Chữa tiểu đường type 1 bằng kháng thể
Các Website khác - 29/06/2005
Kháng thể dùng trong điều trị bệnh tiểu đường type 1.

Lần đầu tiên trên thế giới có một liệu pháp điều trị bệnh tiểu đường type 1 bằng kháng thể, giúp người bệnh không còn phụ thuộc vào việc tiêm bổ sung hoóc môn insulin.

Bệnh tiểu đường xảy ra do thiếu hoóc môn insulin, làm cho lượng glucose trong máu biến đổi bất thường, dẫn tới các bệnh tim mạch, thậm chí cụt chi, suy thận, mù lòa và tử vong.

So với bệnh tiểu đường type 2, tiểu đường type 1 nghiêm trọng hơn song hiếm và mang tính di truyền. Đó là một rối loạn tự miễn, trong đó hệ miễn dịch của cơ thể tấn công các tế bào chuyên sản xuất insulin của tuyến tuỵ.

Loại kháng thể trong liệu pháp điều trị mới có tên là CD3, có khả năng khống chế các tế bào bạch huyết gây bệnh. 8 bệnh nhân tiểu đường type 1 từ 12 đến 39 tuổi đã tham gia thử nghiệm. Một nửa số này được tiêm kháng thể CD3 trong 6 ngày liên tục, số còn lại dùng giả dược.

18 tháng sau đó, 75% số người nhận kháng thể đã giảm thiểu đáng kể sự phụ thuộc vào việc bổ sung insulin, do tuyến tuỵ của họ đã lấy lại khả năng cung cấp hoóc môn này một cách tự nhiên. "Những biến chứng thoái hóa của bệnh cũng giảm", thành viên nhóm nghiên cứu Lucienne Chatenoud, Viện nghiên cứu y học và sức khỏe Pháp, cho biết.

Bệnh tiểu đường type 1 chủ yếu ảnh hưởng đến trẻ nhỏ. Mặc dù nguyên nhân gây bệnh là do gene, song dinh dưỡng và các bệnh truyền nhiễm có thể khiến bệnh thêm trầm trọng. Trong khi đó, tiểu đường type 2 lại liên quan đến bệnh béo phì và lối sống, phổ biến ở người trưởng thành. Trong trường hợp này, insuline được sản xuất tự nhiên nhưng không cung cấp đủ nhu cầu cơ thể và không hoạt động hiệu quả. Nguyên nhân có thể do có sai sót hoặc bản thân tế bào cơ thể kháng lại insulin.

Mỹ Linh (theo AFP)