâm cai nghiện.
Cùng với việc triển khai dự án này, viện còn được Bộ Khoa học và Công nghệ cho phép hợp tác với Trung Quốc theo Nghị định thư khóa năm giữa Chính phủ hai nước Việt Nam - Trung Quốc với đề tài "Nghiên cứu cơ chế tác dụng và bào chế tinh chất thuốc Cedemex từ 2004-2006". Vừa qua, TS Nguyễn Phú Kiều, Phó Viện trưởng thường trực kiêm Chủ nhiệm đề tài đã cho biết những công bố đầu tiên về kết quả nghiên cứu phối hợp giữa hai nước: Trên thực nghiệm Cedemex có hiệu lực cai nghiện tốt, thuốc an toàn, không gây độc, không có tác dụng phụ với liều sử dụng. Các nhà khoa học Trung Quốc còn khẳng định, Cedemex không gây nghiện cho người sử dụng và thuốc có tác dụng chống tái nghiện tốt sau cai. Như vậy, về mặt khoa học, Cedemex có tính hơn hẳn là đã khắc phục được những nhược điểm của các loại thuốc cai nghiện đang lưu hành ở Việt Nam và trên thế giới như Methadone, Natrexol, An thần kinh... Hiện nay, các nhà khoa học hai bên đang tiếp tục nghiên cứu sâu hơn về cơ chế tác dụng của Cedemex lên các triệu chứng của hội chứng cai.
Với các kết quả nghiên cứu và ứng dụng nói trên, mong thuốc Cedemex vào các trung tâm cai nghiện của cả nước, đồng thời cho phép triển khai mô hình cai nghiện tại cộng đồng, đáp ứng nhu cầu cai nghiện bức thiết với sự mong đợi của bản thân người nghiện và thân nhân của họ.
|