Để khớp bớt đau
Các Website khác - 15/12/2005

TT - Giữ ấm bàn tay, bàn chân, hai tai và đầu chính là cẩm nang dành cho mọi bệnh về xương - khớp trong mùa đông được dự báo là lạnh nhất của miền Bắc trong vòng 30 năm qua này.

GS.TS Trần Ngọc Ân, chủ tịch Hội Cơ xương khớp VN, khuyến cáo như trên và nhấn mạnh bệnh nhân viêm khớp dạng thấp tuyệt đối không được ra ngoài khi trời đang mưa phùn. Khi trời rét đậm cộng với độ ẩm cao, bệnh có thể tiến triển nặng bất thường. Nhiều bệnh nhân khi trời lạnh, cơ thể không mặc đủ ấm vẫn ra ngoài rất dễ gây sốt và sưng, đau, nóng, đỏ các khớp. Các biến dạng khớp thấy rõ cùng trạng thái teo cơ, cứng cơ (khó cử động khớp) có khi kéo dài hàng giờ vào buổi sáng bắt đầu từ khi tỉnh giấc.

VN có gần nửa triệu người mắc bệnh viêm khớp dạng thấp, trong đó 80% là phụ nữ trung niên. Đây là một dạng bệnh khớp mãn tính kéo dài, gây di chứng dính khớp, sưng đau các khớp. Biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh là biến dạng khớp có thể dẫn đến tàn phế.

Trong tháng mười một, số người nhập viện tại khoa cơ xương khớp Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội do viêm khớp dạng thấp chiếm đến 1/5 tổng số bệnh nhân điều trị nội trú. Theo TS Vũ Thị Thanh Thủy, phó khoa, những người phải nằm điều trị nội trú có biểu hiện bệnh đã rất nặng, gây đau đớn, thậm chí không thể đi lại.

Thời điểm chuyển sang mùa lạnh thường gây hiện tượng đột cấp của bệnh gout, biểu hiện rõ nhất ở tình trạng sưng đau ngón chân cái. Bệnh phổ biến ở nam giới trên 30 tuổi, sống tại thành thị. Thêm một thực tế là vào trời lạnh, việc ăn nhậu thường xuyên lại là tác nhân khiến tình trạng bệnh nặng hơn, dễ lên cơn cấp tính hơn. Rượu, bia, thịt bò, đồ nhắm giàu chất đạm... chính là “đồng minh” số một của gout.

Giáo sư Ân nhấn mạnh ngay cả thoái hóa khớp và loãng xương dù không chịu ảnh hưởng nhiều từ thời tiết lạnh, nhưng sự thay đổi của độ ẩm và áp suất không khí trong mùa cũng có thể khiến bệnh nặng hơn.

ĐỖ THỊ NGỌC HÀ