Bộ trưởng NN-PTNT Cao Đức Phát, Trưởng ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm: Có thể sử dụng sản phẩm gia cầm nhưng bắt buộc phải nấu chín
* Một số cơ sở chăn nuôi có ý hiến đề xuất Bộ NN-PTNT giúp tiêu hủy gia cầm và hỗ trợ họ theo chính sách 15.000 đồng/con. Hướng giải quyết hiện nay của Bộ NN-PTNT như thế nào, thưa Bộ trưởng?
- Đúng là có một số cơ sở chăn nuôi đề nghị Bộ NN- PTNT xử lý đàn gia cầm của họ. Tuy nhiên, hiện nay còn nhiều nơi khác cần phải giải quyết và xử lý để ngăn chặn dịch cúm, nên chưa thể đáp ứng yêu cầu tiêu hủy gia cầm khỏe mạnh để bồi thường được. Những cơ sở chăn nuôi lớn mà không có dịch thì vẫn tiếp tục tiến hành công tác vệ sinh tiêu độc khử trùng để chống dịch và sản xuất gia cầm bình thường.
* Thế nhưng, do người tiêu dùng không sử dụng sản phẩm gia cầm, một số cơ sở chăn nuôi nói họ có thể thả gia cầm ra hoặc bỏ đói nên nguy cơ dịch bệnh sẽ lớn hơn rất nhiều?
- Làm như thế là không được! Bộ NN-PTNT đã chủ trương chống dịch cho những cơ sở trọng điểm, nếu phát hiện dịch thì mới tiến hành tiêu hủy. Còn những cơ sở chăn nuôi gia cầm khỏe mạnh, Bộ đã rất chú trọng hỗ trợ công tác vệ sinh tiêu độc khử trùng và tiêm phòng vaccine để chống dịch. Do vậy, không cớ gì mà tiêu hủy hết gia cầm khỏe mạnh, vì nếu vậy thì công sức tiêm phòng, vệ sinh khử trùng coi như bằng không.
* Nếu vậy, Bộ NN-PTNT có khuyến cáo gì đối với những người sử dụng sản phẩm gia cầm cho an toàn?
- Trên cơ sở đã trao đổi với các nhà khoa học và bằng các phân tích cụ thể, Bộ NN-PTNT khuyến cáo, trước nguy cơ đại dịch, người dân nên hạn chế sử dụng gia cầm và các sản phẩm gia cầm. Tuy nhiên, nếu như người dân muốn ăn thịt gia cầm và các sản phẩm gia cầm thì bắt buộc phải qua kiểm dịch của thú y và đã qua chế biến (luộc, rán, nướng, quay...) mới bảo đảm an toàn. Người chế biến gia cầm phải thực hiện đúng quy định như đeo khẩu trang, găng tay khi chế biến gia cầm, khi chế biến xong phải thực hiện sát trùng chân tay và vệ sinh cá nhân.
* Thông tin những bệnh nhân bị virus H5N1 do ăn lẩu gà và cháo gà có phải là nguyên nhân chính khiến người dân hoảng hốt và không dám ăn sản phẩm gia cầm nữa?
- Theo tôi, nếu ăn lẩu gà chín trong 100 độ C thì không thể nhiễm virus H5N1. Có thể người ăn lẩu gà này chưa bảo đảm nấu chín hoặc có tiếp xúc trực tiếp với thịt gà còn sống trước khi nhúng vào lẩu. Đối với bệnh nhân ăn cháo gà cũng có nguyên nhân tương tự.
* Do không tiêu thụ được cộng với quy định tiêm phòng vaccine phải chờ tới sau 28 ngày mới sử dụng được, nên nhiều hộ dân không muốn tiêm phòng. Hướng giải quyết vấn đề này của Bộ NN-PTNT ra sao, thưa Bộ trưởng?
- Theo công bố mới nhất của các tổ chức: Y tế thế giới, Thú y thế giới, Nông lương Liên hợp quốc, gia cầm sau khi tiêm phòng 14 ngày là có thể sử dụng an toàn. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, đã xuất hiện một số khó khăn vướng mắc và tiến độ tiêm phòng chậm là do nuôi phân tán, nhiều nơi khi xuống tiêm phòng, dân đã thả gia cầm ra không bắt được... Do đó, Bộ NN-PTNT đã yêu cầu các địa phương thông báo lịch tiêm chi tiết xuống từng thôn bán để các nhà dần chủ động nhốt gà lại và tiêm phòng.
