Sau tai nạn, nhiều bệnh nhân bị lồi mắt, ù tai, rất khó chịu, bức bối. Bệnh viện Bạch Mai đã áp dụng thành công một biện pháp điều trị không cần mổ, đó là nút lỗ thông động mạch cảnh vào xoang tĩnh mạch hang.
Bệnh nhân Hưng, 20 tuổi ở Hưng Yên, bị chấn thương não trong một vụ tai nạn giao thông. Hai mắt lồi ra, 2 tai bị ù nên anh không thể nghe và nhìn rõ người xung quanh. Lúc nào Hưng cũng nghe thấy tiếng ù ù thổi trong tai như tiếng máy xay lúa, nhất là vào ban đêm, khiến đầu óc quay cuồng... Cùng cảnh ngộ với anh là chị Lan ở Bắc Giang, cũng lồi mắt do bị chồng đánh quá mạnh vào mặt.
Tiến sĩ Phạm Minh Thông, Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh Bệnh viện Bạch Mai, cho biết, đây không phải là những trường hợp hiếm gặp. Chứng lồi mắt ù tai xuất hiện do động mạch cảnh trong bị vỡ ở đoạn đi qua xoang tĩnh mạch hang, thông trực tiếp vào xoang này. Hậu quả là tĩnh mạch mắt trên giãn to, gây hiện tượng lồi mắt, ù tai.
Trước đây, bệnh được điều trị bằng cách phẫu thuật, thả miếng thịt tự thân vào động mạch cảnh trong với hy vọng bít tắc lỗ thông động mạch, tĩnh mạch. Kỹ thuật này có tỷ lệ thành công thấp (60-70%). Nhiều trường hợp đã mổ tác động mạch cảnh trong nhưng bệnh không khỏi, mắt vẫn bị lồi như cũ và bệnh nhân phải điều trị lại bằng nút động mạch rất phức tạp do không có đường động mạch đi vào tổn thương.
Trong phương pháp nút mạch mà Bệnh viện Bạch Mai mới ứng dụng, các bác sĩ đưa ống thông lên động mạch cảnh trong theo đường động mạch đùi. Sau đó, họ đưa bóng (bằng Latex hay Silicon) vào xoang hang và bơm bóng bằng thuốc cản quang có kiểm tra bằng chụp mạch số hóa. Đến khi lỗ thông tắc hoàn toàn, họ rút ống thông và để lại bóng làm nhiệm vụ bít lỗ. Theo tiến sĩ Thông, ưu điểm lớn nhất của phương pháp nút mạch là tỷ lệ thành công gần 100%, lại không có tai biến.
Nút mạch cũng được chỉ định điều trị nhiều bệnh lý khác như u máu, còn các thông động tĩnh mạch, các dị dạng mạch, các trường hợp ung thư không mổ được. Nút mạch có thể kèm hóa chất trong điều trị ung thư gan nguyên phát. Ngoài ra, kỹ thuật này còn được sử dụng trong các cấp cứu chảy máu nặng khó can thiệp phẫu thuật như chảy máu sau chấn thương, chảy máu sau chiếu xạ, chảy máu do u, ho ra máu, xuất huyết tiêu hóa, chảy máu cam… Để giảm đáng kể tình trạng chảy máu trong khi mổ, người ta tiến hành nút mạch trước mổ một vài ngày để làm ngừng tưới máu cho tổn thương.
(Theo Sức Khỏe & Đời Sống)
▪ Thuốc xịt ngừa thai (10/07/2005)
▪ Cơn khóc co thắt ruột ở trẻ sơ sinh (09/07/2005)
▪ Ăn để tránh stress (09/07/2005)
▪ Kháng sinh có chữa được viêm xoang? (09/07/2005)
▪ Cây trúc đào (09/07/2005)
▪ Ho và khó thở (10/07/2005)
▪ Những yếu tố ảnh hưởng đến tinh trùng (10/07/2005)
▪ TP HCM chủ động phòng chống dịch cúm gia cầm (09/07/2005)
▪ Chứng gầy bệnh lý (09/07/2005)
▪ Một số bệnh lý đặc thù của nam giới (09/07/2005)