Chúng tôi cũng đề xuất với Bộ Tài chính chi kinh phí cho mỗi nhân viên thú y đi tiêm phòng là 50.000 đồng/người/ngày, Bộ Tài chính đã cơ bản nhất trí với đề xuất này.
* Xin cảm ơn Bộ trưởng.
--------------
Phó Cục trưởng Cục chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) Hoàng Kim Giao: Không tiêu hủy toàn bộ đàn gia cầm
Ông Giao cho biết : Nếu chúng ta tiêu huỷ toàn bộ 220 triệu của gia cầm, chưa chắc sức khoẻ con người đã được bảo vệ. Ngoài gia cầm, nguy cơ xảy ra dịch cúm trên người còn có nguồn gốc từ các loại chim trời mà hiện chúng ta không quản lý được; rồi còn giao lưu, qua lại giữa người và người với nhau. Trong giaiđoạn hiện nay, tốt nhất là chỉ tiêu hủy gia cầm ở những vùng có dịch; giảm đàn và tiêu độc khử trùng thật tốt.
* Ý kiến cho rằng việc tiêu hủy hết đàn gia cầm sẽ là cơ hội để chúng ta quy hoạh lại ngành chăn nuôi gia cầm theo hướng tập trung, công nghiệp?
- Không phải chỉ tiêu hủy hết mới quy hoạch lại được. Việc chúng ta chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún, là do điều kiện đặc thù của Việt Nam bắt buộc phải như vậy. Thậm chí, có tiêu hủy hết cũng không thể chăn nuôi tập trung, công nghiệp. Không phải hộ chăn nuôi nào cũng có ý thức để chuyển chăn nuôi nhỏ lẻ thành tập trung. Mặt khác, ở nhiều nước trên thế giới bên cạnh việc chăn nuôi tập trung, công nghiệp người ta còn đẩy mạnh chăn nuôi nhỏ lẻ, tự nhiên như Việt Nam.
* Thưa ông, cũng có ý kiến cho rằng, ngành nông nghiệp đã "lỡ" triển khai chiến dịch tiêm phòng vaccine? Nếu tiêu hủy là đồng nghĩa với phá sản kế hoạch này và vấn đề trách nhiệm được đặt ra?
- Không phải vì lý do đã tiêm vaccine nên phải bảo vệ đàn gia cầm. Bởi trước khi tiêm vaccine, chúng tôi đã khẳng định, đây chỉ là một trong nhiều biện pháp để hạn chế dịch cúm gia cầm chứ không phải là biện pháp duy nhất. Do đó, nếu lấy lý do vì tiêm vaccine để không tiêu hủy là không đúng. Thực tế, những nơi tiêm vaccine cho đàn gia cầm thì chưa phát hiện dịch. Còn về trách nhiệm? Tôi nghĩ rằng, không bảo vệ được đàn gia cầm, không giữ được chúng mới phải chịu trách nhiệm.
* Nhưng giữ lại sẽ phải mất tiền tiêm vaccine, trong khi sản phẩm vẫn không tiêu thụ được?
- Quan điểm này không hoàn toàn đúng. Nếu giả thiết tiêu hủy, chúng ta sẽ lấy đất đâu để chôn lấp 220 triệu con gia cầm và việc chôn lấp này sẽ ảnh hưởng lớn đến môi trường sinh thái, ô nhiễm nguồn nước. Còn nếu giết hết để làm thực phẩm, chúng ta cũng không có kho lạnh, kho chứa nhằm bảo quản. Hơn nữa, nói về hiệu quả kinh tế cũng chưa chắc đã tốt hơn, vì ngoài đền bù tiêu hủy, mà ngay việc hỗ trợ chăn nuôi trở lại cũng sẽ phải chi phí rất lớn.
* Không tiêu hủy gia cầm, quan điểm của Bộ NN-PTNT như thế nào đối với đàn gia cầm hiện nay?
- Vào thời điểm này, tốt nhất là phải tiến hành giảm đàn gia cầm; bao vây, khoanh vùng dịch và tiêu trùng, khử độc. Song song đó phải tiến hành tìm đầu ra, tiêu thụ sản phẩm cho người dân để chống dịch lâu dài? Mặt khác, phải tuyên truyền cho người chăn nuôi cũng như người tiêu dùng có ý thức bảo vệ bản thân, gia đình trước nguy cơ của đại dịch.
- Xin cảm ơn ông.
|